Chủ nhật, 10/11/2024, 05:45[GMT+7]

Làm giàu từ mây tre đan

Thứ 2, 24/01/2022 | 10:40:27
7,813 lượt xem
Trong khi phần lớn hộ dân trong xã phát triển nghề đan bèo tây thì anh Lê Xuân Độ, xã Minh Phú (Đông Hưng) lại chọn cho mình lối đi riêng là du nhập, phát triển nghề mây tre đan xuất khẩu. Thành công, anh không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Anh Lê Xuân Độ kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán.

Thời trẻ, vợ chồng anh Độ phải “ly hương” vào tận Cà Mau để kiếm sống. Nhiều năm xa xứ, luôn đau đáu hướng về nơi chôn nhau cắt rốn, khi dành dụm được chút vốn, anh chị đã quyết định trở về quê lập nghiệp. 

Anh Độ chia sẻ: Về quê, tôi thấy xã Minh Phú có nghề đan bèo tây nhưng mới phát triển, chưa giải quyết được nhiều việc làm trong lúc nông nhàn cho bà con. Hai vợ chồng đã đi nhiều nơi nghiên cứu các nghề thủ công truyền thống, cuối cùng thống nhất đi học nghề mây tre đan tại xã Thượng Hiền (Kiến Xương). Nghề mây tre đan dễ học, dễ làm, chỉ học ít ngày là làm được những sản phẩm đơn giản. Mới đầu vừa đan vừa học hỏi nhằm nâng cao tay nghề để làm ra các sản phẩm tinh xảo, giá trị kinh tế cao hơn. Đến nay, cơ sở làm được trên 10 mặt hàng với nhiều mẫu mã khác nhau theo đơn đặt hàng của khách từ nguyên liệu là mây tre như túi con sò, túi trái tim, giỏ xách, xe, chậu... 

Theo anh Độ, để tạo ra một sản phẩm mây tre đan đẹp và có chất lượng tốt thì khâu lựa chọn nguyên liệu là quan trọng nhất. Nguyên liệu sau khi chọn sẽ được tuốt, phơi, chẻ thành nan. Việc chẻ nan giờ đã có máy hỗ trợ vừa nhanh vừa đều, tuy nhiên sau đó vẫn phải tuốt lại bằng tay để có những sợi nan mượt mà, phẳng bóng. Tiếp đó sấy hoặc phơi nắng nan để có màu đẹp tự nhiên, cuối cùng mới đến tay người thợ đan thành sản phẩm. Sản phẩm xuất sang các nước châu Âu, do vậy mẫu mã và chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu.  

Nghề mây tre đan đơn giản, nhẹ nhàng nhưng phải tỉ mỉ, cẩn thận, có thể tranh thủ lúc nông nhàn, là nghề phụ nhưng thu nhập khá, vì vậy nhiều người đến cơ sở của anh Độ học, nhận nguyên liệu về nhà làm, chủ yếu là người có tuổi và phụ nữ đang nuôi con nhỏ. Tất cả đều được anh Độ dạy nghề miễn phí. Đến nay, cơ sở mây tre đan của anh đang tạo việc làm cho trên 70 lao động là người xã Minh Phú và xã Trọng Quan. Thu nhập của người đan tùy vào số lượng sản phẩm họ làm ra, bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn 5 - 6 lao động làm việc tại cơ sở, thực hiện các công đoạn như nhúng keo, nhuộm, chẻ nan, sửa sản phẩm lỗi... 

Chị Đào Thị Trâm, xã Minh Phú cho biết: Ở nông thôn, sau ngày mùa thì phụ nữ chúng tôi ít có việc làm, cuộc sống khó khăn. Từ khi tham gia làm nghề mây tre đan do vợ chồng anh Độ du nhập về địa phương, mỗi tháng dù chỉ làm tranh thủ lúc rảnh rỗi cũng được trên 2 triệu đồng để trang trải cuộc sống.

Cơ sở mây tre đan của anh Độ hoạt động chưa được bao lâu thì dịch Covid-19 xuất hiện đã ảnh hưởng đến việc nhập nguyên liệu, xuất hàng song anh vẫn cố gắng duy trì công việc đều đặn cho mọi người. Năm đầu hoạt động cơ sở thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Năm 2021 thu lãi trên 200 triệu đồng.

Ngày nay, với xu hướng giảm rác thải nhựa thì những sản phẩm thủ công từ mây tre đan thân thiện với môi trường càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Bởi vậy, mong muốn của anh Độ là sẽ tiếp tục nghiên cứu, du nhập, phát triển thêm một số nghề phụ về địa phương nhằm tạo thêm nhiều việc làm cho bà con, phù hợp với các lứa tuổi khác nhau cần được cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện giúp đỡ để sớm trở thành hiện thực.

Thu Hiền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày