Cần mẫn giữ nghề
Ngồi nghe các bà, các cô thôn Hải Triều vừa dệt chiếu vừa kể chuyện làng nghề xưa mới thấm thía câu nói “Ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới”. Bà Đặng Thị Nậng cho biết: Tôi không biết nghề dệt chiếu làng Hới có từ bao giờ, chỉ biết đời cha mẹ, ông bà đều làm chiếu rồi truyền lại. Trước đây, gia đình nào trong làng cũng làm chiếu. Con gái trong làng lớn lên mà không biết dệt chiếu mới là chuyện lạ. Cả làng lúc nào cũng rực rỡ bởi những sợi cói nhuộm nhiều màu sắc được phơi từ trong nhà ra ngoài ngõ. Ngày xưa nghề chiếu thủ công truyền đời, nên tay phụ nữ làng Hới không ai không có sẹo do dao, sợi cói làm xước, nhưng những đôi bàn tay ấy vẫn khéo léo dệt lên những manh chiếu đẹp, bền. Và những vết chai sạn trên mắt cá chân của người phụ nữ lại là minh chứng rõ nhất về năm tháng hưng thịnh của làng chiếu Hới. Nhiều người dù tuổi đã cao nhưng vẫn nặng lòng với sợi cói, lá chiếu.
Hơn 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Dân vẫn đạp xe đều đặn đến cơ sở dệt chiếu của chị Đỗ Thị Chinh trong làng để làm việc. Bà Dân chia sẻ: Bây giờ, hầu hết phụ nữ trẻ trong làng đi làm việc tại các công ty, chẳng mấy ai mặn mà với nghề dệt chiếu. Vì thế, những người cao tuổi cố gắng giữ gìn để tinh hoa chiếu Hới không bị mai một. Do tuổi đã cao nên chúng tôi chủ yếu làm công đoạn đơn giản như chọn cói, tuốt cói, thu nhập mỗi tháng khoảng 3 - 4 triệu đồng/người. Nghề dệt chiếu không mang lại sự giàu có nhưng đã nuôi sống biết bao gia đình, là nghề gắn bó với tên làng, tên đất ở đây.
Chính hình ảnh các bà, các mẹ tảo tần đi bộ gánh cói về làng đã thôi thúc chị Đỗ Thị Chinh xây dựng cơ sở dệt chiếu. Chị Chinh cho biết: Từ khi còn bé nhìn bố mẹ dệt chiếu tôi đã bắt đầu học theo. Năm 1990, tôi bắt đầu “đội nắng, đội mưa” buôn cói, bán chiếu ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Do bền, đẹp nên những lá chiếu của làng Hới đã chiếm trọn lòng tin của khách hàng. Nhưng tôi luôn trăn trở làm thế nào để giúp những người cao tuổi, chị em trong thôn phát huy tay nghề vốn có của mình. Thế là năm 2008, chị Chinh đánh liều vay mượn tiền để đầu tư mở xưởng với mong muốn níu giữ tinh hoa làng nghề. Sau 8 năm kiên trì với nghề truyền thống của ông cha, từ xưởng thủ công nhỏ với vài người làm, chị đã mở rộng quy mô xưởng lên 1.000m2, tạo việc làm thường xuyên cho 55 lao động. Những khung dệt truyền thống dần được thay thế bằng máy móc hiện đại để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện tại chị Chinh xuất xưởng khoảng 50.000 sản phẩm/tháng, thu lãi trên 20 triệu đồng. Nhờ nắm bắt được xu hướng thị trường, chị Chinh đã tạo ra nhiều sản phẩm chiếu đa dạng về màu sắc, họa tiết phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Chính sự quyết tâm của người phụ nữ nhỏ bé này đã đưa những lá chiếu ở Tân Lễ có mặt không chỉ trong nước mà còn xuất sang Campuchia, Lào và được đánh giá cao.
Bà Trần Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Lễ cho biết: Hiện toàn xã có 2.640 hộ làm nghề sản xuất chiếu, chủ yếu tập trung ở thôn Hải Triều, trong đó có trên 3.000 lao động nữ. Ước tính mỗi năm cho thu nhập trên 500 tỷ đồng. Các chị, các mẹ không chỉ sáng tạo làm ra các sản phẩm mới, chất lượng cao mà còn đào tạo, hướng dẫn cho nhiều phụ nữ khác để giữ gìn và phát huy làng nghề. Có thể nói, những phụ nữ nơi đây là linh hồn, là những người “giữ lửa” để nghề sản xuất chiếu truyền thống tồn tại mãi với thời gian. Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên tích cực duy trì, phát triển nghề truyền thống của địa phương, kết nối với các cơ sở sản xuất để tạo việc làm cho các chị em trong xã. Chúng tôi mong cấp ủy, chính quyền địa phương có cơ chế hỗ trợ các hộ làm nghề mở rộng sản xuất.
Nguyễn Triệu
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh