Thứ 7, 23/11/2024, 17:42[GMT+7]

Đưa sản phẩm nghề mộc làng Vế vươn xa

Thứ 6, 06/05/2022 | 09:40:22
2,847 lượt xem
Ấn tượng đầu tiên khi đến làng Vế, xã Canh Tân (Hưng Hà) là tiếng đục đẽo, tiếng ù ù của máy xẻ gỗ hòa lẫn tiếng máy cưa, máy cắt, máy bào… khiến lòng người rộn ràng hơn. Trải bao thăng trầm, người làng Vế vẫn “cha truyền con nối”, lưu giữ và phát triển nghề mộc để các sản phẩm của làng nghề vươn xa.

Nhờ sử dụng máy móc hiện đại, chuyên môn hóa sản xuất đã giúp sản phẩm của làng nghề vươn xa.

Không khó để bắt gặp không khí lao động hăng say tại các xưởng sản xuất gỗ ở làng Vế khi chúng tôi đến thăm. Các công đoạn như pha, cắt, bào, đục... để tạo ra một bộ bàn ghế, giường, tủ được người thợ làng Vế thao tác nhịp nhàng, thành thục; trong và ngoài các xưởng, khách đến đặt hàng, giao hàng nhộn nhịp. 

Bước chân vào cơ sở sản xuất của ông Đỗ Tuấn Hưng, một trong những cơ sở lớn nhất nhì làng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng những bộ đồ nội thất đa dạng mẫu mã, kích cỡ. Đây là cơ sở cung cấp các đơn hàng cho 40 - 50 hộ trong làng sản xuất rồi thu mua, tạo việc làm cho khoảng 100 lao động, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng nghìn sản phẩm với doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng. 

Ông Hưng chia sẻ: Sản phẩm mộc của làng Vế được sản xuất và tiêu thụ quanh năm. Dịch bệnh đã khiến công việc của xưởng bị ảnh hưởng, vì lượng khách bán lẻ giảm đáng kể so với những năm trước. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn phát triển và hoạt động ổn định. Chúng tôi dự tính trong tương lai sẽ mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, trang bị máy móc hiện đại để tăng thu nhập cho người lao động.

Rời xưởng sản xuất của ông Hưng, chúng tôi đến xưởng của bà Khúc Thị Huệ. Bà Huệ là một trong những người có thâm niên trong nghề sản xuất bàn ghế, giường, tủ, kệ... xuất cho thị trường trong nước. Hiện xưởng của bà Huệ đang tạo việc làm cho 7 lao động, chủ yếu là phụ nữ trong thôn với thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày, nếu là thợ phun màu thì thu nhập trên 1 triệu đồng/ngày. Một tháng xưởng của bà xuất 5 chuyến hàng, mỗi chuyến 10 bộ bàn ghế, 6 bộ kệ, 3 - 4 chiếc tủ. 

Bà Huệ chia sẻ: Nhờ có nghề truyền thống nên đời sống của người dân nơi đây được nâng lên rõ rệt. Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì ngay cả khi dịch Covid-19 bùng phát, tuy nhiên số lượng hàng sản xuất ra và tiêu thụ có sự biến động tùy theo từng loại, từng hộ sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Trong bối cảnh dịch bệnh, hoạt động của làng nghề có phần trầm lắng hơn song các hộ sản xuất vẫn xoay sở nhiều cách để thích nghi. Có hộ tìm kiếm thị trường, kết nối khách hàng thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử; có hộ tập trung vào đổi mới mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành để thu hút khách hàng... Đặc biệt, nhờ vào tay nghề vốn đã nổi tiếng từ lâu, những người thợ, cơ sở sản xuất ở làng Vế vẫn duy trì và hoạt động ổn định. Năm 2021, giá trị sản xuất làng nghề đạt 426 tỷ đồng. 

Ông Trần Văn Thuật, Chủ tịch UBND xã Canh Tân phấn khởi cho biết: Năm 2005, làng Vế vinh dự được công nhận là làng nghề. Làm nghề mộc giờ đỡ vất vả hơn vì đường rộng rãi, máy móc thay thế sức người. Đến nay làng Vế có gần 600 hộ làm nghề mộc, chiếm 72% số hộ của thôn, giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động trong xã và các địa phương lân cận. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục động viên, hỗ trợ, tạo “đòn bẩy” để làng nghề phát triển bền vững. Để các hộ kinh doanh gỗ có điều kiện và môi trường hoạt động thuận lợi, địa phương đã quy hoạch 7,2ha giúp các cơ sở mở rộng nhà xưởng. Đồng thời, đề nghị UBND huyện tiếp tục có cơ chế đầu tư mở rộng tuyến đường ĐH.65 từ 7m lên 9m tạo điều kiện cho giao thương tại làng nghề được thuận lợi.

 Làng nghề đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày