Thứ 7, 23/11/2024, 12:45[GMT+7]

Làng nghề Cọi Khê

Thứ 2, 18/03/2013 | 09:55:56
7,144 lượt xem
Cọi Khê là một làng cổ, xưa và nay dân gian vẫn quen gọi là làng Cọi, tên chữ ghi là Hội Khê, cũng có khi ghi là Cối Kê. Nay Làng Cọi thuộc xã Vũ Hội (Vũ Thư). Từ xa xưa, làng Cọi đã được các làng trong vùng biết tới là một làng đa nghề, “nghệ tinh nhân kiệt” truyền đời. Nhiều ngành nghề thủ công ở làng Cọi được hình thành khá sớm và phát triển thịnh vượng. Trong số những nghề này, có một số nghề nổi danh và trở thành nghề “độc” của làng.

Nghề sản xuất đồ nhôm dân dụng truyền thống xã Vũ Hội (Vũ Thư) đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động. Ảnh: Thành Tâm

Hội Lơ làng Cọi khi xưa có nhiều trò chơi, trò diễn đặc sắc ghi lại dấu ấn của nghề tằm tơ và nghề dệt như trò thi dệt vải bên hồ nước và trò tung kén, mang sắc thái của một hội trình nghề. Kén làm bằng những đoạn hom sắn tàu, hom dâu hoặc xoan, dài chừng 10 đến 15 cm. Khi tung kén, dân trong làng, trong vùng đi xem hội tranh nhau “cướp” kén đem về cắm ra ruộng, cài lên mái nhà để trấn trạch, dắt vào né kén, nong tằm với hy vọng và tin tưởng rằng mùa lúa, mùa tằm năm đó sẽ thuận lợi.

Nghề mộc ở làng Cọi xưa thường gắn liền với nghề xây dựng nhà cửa. Thuở trước, nổi tiếng nhất là các hiệp thợ mộc, thợ trình tường của các thôn Hưng Nhượng, Phú Thứ và Trung Lập. Toàn bộ các công trình kiến trúc như đình, chùa, miếu, từ đường, gác chuông, cổng làng, trường học… của làng Cọi đều do bàn tay tài hoa của những người thợ trong làng xây dựng. Cũng như nhiều làng khác ở Thái Bình, với người nông dân làng Cọi xưa, vào những ngày nông nhàn, nhà nào cũng có việc làm, tự sản xuất ra vật dụng trong gia đình như đan lát, bện chổi, xe thừng, đan võng… nhà nào làm thừa dùng thì mang ra chợ làng để bán. Họ Trần ở thôn Ðức Lân với nhiều thế hệ truyền nhau làm nghề đan và làm hàng mã. Trong thời Pháp thuộc thì cụ Trần Quỳnh (còn gọi là cụ Hoa man, được dân khắp các làng trong tỉnh Thái Bình biết tiếng) từng vào tận Kinh đô Huế hay lên Thăng Long Kẻ Chợ để thi tài làm đồ mã và đã giành nhiều giải Hoa man.

Nghề rèn sắt, nghề đúc kim loại (đồng, nhôm, gang) từ xa xưa đã được cả vùng biết tiếng. Ðây là nghề đòi hỏi phải có kỹ thuật cao, xuất hiện đầu tiên ở khu vực thôn Hiếu Thiện. Nổi tiếng nhất là các thế hệ làm nghề đúc đồng (sau này là nhôm, gang) của họ Bùi, ở thôn Hiếu Thiện. Dân làng Cọi xưa vẫn tự hào rằng: “Ba dãy phố khách không bằng bị rách hàng đồng”. Người dân thôn Hiếu Thiện trước kia vào tháng hai hàng năm thường tổ chức giỗ tổ nghề hàn đồng gọi là Tế thánh hàn đồng. Nghề đúc kim loại có một thời bị cấm. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều cơ sở đúc nhôm ở làng Cọi duy trì trở lại. Khi đồ gia dụng của Trung Quốc chưa tràn sang nhiều thì các mặt hàng đồ nhôm như ấm đun nước, xoong nhôm, chảo rán của làng Cọi tiêu thụ mạnh ở khắp các vùng quê. Những năm gần đây tuy sức cạnh tranh có khó khăn nhưng nhiều hộ gia đình ở làng Cọi vẫn trở nên giàu có nhờ nghề đúc nhôm. Nhiều hộ mang hàng nhôm từ làng Cọi vào tận những bản ấp hẻo lánh ở Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc, phía Namon> để bán hoặc đổi hàng hóa. Tính năng động, khôn ngoan của làng Cọi đa nghề là thế.

Nghề hoạn lợn là một trong những nghề dân gian truyền nhau từ đời này qua đời khác. Dân các làng quanh vùng không chỉ biết đến thợ hoạn lợn ở làng Cọi với nhiều “mẹo” riêng mà còn thường lưu truyền về “đạo đức nghề nghiệp” của ông thợ hoạn này hoặc ông thợ hoạn khác. Ví dụ, khi gia đình nhà chủ mời thợ hoạn vào nhà mà tỏ thái độ khinh rẻ nghề này thì người thợ hoạn vẫn hoạn bình thường nhưng sau đó lợn bỏ cám không ăn hoặc dẫn đến lợn táo bón… Trong chừng mực nào đó, nghề hoạn lợn ở làng Cọi cũng mang tính gia truyền trong từng dòng họ. Họ Vũ có nhiều người làm nghề này nhất. Khi việc hoạn lợn chưa được đào tạo một cách phổ cập đến đội ngũ cán bộ thú y thôn xã thì hoạn lợn đối với người làng Cọi vẫn được coi là một “nghề độc”.

Các sản phẩm bún, bánh, rượu gạo, miến dong, miến gạo (bánh đa) xưa nay đã gắn liền với địa danh làng Cọi. Khắp các làng thuộc khu vực Vũ Tiên, Kiến Xương và Thị xã Thái Bình đều biết đến bún Cọi nổi tiếng do dân làng sản xuất. Từ thời trước đến nay, bún Cọi được quảy đi bán khắp chợ gần chợ xa trong vùng. Ngoài những nghề thủ công nói trên, làng Cọi còn một số nghề khác như nghề may, nghề làm gạch, ngói, nung vôi, thợ nhuộm, thợ rèn...  góp thêm sự đa dạng của các loại nghề thủ công truyền thống của làng.

Làng Cọi không chỉ đa nghề, mà đáng quý hơn cả là có cả một kho tàng kinh nghiệm, những bí quyết, bí truyền về nghề truyền thống cùng với sự năng động tìm đến những nghề mới thích ứng với từng thời điểm lịch sử.

Nguyễn Thanh

(Vũ Quý, Kiến Xương)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày