Thứ 7, 23/11/2024, 14:20[GMT+7]

Kiến Xương: Nhộn nhịp làng nghề

Thứ 2, 07/11/2022 | 08:23:41
5,038 lượt xem
Một trong những làng nghề phát triển ổn định nhất ở Kiến Xương là làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, xã Hồng Thái. Đến làng nghề, ai cũng nghe thấy âm thanh đục đẽo, chạm khắc khắp nơi.

Làng nghề dệt đũi xã Nam Cao (Kiến Xương) nhộn nhịp trở lại.

Người làng nghề biết cầm búa gò bạc, đồng từ nhỏ, vì thế hầu như thanh niên trong làng ai cũng thành thạo kỹ năng nghề. Ông Nguyễn Văn Niết, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết: Làng nghề Đồng Xâm có gần 600 năm, đến nay làng nghề có 1 doanh nghiệp, 150 tổ, hộ sản xuất tạo việc làm cho gần 2.000 lao động với thu nhập bình quân đạt từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Từ xã Hồng Thái, nghề chạm bạc lan sang các xã lân cận, tạo việc làm cho 4.000 lao động. Sản phẩm của làng nghề nổi tiếng khắp nơi, được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề và đạt sản phẩm OCOP. Chỉ tính riêng về giá trị sản xuất từ nghề chạm bạc mỗi năm đạt khoảng 120 tỷ đồng, chiếm khoảng 45% tổng giá trị sản xuất của xã, góp phần tăng tỷ lệ hộ khá, giàu lên 70%, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,4%.

Ngoài chạm bạc, ở Kiến Xương còn phát triển mạnh nghề mây tre đan. Một trong những doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực này, ông Phạm Văn Dinh, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân mây tre đan mỹ nghệ xuất khẩu Dinh Doanh, xã Thượng Hiền cho biết: Để duy trì và phát triển nghề truyền thống, trước đây gia đình tôi thành lập 2 doanh nghiệp, bố tôi thành lập doanh nghiệp từ năm 2005, tôi thành lập doanh nghiệp từ năm 2016. Ngày trước doanh nghiệp nhà tôi chuyên cung cấp và bán nguyên liệu cho người dân ở trong và ngoài huyện. Để thuận lợi hơn đến nay doanh nghiệp ứng tiền cho các đầu cai để lấy nguyên liệu và thực hiện thu mua sản phẩm. Với cách làm này doanh nghiệp dễ quản lý hơn, hiệu quả hơn, tạo việc làm cho trên 500 lao động với thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 và tình trạng lạm phát trong những năm qua gây khó khăn trong đi lại cũng như việc xuất khẩu hàng hóa nhưng doanh nghiệp vẫn có vùng nguyên liệu ổn định, cung cấp đầy đủ cho người dân, không có ai phải nghỉ làm. Bình quân mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu 2 container hàng hóa sang thị trường Nhật Bản, châu Âu, doanh thu đạt 20 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, một số làng nghề truyền thống trước đây bị mai một thì nay đã từng bước được khôi phục, điển hình như làng nghề dệt đũi xã Nam Cao. Nhờ có những người tâm huyết với nghề dệt đũi nên làng nghề đã hoạt động trở lại. Tiếng lách cách thoi đưa đã hồi sinh đúng với bản chất của làng nghề. Đây là nghề có nhiều công đoạn được làm hoàn toàn thủ công, nhất là khâu kéo sợi nên người dân cũng phải rất kiên trì, tỉ mỉ, tâm huyết với nghề. Đến nay, tại làng nghề đã thành lập HTX Dệt đũi Nam Cao với hơn 50 thành viên tham gia và có vùng nguyên liệu ổn định ở trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm của làng nghề được đưa lên Hà Nội sản xuất ra đa dạng các mặt hàng như áo dài, khăn, quần áo, phụ kiện, nội thất chăn, ga gối và xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Đây là làng nghề có triển vọng phát triển mạnh trong thời gian tới.

Theo đánh giá của UBND huyện Kiến Xương, đến nay toàn huyện có 24 làng nghề giữ được các tiêu chí về số hộ, số lao động tham gia làm nghề. Trong các làng nghề có 6 người được công nhận nghệ nhân cấp quốc gia, có 16 doanh nghiệp và 2 HTX hoạt động tạo việc làm cho hơn 20.000 lao động với thu nhập bình quân từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tính bình quân giá trị sản xuất từ nghề đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm. Đến nay, ngoài một số công đoạn bắt buộc phải làm thủ công, người dân tại các làng nghề đã đưa máy công nghiệp vào thay thế sức người. Điển hình như máy đột dập ở làng nghề chạm bạc thực hiện đạt 75% công đoạn sản phẩm, máy chẻ mây ở làng nghề mây tre đan đạt 25% công đoạn sản phẩm, máy in giấy tiền đạt 100% công đoạn sản phẩm.

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương) chưa bao giờ ngưng tiếng búa.

Để nghề và làng nghề phát triển bền vững, thời gian tới, huyện Kiến Xương sẽ tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhất là vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, mặt bằng, vốn để các doanh nghiệp, hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuyên truyền, động viên các doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp tục đổi mới hình thức, đa dạng mẫu mã sản phẩm, chủ động phát triển thị trường, phát triển thương hiệu sản phẩm, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có từ 5 - 10 sản phẩm chủ lực tiêu biểu được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể; mỗi làng nghề có từ 4 - 5 doanh nghiệp trở lên để tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân.


Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày