Thứ 7, 23/11/2024, 15:49[GMT+7]

Nam Hà: Thúc đẩy phát triển tiểu thủ công nghiệp

Thứ 2, 15/08/2022 | 08:38:21
2,168 lượt xem
Xác định ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) vẫn đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân ngoài độ tuổi lao động nên nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Nam Hà (Tiền Hải) triển khai nhiều hoạt động, cơ chế khuyến khích người dân duy trì, phát triển các nghề TTCN.

Nghề khâu nón lá tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 400 lao động.

Đã qua thời vàng son cả làng, cả xã Nam Hà nhà nào cũng có người làm nghề khâu nón lá. Nhưng cái nghề đã gắn bó hàng trăm năm với người dân nơi đây vẫn không bị mai một bởi nó vẫn là kế sinh nhai của hàng trăm hộ dân mà nhân lực đều hết tuổi lao động hoặc quá tuổi để có thể xin vào làm việc trong nhà máy, xí nghiệp. 

Bà Trương Thị Loan, 68 tuổi ở thôn Hướng Tân bộc bạch: Gắn bó gần cả cuộc đời với nghề khâu nón lá rồi nên chỉ một ngày không làm cũng thấy người buồn bã. Nghề khâu nón không phải dãi dầu mưa nắng, không cực nhọc nên người cao tuổi vẫn làm được. Như tôi, vừa ở nhà trông cháu cho các con đi làm ở doanh nghiệp vừa tranh thủ khâu nón, mỗi tháng cũng được 3 triệu đồng tiền công đủ trang trải cuộc sống, không phải dựa vào con cháu, thế là vui lắm rồi.

Nghề khâu nón lá giờ chỉ còn ở 2 thôn Hướng Tân và Đông Quách của xã Nam Hà với khoảng 100 hộ, gần 200 lao động. Sản phẩm nón lá của người thợ thủ công nơi đây vẫn giữ được độ chắc chắn, dày dặn nhưng nhẹ nhàng, hấp dẫn người tiêu dùng nên làm ra đến đâu thương lái đến thu mua hết tới đó. Mỗi năm bà con sản xuất được khoảng 46.200 sản phẩm cho giá trị hơn 3 tỷ đồng. Chi phí sản xuất thấp chỉ chiếm khoảng 1/3 giá trị sản phẩm, lợi nhuận cao nên nhiều bà con vẫn duy trì và gắn bó với nghề. 

Chị Nguyễn Thái Hoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Nam Hà chia sẻ: Bên cạnh tuyên truyền, động viên hội viên phụ nữ gìn giữ phát triển nghề truyền thống của địa phương, chúng tôi cũng vận động, khuyến khích chị em tìm kiếm đưa nghề mới về làng tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và chất lương cuộc sống.

Không dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể của xã Nam Hà còn thực hiện nhiều cơ chế hỗ trợ người dân mở mang phát triển các ngành nghề TTCN. Cụ thể, địa phương tạo điều kiện về mặt bằng để các hộ mở rộng quy mô cơ sở sản xuất; cải tạo, nâng cấp đường trục xã, đường liên thôn giúp giao thông vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa thuận lợi. UBND xã thực hiện đơn giản, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, các đoàn thể đứng ra bảo lãnh, tín chấp vay vốn để người dân đầu tư phát triển nghề. Hiện cả xã có hơn 2.000 hộ dân được vay vốn từ các nguồn: Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Quỹ Tín dụng nhân dân... với tổng dư nợ gần 50 tỷ đồng. 

Ông Vũ Văn Thung, Chủ tịch UBND xã Nam Hà cho biết: Nhằm thúc đẩy nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển và hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi đã quy hoạch và đầu tư nâng cấp chợ Nam Hà thu hút nhiều tiểu thương vào kinh doanh nên hoạt động thương mại của địa phương thêm sôi động.

Ở Nam Hà hiện nay người dân sống bằng nhiều nghề: khâu nón lá, mây tre đan, móc sợi, làm hàng mã, mộc, cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm, xây dựng, may mặc... Các nghề TTCN giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 1.000 lao động, chủ yếu là lao động nữ và người hết độ tuổi lao động với thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên của xã đạt gần 98%; bình quân thu nhập đầu người đạt 51,4 triệu đồng/năm, tăng 9,7 triệu đồng so với thời điểm địa phương về đích nông thôn mới năm 2019. Cơ cấu kinh tế của xã cũng có sự chuyển dịch tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN chiếm gần 45% tổng giá trị kinh tế của địa phương. Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của Nam Hà đạt 538,3 tỷ đồng, trong đó công nghiệp, TTCN đạt 239,4 tỷ đồng tăng trưởng 11,25% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm nay, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và biến động giá cả thị trường nhưng giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN của xã vẫn đạt 104 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Diện mạo nông thôn khởi sắc từng ngày, việc làm và thu nhập ổn định đã mang đến niềm vui, hạnh phúc cho người dân nơi đây.


Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày