Thứ 5, 14/11/2024, 11:03[GMT+7]

Khấm khá với nghề làm bún

Thứ 3, 08/03/2022 | 08:43:32
3,809 lượt xem
Gắn bó với nghề làm bún đã giúp kinh tế gia đình chị Đoàn Thị Mý, thôn Đoài, xã Thụy Trình (Thái Thụy) khấm khá, bản thân chị trở thành gương phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi.

Nghề làm bún giúp kinh tế gia đình chị Đoàn Thị Mý khấm khá.

Từ năm 1991, vợ chồng chị Mý đã làm bún tươi. Theo chị Mý, lúc đó làm bún chủ yếu là lấy công làm lãi. Nghề này khá cực nhọc, chủ yếu làm thủ công, từ khâu xay bột đến ép tạo sợi hoàn toàn bằng sức người. Hàng ngày anh chị phải dậy từ 2 - 3 giờ sáng làm để kịp giao hàng cho khách. Ngày đó người dân còn chưa quen ăn bún nên việc tiêu thụ gặp không ít khó khăn, mỗi ngày anh chị chỉ sản xuất vài chục cân. Vất vả mà hiệu quả kinh tế không cao, anh chị vay mượn người thân và quỹ tín dụng lên Lào Cai mua máy làm bún. Nhưng do chưa nắm rõ quy tắc vận hành máy nên anh chị gặp nhiều khó khăn. Bỏ qua lời khuyên bán máy để tránh lỗ, anh chị quyết tâm bám trụ với nghề. 

Khi công việc bắt đầu thuận lợi thì chồng chị qua đời. Vượt qua nỗi đau mất mát, chị là chỗ dựa cho các con, đưa nghề phát triển theo di nguyện của chồng. Phải làm thế nào để bún của mình khẳng định được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng; làm thế nào để nghĩ về bún là người tiêu dùng có ấn tượng về sản phẩm sạch, đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tốt cho sức khỏe... - những câu hỏi đó là trăn trở của người làm bún nói chung, chị Mý cũng không phải là ngoại lệ. Theo chị, phải có công nghệ và sự tận tâm. Chị đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm các loại máy phục vụ sản xuất bún, bánh phở tạo ra một hệ thống liên hoàn, từ máy vo gạo, xay gạo, máy ép bột, đánh bún... Hiện cơ sở sản xuất Vũ San của chị sản xuất khoảng 1,2 tấn bún, bánh phở, bánh cuốn/ ngày, tiêu thụ tại huyện Thái Thụy và thành phố Hải Phòng, thu lãi hơn 150 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho từ 7 - 10 lao động tùy từng thời điểm với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/ người/tháng. Trước khi có dịch Covid-19, cơ sở sản xuất khoảng 1,6 tấn bún, bánh phở, bánh cuốn/ngày. 

Để giữ chữ tín với khách hàng, chị Mý luôn đặt tiêu chí chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu. Gạo phải đặt loại chuyên làm bún phở, trắng, mới và ngon. Quá trình ngâm chua không dùng bất kỳ một hóa chất gì. Nguồn nước được cung cấp từ nhà máy nước sạch. Từ nguyên liệu đến các khâu chế biến đều bảo đảm vệ sinh, hàng năm đều được ngành chức năng kiểm tra, cấp giấy chứng nhận bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Người lao động mặc trang phục bảo hộ, đeo gang tay và khẩu trang, nếu sức khỏe không bảo đảm, nhất là gặp các bệnh truyền nhiễm thì nghỉ làm. Hệ thống xử lý nước thải được xây dựng đồng bộ giúp cơ sở luôn sạch sẽ, tươi mới. Sản phẩm làm ra luôn giữ được chữ tín với khách hàng.

Chị Lê Thị Dung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thụy Trình cho biết: Nhờ nghề làm bún, bánh phở, bánh cuốn mà kinh tế gia đình chị Mý ngày càng khấm khá, chị là gương điển hình trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho phụ nữ địa phương. Không những vậy, chị Mý còn là hội viên nòng cốt, tiêu biểu trong các hoạt động xã hội từ thiện: ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phương Chi



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày