Thứ 4, 27/11/2024, 10:16[GMT+7]

Gói tết cho mọi nhà

Thứ 2, 17/01/2022 | 08:55:54
4,699 lượt xem
Giữa hanh hao se lạnh của ngày cuối đông, đào, mận trong vườn nhà chúm chím nụ cũng là lúc trời đất báo hiệu mùa xuân đang gõ cửa từng nhà. Trong không khí háo hức, nồng ấm chuẩn bị đón xuân sang, chúng tôi về làng Đông Trì xưa, nay thuộc xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình để được cùng bà con nhân dân chuẩn bị món cổ truyền đậm hương vị ngày tết - món giò sỏ. Đây là món ăn truyền thống mà từ lâu đã được người Việt xem như một nét văn hóa ẩm thực cổ truyền. Một đĩa giò tượng trưng cho sự ấm êm đầy đủ và thịnh vuợng của mỗi gia đình.

Ông Trần Quang Khải tỉ mỉ sắp xếp khuôn hình giò.

Món quà tết độc đáo từ Vũ Đông

Vũ Đông một dải đất ven dòng sông Trà Lý thơ mộng có lịch sử phát triển lâu đời, nay vẫn giữ được khá nhiều nét đặc trưng truyền thống. Vùng quê đó đang khởi sắc từng ngày bởi những con người cần cù lao động và luôn mạnh dạn đổi mới trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no. Người Vũ Đông tự hào vì có nghề truyền thống làm giò sỏ hiện thương hiệu đã nổi tiếng khắp miền đất nước.

Con đường làng đã được bê tông hóa sáng, xanh, sạch, đẹp dẫn lối vào gia đình nghệ nhân có tiếng làm giò ngon nhất vùng - ông Trần Quang Khải, thôn Đình Phùng, xã Vũ Đông. Mặc dù đang trong cái rét ngọt, đặc trưng của khí hậu miền Bắc những ngày giáp tết, nhưng không tĩnh lặng, trầm mặc như vốn có, mà trở nên rộn rã lạ thường, bởi mọi người đang khẩn trương kịp xuất những đơn hàng lớn cho thị trường vào dịp tết Nguyên đán. Mới gặp lần đầu mà như đã thân thiết từ lâu, ông Trần Quang Khải cười với chúng tôi bằng câu thơ ví von của người dân làm giò: “Khéo thì thợ may, vụng tay thì chày cối”, song tiếng chày cùng tiếng cối và tấm lòng người dân Vũ Đông đã góp phần mang tết truyền thống đến cho mọi nhà.

Theo ông Khải: Giò Vũ Đông có nhiều loại gồm giò lụa, giò thúc, giò xào, giò phê, giò lòng, giò sòi, giò sỏ, nhưng theo thị yếu của người tiêu dùng thì giò sỏ vẫn phổ biến và được ưa chuộng nhất. Nguyên liệu làm giò sỏ thì đơn giản chỉ là thịt lợn, trứng và các món gia vị, nhưng công đoạn để làm ra nó đòi hỏi phải tỉ mỉ và chính xác từ pha trộn nguyên liệu đến cách xếp, luộc, bảo quản. Ở mỗi khâu, người thợ phải cẩn thận trong từng thao tác thì miếng giò làm ra mới đạt chất lượng, mẫu mã đẹp, màu sắc bắt mắt và thơm ngon. Chọn thịt lợn phải là thịt mông tươi và thịt ba chỉ, nóng dẻo khi vừa mổ, không dùng thịt nguội, thịt uôi. Trứng vịt hoặc trứng gà phải là trứng sạch ăn thóc thì khi rán mới cho màu vàng đẹp, thịt ba chỉ phải được ướp gia vị để thẩm thấu từng thớ thịt. Khi đã chuẩn bị đầy đủ, khâu sắp xếp nguyên liệu thành giò theo hình cũng yêu cầu phải có kỹ xảo, để miếng giò khi thắt ra có hoa văn hoặc hình trái tim, do đó giò không gói theo khuôn có sẵn mà phải bằng thủ công để tạo hình. Một trong những nguyên liệu không thể thiếu ở giò sỏ là phải có tai lợn, bì lợn và mắt lợn, mộc nhĩ. Bó giò phải trải thật đều tay. Luộc giò chỉ từ 2 - 3 tiếng, sau đó phải đưa đi ép vuông từ 4 - 5 tiếng để định hình giò. Để gói được một cuộn giò sỏ từ 2 - 7kg thì phải mất 1 tiếng trở lên mới hoàn thiện.

Giò Vũ Đông có hoa văn đẹp mắt.

Giữ nghề nghề chẳng phụ

Sống với nghề, bám lấy nghề không chỉ là cuộc mưu sinh, mà còn là giữ nghề cha ông, giữ cái nếp của làng, chỉ nhãng đi một cái là sẽ chẳng còn một thứ nghề đã trải qua khá nhiều thăng trầm cùng lịch sử. Ông Khải tâm sự: Dưới thời phong kiến, món ăn này rất cao quý, bữa cỗ có món giò chả thì coi như sang lắm. Còn bây giờ nó trở thành món ăn truyền thống, dân dã hơn, mọi tầng lớp đều có thể thưởng thức. Đến 90% dân làng Vũ Đông mang nghề giò đi xa, lập nghiệp và thành công. Thương hiệu ấy đã và đang được trải ra khắp trong Nam, ngoài Bắc. Trong làng, hầu như ai cũng biết làm giò này. Thế nhưng để giò thật ngon và có uy tín lâu năm thì toàn xã chỉ còn 8 hộ gia đình. Do có uy tín nhiều năm, nên quanh năm nhà ông Khải không lúc nào hết việc. Nếu như ngày thường trung bình gia đình ông bán 100kg giò, 3 - 4 người làm thì ngày tết trung bình mỗi ngày tiêu thụ 300kg và phải thuê 20 lao động mới kịp đáp ứng nhu cầu người dân trong dịp này. Có năm gia đình không đủ hàng để giao cho khách. Trừ chi phí, thu nhập tháng tết cho gia đình hàng trăm triệu đồng.

Người dân xã Vũ Đông vẫn thường nhắc nhở nhau: Để giò Vũ Đông trở thành thương hiệu có tiếng và có chỗ đứng vững trên thị trường như hiện nay là điều không hề đơn giản trước sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều sản phẩm đến từ khắp nơi trên cả nước. Vất vả, cực nhọc là có nhưng người dân rất vui và thấy may mắn vì nghề của cha ông truyền lại đã cho họ một công việc và cuộc sống ổn định, thậm chí là khá giả. Đây không chỉ là món ăn truyền thống không thể thiếu trong các dịp lễ, tết mà còn là niềm tự hào của người dân Vũ Đông đã góp phần tạo nên nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng đất anh hùng nằm trong lòng thành phố anh hùng.

Bích Hạnh
(Đài TTTH thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày