Hương cốm Đồng Thanh
Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về Đồng Thanh – mảnh đất phía Bắc của huyện Vũ Thư. Cái lạnh giá của mùa đông sắp tan, nhường chỗ cho mùa xuân ấm áp, trong gió thoang thoảng hương cốm, làm chúng tôi ấm lòng khi đặt chân tới mảnh đất nơi đây, càng muốn tìm hiểu nét đặc trưng của nghề làm cốm truyền thống tạo nên một thương hiệu nổi tiếng “cốm Thanh Hương”. Đi dọc con đường trục xã, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đời sống của nhân dân Đồng Thanh từng ngày đổi thay, góp phần không nhỏ cho sự đổi thay đó là do người dân địa phương biết phát huy nghề truyền thống làm cốm, tạo ra giá trị thu nhập cao, đời sống gia đình ổn định, kinh tế của địa phương phát triển.
Nghề làm cốm ở Đồng Thanh không biết có tự bao giờ, các cụ cao tuổi trong làng nói rằng khi sinh ra đã có nghề làm cốm, theo cha truyền con nối và chỉ tập trung tại thôn Thanh Hương. Những hạt cốm nhỏ bé do người dân thôn Thanh Hương làm ra cần có sự khéo léo, tỉ mẩn, công phu. Khâu đầu tiên phải chọn được thóc, đó phải là thóc nếp, hạt mẩy, không bị lép thì cốm mới thơm ngon, có hương vị đặc trưng. Chỉ những người nông dân thôn Thanh Hương mới có kinh nghiệm chọn được thóc tốt nhất để làm cốm, bông lúa chín đến giai đoạn nào thì gặt về, đây cũng là bí quyết cha truyền con nối. Thóc gặt về được phơi đến “độ”, mà phải thóc non, thóc được ngâm trong nước 24 giờ sau đó vớt ra đãi sạch, rồi lại ngâm tiếp 12 giờ với nước có tỷ lệ 20% nước sôi, 80% nước lạnh để làm cho thóc mềm hơn. Tiếp theo thóc được vớt ra, đãi sạch một lần nữa, để cho ráo nước rồi đem rang. Trong quá trình rang thóc, lửa bếp phải cháy thật đều thóc mới chín đều, không được giòn quá, mà cũng không non quá.
Đến công đoạn cho thóc ra cối giã, đảo đều tay, đến khi hạt gạo dẹt vừa đủ. Sau đó xúc ra sàng lọc vỏ trấu, rồi cho vào máy rê lọc hết vỏ trấu và cám. Khâu cuối cùng là khâu lọc cốm, người làm phải lọc thủ công để loại bỏ những hạt cốm bé và vảy thóc đến khi sạch mới thôi. Cốm Thanh Hương có hai loại: Cốm trắng và cốm xanh, cách làm hai loại cốm này cùng một công đoạn trên, song chỉ khác là cốm xanh phải ngâm thóc lâu hơn và ngâm thóc lần hai với 100% nước sôi, giã dối hơn, có nhuộm ít màu thực vật và sấy khô. Loại cốm xanh thường dùng làm xôi vò, bánh cốm cho các lễ ăn hỏi, đám cưới.
Ngày trước, dân làng Thanh Hương làm cốm bằng phương pháp thủ công nhưng ngày nay các công đoạn thủ công được thay thế 80% bằng máy để đáp ứng số lượng tiêu thụ lớn của thị trường. Cốm Thanh Hương đã “phiêu du” khắp mọi miền từ vùng cao, trung du, cho đến thủ đô. Cốm Thanh Hương nổi tiếng nhờ có hương vị đặc trưng, đẹp hơn về hình thức, được nhiều nơi nhận bao tiêu sản phẩm. Cốm là thứ quà có nét đặc trưng của vùng nông thôn, nơi có những cánh đồng lúa bát ngát, thẳng cánh cò bay. Khi đã được thưởng thức hương vị của cốm người ta mới cảm nhận được mùi vị của lúa mới, thanh đạm, quyến rũ, dung dị, chắt chiu những tinh tú của đất trời. Cốm mang nhiều hương vị của làng quê, cái thanh khiết, chất phác, lòng hiếu khách của người dân nông thôn. Thời nay cốm còn dùng để làm quà cưới hỏi, từ những hạt cốm đồng quê nên duyên bao nhiêu đôi uyên ương, gắn kết đôi bên bốn họ trở nên gần gũi thân thiết, thắm đượm tình người.
Cái hạt cốm bé tẹo mang thương hiệu Thanh Hương ấy ngày càng vươn xa, từ hạt cốm mà nhiều người trong làng có đời sống kinh tế ổn định, trở thành triệu phú. Làng Thanh Hương hiện có 883 hộ, 3.358 khẩu, trong đó khoảng 60 ông chủ cốm, có những chủ cơ sở sản xuất quy mô lớn như gia đình anh Phạm Ngọc Hà, Lê Văn Khích, Hoàng Đình Nhẫn, Lương Đức Tuấn... Đến gia đình anh Lê Văn Khích, lúc nào cũng rộn ràng tiếng máy, tiếng chày giã cốm, một tháng gia đình anh làm ra khoảng 1,8 tấn cốm, thuê thêm 4 lao động cùng làm. Anh cho biết: chính nhờ vào những hạt cốm, gia đình anh cũng như nhiều gia đình khác trong thôn có “của ăn, của để”, xây được nhà khang trang, mua sắm phương tiện, trang thiết bị sinh hoạt đắt tiền. Nghề làm cốm tại thôn chúng tôi sản xuất quanh năm, nhưng tập trung nhất là vào tháng 8 đến tháng 3 năm sau vì thời gian này có nhiều lễ hội và cưới hỏi. Ngoài phát triển kinh tế, người dân thôn Thanh Hương không quên nguồn gốc của làng nghề làm cốm, luôn luôn trân trọng những giá trị văn hóa từ ông cha để lại, hàng năm hội làng Thanh Hương được mở vào hai ngày 18 và 19 tháng 11 (âm lịch). Trong lễ hội, nhân dân vẫn duy trì được phong tục dâng lễ sớ, cúng cáo yết của làng nghề để tưởng nhớ ông tổ nghề cốm.
Qua trao đổi, Chủ tịch UBND xã - Phạm Ngọc Năng cho biết: Nghề truyền thống làm cốm Thanh Hương đóng góp trên 30% giá trị sản xuất hàng năm của địa phương. Nhân dân thôn Thanh Hương có đời sống kinh tế ổn định, nhiều gia đình có điều kiện cho con cái học hành, mua sắm được phương tiện đắt tiền như xe máy, ô tô... Đường làng, ngõ xóm được láng nhựa, cứng hóa bê tông, chỉnh trang phong quang sạch đẹp, nhà cao tầng, mái bằng chiếm đến 80% số hộ trong thôn. Phấn đấu những năm tới Đồng Thanh duy trì sự phát triển bền vững làng nghề theo hướng xây dựng thương hiệu phù hợp với cơ chế thị trường, gắn liền với bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: Mạnh Thắng
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường