Cần có cơ chế hỗ trợ nghề mây tre đan phát triển bền vững
Chưa bao giờ người dân ở làng nghề mây tre đan Thượng Hiền dám nghĩ có thể làm giàu với nghề thủ công truyền thống của địa phương. Nhưng bây giờ, nghề đan mây đã mang lại thu nhập rất cao cho bà con. Nhiều lao động trẻ từng bỏ nghề đi vào nhà máy, xí nghiệp nay lại trở về làng gắn bó với nghề cha truyền con nối hàng trăm năm.
Bà Phạm Thị Nhẫn, thôn Trung Quý cho biết: Những lao động cao tuổi như chúng tôi vừa tranh thủ làm đồng áng và trông cháu vừa đan lát mỗi tháng cũng có thu nhập 5 - 6 triệu đồng/người. Còn lao động trẻ làm nhanh nhẹn và chuyên tâm thì thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập như hiện nay, bà con làng nghề rất phấn khởi, nhà nào cũng huy động nhân lực để làm nghề.
Toàn bộ sản phẩm của làng nghề mây tre đan Thượng Hiền đều được 3 doanh nghiệp và 8 cơ sở kinh doanh trong xã bao tiêu.
Anh Phạm Ngọc Tấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Mây song Dũng Tấn ở thôn Tây Phú cho biết: Sản phẩm mây đan thủ công của làng nghề có chất lượng và mỹ thuật rất cao nên đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại ở một số địa phương khác trong cả nước cũng như hàng của Trung Quốc. Chúng tôi đang cung cấp khoảng 50.000m2 sản phẩm/năm cho 30 đối tác là doanh nghiệp, đại lý thương mại, doanh thu đạt 15 tỷ đồng/năm.
Sản phẩm của làng nghề mây tre đan Thượng Hiền làm ra ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Mặc dù toàn xã có gần 1.500 hộ với khoảng 4.000 lao động tham gia nghề đan mây nhưng sản lượng hàng hóa làm ra vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Anh Phạm Văn Dinh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân mây tre đan mỹ nghệ xuất khẩu Dinh Doanh ở thôn Văn Lăng cho biết: Mỗi năm sản lượng hàng hóa doanh nghiệp trực tiếp sản xuất và bao tiêu cho bà con trị giá khoảng 20 tỷ đồng. Thị trường chính gồm Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và xuất khẩu đi châu Âu, sức tiêu thụ ngày càng tăng nên chúng tôi phải liên kết, phát triển thêm hàng trăm cơ sở sản xuất vệ tinh tại các huyện trong tỉnh với hơn 1.000 lao động.
Nghề mây tre đan ở Thượng Hiền phát triển mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây. Mỗi năm làng nghề mang về cho địa phương giá trị trên 80 tỷ đồng, bằng 46% tổng giá trị sản xuất của toàn xã.
Ông Phạm Xuân Hợp, Chủ tịch UBND xã cho biết: Với hiệu quả kinh tế cao như vậy, không chỉ cấp ủy, chính quyền địa phương mong muốn mà các hộ dân tha thiết mở rộng quy mô làng nghề. Tuy nhiên, cái khó hiện nay đó là công tác xử lý môi trường của làng nghề đang gặp khó khăn. Quá trình sơ chế nguyên liệu, bảo quản sản phẩm phải sử dụng hóa chất tẩy rửa, các hộ dân vẫn xả thải tự do trong khu dân cư, chưa có hệ thống thu gom, công trình xử lý dẫn tới nguy cơ ô nhiễm môi trường nặng nề nếu quy mô sản xuất lớn hơn. Địa phương đã quy hoạch quỹ đất phát triển làng nghề nhằm đưa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có xả thải ra hoạt động tập trung, thuận lợi cho việc quản lý môi trường nhưng vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì thế, làng nghề vẫn phát triển cầm chừng.
Dẫu phát triển mạnh nhưng năng suất lao động của các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình ở làng nghề Thượng Hiền còn thấp bởi các công đoạn sản xuất phần lớn dựa vào lao động thủ công, rất hạn chế trong áp dụng máy móc công nghệ.
Anh Phạm Văn Dinh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân mây tre đan mỹ nghệ xuất khẩu Dinh Doanh cho biết thêm: Những tháng đầu năm là dịp tiêu thụ hàng hóa tốt nhất trong năm. Nhưng với điều kiện thời tiết nồm ẩm rất dễ gây nấm mốc nguyên liệu, sản phẩm; trong khi đó, các cơ sở sản xuất không có điều kiện đầu tư kho, máy sấy cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất và bảo quản sản phẩm.
Điều làm người dân làng nghề mây tre đan Thượng Hiền trăn trở nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất rất bị động và không bền vững. 100% nguyên liệu mây, song của làng nghề đều thu mua của nông dân một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc miền Trung khai thác từ rừng và một phần nhập khẩu từ Lào.
Anh Phạm Ngọc Tấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Mây song Dũng Tấn chia sẻ: Việc bà con đi rừng theo thời vụ cộng với khai thác tự nhiên tận thu cũng đến lúc cạn kiệt, không có vùng nguyên liệu trồng và chăm sóc là những bất cập khiến cho nghề đan của bà con khó đi được đường dài cũng như ít có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất.
Nhờ thu nhập cao từ nghề đan mây, nhiều lao động trẻ đã rời nhà máy, xí nghiệp trở lại làng làm nghề thủ công truyền thống.
Khắc Duẩn
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn