Thứ 7, 09/11/2024, 22:20[GMT+7]

Xuân về trên những làng nghề ở Hưng Hà

Thứ 7, 31/12/2022 | 18:38:52
7,469 lượt xem
Để có đủ hàng cung ứng cho thị trường dịp cuối năm, những ngày này, các làng nghề ở huyện Hưng Hà đang tăng tốc sản xuất. Tất cả cùng hối hả để mang đến một cái tết no ấm, đủ đầy.

Chạy đua với đơn hàng tết

4 giờ sáng, làng Me, xã Tân Hòa - nơi có đặc sản bánh đa nổi tiếng đã bắt đầu một ngày mới. Tiếng máy xay bột, tráng bánh, máy cắt bánh cùng tiếng cười nói xôn xao và những bước chân vội vã của những người thợ càng làm cho không khí sản xuất trở nên tất bật hơn. Xưởng sản xuất của chị Vũ Thị Hương lúc nào cũng đỏ lửa, đây là thời điểm bận mải nhất trong năm để phục vụ nhu cầu khách hàng. Chị Hương chia sẻ: Những ngày này bếp hoạt động hết công suất để tráng bánh, có những hôm chúng tôi phải thuê thêm thợ để sản xuất cho kịp đơn đặt hàng. Để sản xuất ra sợi bánh dẻo, dai thì công đoạn quan trọng nhất là cối phải chín và lửa phải hồng. Thay vì làm thủ công như trước đây, tôi đã đầu tư các loại máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Không chỉ tráng bánh cho gia đình, xưởng của tôi còn tráng thuê cho hàng chục hộ trong thôn. Mặc dù nghề làm bánh đa rất vất vả nhưng chúng tôi rất mừng vì sản phẩm làng nghề đã chinh phục được khẩu vị của thực khách mọi miền đất nước, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một năm tôi thu nhập khoảng 300 - 400 triệu đồng.

Làng Me hôm nay đã khác, nhiều ngôi nhà cao tầng hiện đại, những con đường bê tông khang trang hiện hữu nơi đây. Hiện làng Me có 120 hộ sản xuất bánh đa với 22 máy tráng bánh, một máy bao tiêu cho 6 - 7 hộ thuê tráng bánh. 

Ông Phạm Đình Đại, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hòa cho biết: Làng Me được UBND tỉnh công nhận là làng nghề từ năm 1993. Trong quá trình sản xuất, bà con đã chủ động đầu tư máy móc vào hoạt động và chú trọng bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nên sản phẩm làm ra đến đâu đều tiêu thụ ngay đến đó. Đặc biệt, để duy trì và phát triển làng nghề, xã thành lập một tổ HTX và đang xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên thị trường, từng bước xây dựng bánh đa làng Me thành sản phẩm OCOP.

Chạy đua với đơn hàng tết, những ngày này, làng hương Văn Quan, xã Duyên Hải tăng tốc sản xuất ngày đêm. Các cơ sở sản xuất hối hả trộn bột, se hương để chuẩn bị cho những chuyến hàng tết. Mùi hương trầm phảng phất trong gió khiến chúng tôi cảm thấy không khí tết đã ngập tràn. 

Ông Nguyễn Văn Việt, chủ một cơ sở sản xuất hương trong thôn chia sẻ: Để chuẩn bị cho vụ tết, chúng tôi đã chuẩn bị nguyên liệu từ tháng 8, tháng 9 âm lịch. Hiện nay, gần 20 thợ trong xưởng đều làm việc hết công suất, mỗi ngày một thợ sản xuất trên 2 vạn tăm hương cho kịp các đơn hàng. Để làm ra một que hương phải trải qua rất nhiều công đoạn từ pha chế, tẩm ướp đến xe sợi, nhúng que, quấn vòng... Công thức pha chế của mỗi gia đình khác nhau, được coi là bí quyết cha truyền con nối. Mỗi mẻ hương trước khi đóng gói người thợ đều cẩn thận đốt thử kiểm tra xem hương có cháy đều, cháy hết không, mùi thơm ra sao, làn khói tỏa như thế nào thì mới xuất bán.

Hiện thôn Văn Quan có hơn 400 hộ làm hương, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, một năm cung cấp ra thị trường hàng triệu nén hương, giá trị sản xuất chiếm khoảng 20% giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã. 

Ông Nguyễn Kim Nhẩn, Chủ tịch UBND xã Duyên Hải cho biết: Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, người làm hương ở Văn Quan không ngừng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm. Chúng tôi tạo mọi điều kiện cho người dân duy trì và phát triển nghề truyền thống, đồng thời tiếp tục xây dựng thương hiệu cho hương Văn Quan xuất khẩu sang các nước nhằm tăng thu nhập và tạo việc làm ổn định cho người dân.

Tạo sức bật cho các làng nghề

Các hộ sản xuất bánh đa ở làng Me, xã Tân Hòa (Hưng Hà) đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp tết.

Hưng Hà là huyện có nhiều làng nghề phát triển sôi động, không chỉ duy trì nghề truyền thống mà còn du nhập và phát triển nhiều nghề mới, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, cùng với các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt bằng, nguồn vốn của trung ương, của tỉnh, các làng nghề đã có bước phát triển vượt bậc. Toàn huyện có 53 làng nghề, 4 xã nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, trong đó 20 làng dệt khăn, 22 làng nghề dệt chiếu, 5 làng nghề mây tre đan, 3 làng bún bánh, 1 làng nghề mộc, 2 làng nghề làm hương lúc nào cũng sôi động. Giá trị sản xuất của các làng nghề năm 2022 ước đạt 2.415 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất từ nghề đạt 1.750 tỷ đồng. Nghề và làng nghề phát triển đã tạo việc làm cho 22.100 lao động, chiếm 66% tổng số lao động của làng nghề. 

Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hưng Hà sớm có phương hướng phát triển nghề và làng nghề gắn với phát triển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; đồng thời, tập trung hướng phát triển vào nghề dệt bông vải sợi, dệt chiếu, may, đồ mộc, mây tre đan, chế biến lương thực, thực phẩm, qua đó để các chủ đầu tư nắm bắt thị trường, đổi mới công nghệ, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường. Để nghề và làng nghề tiếp tục phát triển trong thời gian tới, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh từ hộ sản xuất kinh doanh sang thành lập doanh nghiệp; nâng cao năng lực cán bộ cấp huyện, xã để hướng dẫn các thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển ổn định; chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và ý thức kỷ luật lao động công nghiệp; đồng thời, tổ chức thi hàng năm để thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và học hỏi kỹ thuật giữa các công nhân.

Với mỗi làng nghề, công việc sản xuất thuận lợi, hàng hóa tiêu thụ nhanh chính là góp phần mang đến một cái tết sung túc, đầm ấm cho người dân, tạo niềm phấn khởi và hy vọng cho một năm mới thành công.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày