Thứ 7, 23/11/2024, 21:01[GMT+7]

Phụ nữ xã Minh Phú: Phát triển nghề đan bèo tây xuất khẩu

Thứ 2, 29/11/2021 | 10:18:49
4,345 lượt xem
Từ những cây bèo tây tưởng chừng bỏ đi, dưới đôi bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ xã Minh Phú (Đông Hưng) đã trở thành các món đồ thủ công mỹ nghệ đẹp, độc đáo, giá trị, thân thiện với môi trường, được xuất khẩu sang các nước châu Âu, Nhật Bản.

Công ty TNHH Diệp Thảo Minh, xã Minh Phú đạt doanh thu khoảng 50 tỷ đồng/năm từ phát triển nghề đan bèo tây xuất khẩu.

Người có công đầu tiên đưa nghề đan bèo tây về xã Minh Phú là chị Vũ Thị Loan, thôn Thọ Trung. 

Chị Loan cho biết: Năm 2006, vợ chồng tôi du nhập và phát triển nghề mây tre đan, đan cói, đan làn nhựa về địa phương song chỉ được một thời gian thì thị trường tiêu thụ gặp khó. Qua tìm hiểu thấy nghề đan bèo tây đang rất phát triển, tôi đã đi học và nhận nguyên liệu về làm. 

Thời gian đầu chỉ là cơ sở nhỏ với vài lao động, nguyên liệu và thành phẩm đều phụ thuộc vào Công ty TNHH Sản xuất xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Tiến Thành (thành phố Thái Bình). Sau vài năm, với sự năng động, nhạy bén, chị Loan đã tự tìm được nguồn nguyên liệu bèo tây khô ổn định từ miền Nam, khung hộp từ Ninh Bình giá rẻ, bảo đảm chất lượng, vì vậy đã chủ động được trong mọi khâu. Tất cả chị em muốn làm nghề đan bèo tây chị Loan đều tận tình dạy miễn phí và cho các chị nhận nguyên liệu, khung về nhà làm khi thạo nghề. Đến nay, nghề đan bèo tây không chỉ tạo việc làm ổn định cho hơn 10 thành viên của gia đình chị Loan mà còn cho hàng trăm lao động nông nhàn trong và ngoài xã. Với 12 đầu mối đan bèo tây cho Công ty TNHH Diệp Thảo Minh của gia đình chị Loan rải khắp trong tỉnh, mỗi tháng Công ty xuất 6 công hàng với hàng vạn sản phẩm chất lượng sang các nước châu Âu, Nhật Bản; doanh thu đạt khoảng 50 tỷ đồng/năm.

Dù phải trải qua nhiều công đoạn như phân loại bèo tây khô, vệ sinh, cuốn khung, đan hộp, nhúng keo, phơi hoặc sấy..., tuy nhiên nghề đan bèo tây nhẹ nhàng, vừa làm việc nhà mà vẫn đan hộp được, phù hợp với nhiều lứa tuổi, chỉ cần học vài ngày, quan trọng hơn lúc nông nhàn có việc để làm, có thêm nguồn thu trang trải cuộc sống, do vậy nhiều chị em đã nhận nguyên liệu từ nhà chị Loan về đan. 

Bà Trần Thị Dịu, thôn Thọ Nam, xã Minh Phú cho biết: Vợ chồng tôi làm nghề đan bèo tây 12 năm nay. Ngoài việc đồng áng thì rảnh lúc nào là tranh thủ đan lúc đó, ngày đan chúng tôi có nguồn thu ổn định 100.000 - 120.000 đồng. “Ly nông bất ly hương”, nghề đan bèo tây ở xã Minh Phú thu hút rất đông phụ nữ tham gia, đa số là người cao tuổi, chị em không có điều kiện đi làm công ty. 

Chia sẻ với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Việt, thôn Thọ Nam cho biết: Vợ chồng tôi tuổi đã cao, ngoài thời gian mùa vụ đều tham gia đan hộp xuất khẩu. Dù đan tranh thủ nhưng mỗi tháng vợ chồng vẫn có thêm 2,5 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Trước đây, khi chưa có nghề này chúng tôi xong việc đồng áng là chơi, không có thu nhập thêm, cuộc sống khó khăn.    

Chị Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Phú cho biết: Minh Phú là xã thuần nông, thu nhập của người dân, đặc biệt là của chị em phụ nữ còn thấp trong khi thời gian nông nhàn thì nhiều. Do vậy, thời gian qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã rất quan tâm khuyến khích, tạo điều kiện cho hội viên du nhập, phát triển nghề mới, giải quyết việc làm cho phụ nữ và lao động địa phương. Đã có một số chị em năng động du nhập nghề mới về xã như đan bèo tây, mây tre đan, đan cói... Với các lợi thế nhẹ, hút ẩm tốt, độ bền khá cao, thân thiện với môi trường, các sản phẩm làm từ bèo tây hiện đang rất “được lòng” thị trường, tạo ra xu hướng thay thế cho nhiều nguyên liệu sản xuất đồ tiêu dùng không an toàn khác. Tận dụng thời gian nông nhàn, chị em phụ nữ trong xã đã khéo léo tạo ra các sản phẩm thủ công độc đáo, giá trị sử dụng cao từ cây bèo tây. Vì vậy, nghề đan bèo tây duy trì được lâu, phát triển mạnh, hiện đang tạo việc làm cho khoảng 300 lao động trong xã, phần lớn là phụ nữ.

Hơn 10 năm qua, nghề đan hộp xuất khẩu bằng bèo tây cùng với một số nghề phụ mà chị em phụ nữ du nhập, phát triển đã góp phần đem lại nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ dân xã Minh Phú. Đây cũng là nghề góp phần thúc đẩy kinh tế của xã Minh Phú ngày càng phát triển, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 51 triệu đồng/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 còn 2,45%.

Dù đã cao tuổi song 2 vợ chồng bà Nguyễn Thị Việt, xã Minh Phú vẫn tham gia đan bèo tây xuất khẩu, tăng thu nhập cho gia đình.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày