Thứ 7, 23/11/2024, 18:09[GMT+7]

Về Đồng Xâm

Thứ 2, 25/04/2022 | 08:20:54
5,050 lượt xem
Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương) nổi tiếng cả nước với nghề chạm bạc. Làng nghề phát triển rực rỡ mang lại đời sống ấm no cho người thợ thủ công và làm cho diện mạo nông thôn ngày thêm khởi sắc. Tuy nhiên, sự phát triển đó cũng đặt làng nghề đứng trước nhiều thách thức, nhất là về môi trường.

Sản phẩm của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm ngày càng đa dạng, phong phú và tinh xảo.

Hương sắc một vùng quê

Những ngày này, cả xã Hồng Thái trở nên náo nhiệt bởi không khí làm việc của làng nghề và lòng người rạo rực, háo hức hướng về lễ hội đền Đồng Xâm được tổ chức vào ngày 1/4 âm lịch. Năm nay, lễ hội trùng với ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài 4 ngày nên rất nhiều người đi làm ăn xa có điều kiện trở về quê thăm gặp người thân và bái yết tổ nghề. 

Chị Tạ Thị Tươi, thôn Hữu Bộc chia sẻ: Ai cũng ngóng về hội làng bởi nó là dịp người thợ thủ công tri ân công đức của cụ tổ nghề, được tham gia các hoạt động tế lễ, trò chơi dân gian, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tay nghề, cách thức kinh doanh để nâng cao đời sống và cùng nhau gìn giữ làng nghề thịnh vượng.

Với lịch sử gần 600 năm nhưng chưa bao giờ làng nghề chạm bạc Đồng Xâm phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Hiện cả làng nghề có 1 doanh nghiệp, 150 tổ, hộ sản xuất với khoảng 2.000 lao động. Bình quân thu nhập của người thợ từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của Đồng Xâm có mặt khắp nơi trong cả nước, nhất là hiện diện ở các công trình lớn nổi tiếng ở Tràng An, Bái Đính (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam), Bà Nà (Đà Nẵng)... Theo những đơn đặt hàng sản xuất, sản phẩm chạm bạc, chạm đồng của làng nghề còn vượt viễn dương sang châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước khu vực châu Á. 

Ông Nguyễn Văn Niết, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Mỗi năm chỉ tính riêng làng nghề chạm bạc Đồng Xâm mang về cho địa phương hơn 120 tỷ đồng, chiếm khoảng 45% tổng giá trị sản xuất của cả xã.

Một vài năm gần đây, nhờ có sự quan tâm của các cơ quan chức năng, làng nghề được đầu tư nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm do Chi hội Kim hoàn mỹ nghệ quản lý; hệ thống đường giao thông khang trang, thuận lợi nên nhiều du khách tìm về Đồng Xâm tham quan, mua sắm. Nắm bắt cơ hội đó, các hộ dân nơi đây cũng từng bước phát triển du lịch trải nghiệm mang lại thêm nguồn thu nhập. Vẫn những con đường quê uốn lượn bao đời nhưng nếp nhà nay không còn lụp xụp mà thay vào đó là những tòa biệt thự cao tầng mọc lên san sát làm cho khung cảnh làng quê Hồng Thái phú lệ.

Nghề chạm bạc, chạm đồng ở Đồng Xâm đang tạo việc làm và thu nhập khá cho hơn 2.000 lao động địa phương.

Còn đó những trăn trở

Làng nghề vẫn sôi động tiếng máy, tiếng búa đục, chạm, sản phẩm Đồng Xâm vẫn xuôi ngược Nam, Bắc. Vậy nhưng trong niềm vui của sự phát triển hiện tại, rất nhiều người đã thấy những bất cập ảnh hưởng tới danh tiếng làng nghề và chất lượng cuộc sống của bà con. 

Ông Tạ Ngọc Huỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái băn khoăn: Giữ cho làng nghề không mai một thì dễ nhưng để nó phát triển rực rỡ, bền vững, nâng tầm thương hiệu Đồng Xâm thì là cả một câu chuyện dài. Trong đó, việc làm thế nào để giữ vững chất lượng sản phẩm, giảm tác động tiêu cực đến môi trường là bài toán khó nhưng rất cần sớm có lời giải.

Dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua đã gây nhiều khó khăn cho bà con làng nghề chạm bạc Đồng Xâm. Khó khăn về nguyên liệu đầu vào, đầu ra tiêu thụ và cả sự cạnh tranh thị trường đã tác động sâu sắc đến sản xuất của làng nghề. Để duy trì hoạt động và có thể giảm giá thành sản phẩm, không ít hộ sản xuất đã phải bớt nguyên liệu làm cho độ dày sản phẩm có xu hướng ngày càng mỏng dần dẫn đến chất lượng giảm. Đây chính là mối đe dọa nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu sản phẩm được gây dựng mấy trăm năm qua.

Mỗi năm làng nghề chạm bạc Đồng Xâm sản xuất và tiêu thụ hàng triệu sản phẩm ra thị trường. Ngoài sử dụng nguyên liệu đồng khoảng 300 - 400 tấn, cả làng nghề còn dùng khoảng 3 tấn axit các loại như axit sunfuric, axit nitric và thủy ngân phục vụ việc xử lý đồng và hóa mạ sản phẩm. Toàn bộ tồn dư hóa chất sau sử dụng đều không được xử lý mà các hộ sản xuất xả thải trực tiếp ra môi trường. Thêm vào đó, bụi đồng trong quá trình mài đánh bóng sản phẩm phát tán ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người dân. Theo thống kê chưa đầy đủ của địa phương, mỗi năm có khoảng 30 người phát hiện hoặc chết vì bệnh ung thư mà một trong những nguyên nhân được xác định là do có liên quan đến ô nhiễm môi trường làng nghề.

Làng quê ngày càng khang trang.

Làng nghề sẽ về đâu?

Đó là câu hỏi mà cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân xã Hồng Thái đau đáu tìm cách trả lời. Bà con làng nghề luôn hy vọng đầu ra tiêu thụ mở rộng và giá cả ổn định. Song, họ lại chưa biết liên kết với nhau để tổ chức sản xuất có kế hoạch, vẫn mạnh ai người ấy làm, mạnh ai người ấy bán nên xảy ra tình trạng bán phá giá, rồi lại cạnh tranh bằng cách làm sản phẩm mỏng dần. 

Bí thư Đảng ủy xã Tạ Ngọc Huỳnh cho biết thêm: Chúng tôi đã phối hợp với các cấp, các ngành đăng ký nhãn hiệu tập thể cho làng nghề và chứng nhận là sản phẩm OCOP nhằm bảo hộ thương hiệu, tăng giá trị cho sản phẩm và quan trọng nhất là nâng cao ý thức giữ gìn uy tín của làng nghề, chú trọng đưa chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn.

Đồng Xâm có quần thể di tích gồm đền thờ vua Triệu Vũ Đế, Trình Thị Hoàng hậu và am thờ tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Người dân có đời sống văn hóa phong phú cả về thơ ca, trò chơi, lễ hội truyền thống. Làng nghề có 5 nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân và hàng trăm người thợ giỏi nắm giữ những tinh túy ngón nghề. Tất cả các yếu tố này nếu biết phát huy Đồng Xâm sẽ trở thành một trong những địa chỉ du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước. Ngoài mang lại giá trị kinh tế thương mại, nó cũng giúp cho mỗi người dân thêm tự hào, đoàn kết bảo nhau gìn giữ cho làng nghề đẹp và phát triển hơn.

Cảnh làng quê đẹp vì đường to, nhà cửa khang trang, đời sống của người dân khấm khá nhưng môi trường sống còn ô nhiễm khiến người dân địa phương chưa thể yên tâm gắn bó với nghề. Quy hoạch một khu đưa các hộ ra sản xuất tập trung thuận lợi cho quản lý môi trường; có công trình xử lý chất thải làng nghề là mong muốn cháy bóng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Hồng Thái hiện nay. Đó cũng là nền tảng cơ bản giúp làng nghề chạm bạc Đồng Xâm phát triển vững chắc trong tương lai.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày