Thứ 7, 23/11/2024, 15:58[GMT+7]

Mật ngọt dưới tán rừng ngập mặn

Thứ 4, 17/08/2022 | 08:40:39
3,006 lượt xem
Thái Bình có trên 4.000ha rừng ngập mặn với đa dạng các loại cây sú, bần, vẹt... Tận dụng lợi thế đó, nhiều người đã khai thác tiềm năng, phát triển nghề nuôi ong mật không chỉ đem lại nguồn thu nhập cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Mô hình nuôi ong ngoại trong thùng kế của anh Nguyễn Văn Hiếu tại xã Thái Đô (Thái Thụy).

Thời điểm này, cánh rừng ngập mặn ven biển huyện Thái Thụy lại được bao phủ bởi hương thơm của hoa từ hàng triệu cây bần, sú, vẹt. Đây được xem là cơ hội để đàn ong lấy mật trong môi trường tự nhiên. 

Là một trong những người tiên phong về mô hình nuôi ong cạnh rừng ngập mặn với quy mô 300 thùng tại xã Thái Đô (Thái Thụy), anh Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Việt (thành phố Thái Bình) đã thành công với phương pháp nuôi ong ngoại trong thùng kế theo hướng VietGAHP. 

Theo anh Hiếu, một trong những tiêu chuẩn và điều kiện để tạo ra nguồn mật ong sạch đó là phải tìm được nguồn nuôi cùng với phương pháp nuôi. Nuôi ong thùng kế là giải pháp kỹ thuật để thu được mật ong nguyên chất được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Thay vì làm thùng ong một tầng, anh Hiếu đầu tư từ 3 - 5 tầng/thùng, với phương pháp này, chi phí để làm thêm thùng kế, cầu kế phải đầu tư cao nhưng bù lại, chất lượng, giá trị mật ong sẽ được nâng cao. 

Anh Hiếu chia sẻ: Năm 2021, Công ty TNHH Nông nghiệp Thái Việt được tiếp nhận và thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển nghề nuôi ong mật trong thùng kế tại rừng ngập mặn tỉnh Thái Bình và chế biến các sản phẩm ngành ong theo hướng sản xuất hàng hóa” của Bộ Khoa học và Công nghệ. Sau hơn một năm triển khai, tôi thấy nuôi ong sử dụng thùng kế có nhiều ưu điểm so với nuôi ong ở thùng đơn truyền thống. Đàn ong nuôi ở thùng đơn thông thường, phần dự trữ mật ong, phấn hoa và phần con (trứng, ấu trùng, nhộng) ở trên cùng bánh tổ. Vì vậy, khi khai thác mật, người nuôi ong phải rũ sạch ong khỏi cầu trước khi đưa ra ngoài để quay mật. Quá trình này làm gián đoạn các hoạt động của đàn ong, làm chết ấu trùng, có khi chết cả ong chúa. Mật ong thu được có lẫn mật hoa (ong vừa lấy về), mật chưa chín (ong chưa luyện xong) và cả xác ấu trùng làm giảm chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, nếu sử dụng thùng kế, phần mật khai thác sẽ chỉ lấy các cầu mật từ tầng kế, mật thu được là mật đã chín hoàn toàn. Màu sắc mật ong thùng kế trong, không vẩn đục. Thời gian bảo quản sẽ được lâu hơn bởi mật ong đã chín có hàm lượng nước thấp nên chất lượng mật hơn hẳn mật ong thu ở thùng đơn. Ngoài ra, nuôi ong thùng kế có thể thu các sản phẩm mật ong khác nhau như: mật ong ly tâm (giống như mật ong thu ở thùng đơn) và mật ong bánh tổ. Trong đó, mật ong bánh tổ được người tiêu dùng ưa chuộng, dễ tiêu thụ và giá bán cao. Hiện tại, chúng tôi đang thu mật cầu mật ở tầng kế trên, mỗi cầu mật có thể đạt 1,3 - 1,4kg mật, đem lại giá trị cao hơn nhiều so với phương pháp nuôi truyền thống. Nuôi ong thùng kế còn giúp tận dụng tối đa sức phát triển của đàn, dễ kiểm tra, giảm ảnh hưởng đàn ong khi thu hoạch, giảm công khai thác, sản phẩm thu được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với kinh nghiệm 7 năm nuôi ong thùng đơn, qua tham quan, ông Nguyễn Xuân Đăng, xã An Ninh (Quỳnh Phụ) rất tâm đắc với phương pháp nuôi mới này. 

Ông Đăng cho biết: Nuôi ong là “nghề phụ” nhưng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình tôi bởi không tốn nhiều chi phí, công, chủ yếu tận dụng nguồn hoa sẵn có tự nhiên. Với 30 thùng (thùng đơn), mỗi năm tôi thu từ 350 - 370 lít mật (thu trong tháng 3, 4 vào mùa hoa nhãn, vải), lãi 50 - 60 triệu đồng. Qua tham quan, trao đổi kinh nghiệm, tôi thấy mô hình nuôi ong thùng kế không chỉ tăng năng suất, chất lượng mật mà còn giảm được nhiều công lao động do không phải quay mật nhiều lần. Thời gian tới, tôi sẽ học hỏi để áp dụng vào mô hình của gia đình.

Nhằm tận dụng tối đa lợi thế về 140.000ha lúa/năm, 67.000ha cây rau màu/năm, 17.000ha cây lâu năm, trên 4.000ha rừng ngập mặn, ngành nông nghiệp định hướng phát triển nghề nuôi ong mật nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân đồng thời bảo đảm cân bằng sinh thái, giảm áp lực về sâu bệnh cho cây trồng. Nuôi ong khai thác mật trong thùng kế theo hướng VietGAHP là một kỹ thuật mới cần được phổ biến, nhân rộng để nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi ong, góp phần tạo sức lan tỏa về sản phẩm nông nghiệp sạch.

Thái Bình có lợi thế phát triển nghề nuôi ong với trên 4.000ha rừng ngập mặn.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày