Thứ 7, 23/11/2024, 21:13[GMT+7]

Làng nghề vượt khó vươn lên

Thứ 5, 28/10/2021 | 08:35:12
2,617 lượt xem
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xu hướng thị trường, những năm qua, không ít làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh dần mai một song vẫn có những làng nghề trụ vững và phát triển mạnh mẽ, trong đó có làng nghề dệt khăn xuất khẩu xã Thái Phương (Hưng Hà).

Công đoạn kiểm tra hàng trước khi đóng gói tại Công ty TNHH Quang Minh (xã Thái Phương, huyện Hưng Hà).

Về làng dệt Thái Phương, hiện lên trước mắt chúng tôi là những ngôi nhà cao tầng san sát, những trụ sở công ty sừng sững dọc các tuyến đường, những chiếc xe nối đuôi nhau chở hàng... Nhờ sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề, đời sống của các hộ dân nơi đây đổi thay rõ nét. 

Trong số trên 100 công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang dệt khăn xuất khẩu trong xã phải kể đến Công ty TNHH Quang Minh - doanh nghiệp có kinh nghiệm 20 năm trong ngành dệt may. Hiện Công ty có 3 xưởng dệt, may, nhuộm..., tạo việc làm cho hơn 100 lao động trực tiếp và 100 lao động gián tiếp. Mỗi tháng Công ty sản xuất 100 tấn khăn các loại, doanh thu 9 tháng năm 2021 đạt trên 30 tỷ đồng. 

Ông Trần Xuân Ứng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc nhập nguyên liệu gặp khó khăn, chi phí vận chuyển hàng hóa sang thị trường nước ngoài tăng nhưng Công ty vẫn cố gắng duy trì sản xuất, dù là đơn hàng nhỏ hay đơn hàng lớn. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi giám sát chặt chẽ từng khâu như se sợi, dệt, tẩy nhuộm, may và đóng gói nhằm tạo uy tín với khách hàng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tích cực tìm kiếm nhiều thị trường, chú trọng thay đổi mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm và nâng cao năng lực sản xuất, bằng mọi giá giữ vững và khẳng định thương hiệu của làng nghề.

Chị Bùi Thị Hồng Vân, công nhân Công ty TNHH Quang Minh cho biết: Công việc ở đây rất ổn định, lương của chúng tôi đạt từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Công ty tạo mọi điều kiện cho công nhân làm việc. Bản thân tôi sẽ luôn gắn bó với Công ty để góp phần duy trì và phát triển nghề truyền thống.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty Dệt may xuất khẩu Nam Thành gặp không ít khó khăn, có những lúc phải ngừng một phần sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào, đơn hàng và doanh số giảm nhưng với sự nỗ lực, cố gắng Công ty vẫn đứng vững trên thị trường. Hiện Công ty đang tạo việc làm cho hơn 250 công nhân trực tiếp và 200 công nhân gián tiếp với mức lương từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Trong 9 tháng đầu năm, Công ty đã sản xuất được trên 600 tấn sản phẩm khăn xuất khẩu. 

Ông Đinh Phương Nam, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Đến nay Công ty đã phục hồi sản xuất được 80% so với trước. Nếu như năm 2020 doanh thu của Công ty đạt 4,2 triệu USD thì 9 tháng đầu năm 2021 mới đạt 2 triệu USD, giảm so với cùng kỳ nhưng ở thời điểm này, mức doanh thu như thế vẫn bảo đảm. Công ty đang cố gắng tìm kiếm đơn hàng và đẩy mạnh sản xuất, thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

Hiện nay, toàn xã Thái Phương có trên 620 máy dệt, trong đó 35 - 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại là máy móc công nghiệp, số còn lại sử dụng hệ thống máy móc bán công nghiệp; trên 70% số lao động tham gia làm nghề, xã được công nhận xã nghề vào năm 2011. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển làng nghề thì ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm do nước thải trong hoạt động nấu, giặt, tẩy, nhuộm đang là vấn đề cần được quan tâm giải quyết triệt để. 

Ông Trần Bá Cao, Chủ tịch UBND xã Thái Phương cho biết: Từ tháng 10/2021, chúng tôi tổ chức nạo vét hệ thống sông Bút Mực và sông Tân Việt, kinh phí do UBND tỉnh cấp; vận hành thử nghiệm nhà máy nước thải, nâng công suất  từ 800m3 lên 3.000m3. Cùng với đó, địa phương tập trung vận động các hộ sản xuất, kinh doanh lớn thành lập doanh nghiệp để phát triển sản xuất theo quy mô, thuận lợi trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước và xây dựng thương hiệu sản phẩm của làng nghề.

Từng bước khôi phục, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, làng dệt Thái Phương đang khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.

Công đoạn kéo sợi tại Công ty TNHH Quang Minh, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày