Thứ 7, 23/11/2024, 09:38[GMT+7]

Làng nghề dệt đũi Nam Cao Trăn trở bài toán tiêu thụ sản phẩm

Thứ 3, 14/05/2013 | 08:11:19
462 lượt xem
Cách trung tâm huyện Kiến Xương không xa, Nam Cao nổi lên như một điển hình về phát triển nghề và làng nghề. Nhắc đến Nam Cao, người ta nghĩ ngay tới dệt đũi. Không biết nghề này có tự bao giờ, chỉ biết rằng, từ đời này qua đời khác, dệt đũi Nam Cao đã làm thay da đổi thịt cho vùng quê vốn đất chật, người đông này.

Cơ sở dệt của gia đình ông Nguyễn Trọng Chiến, thôn Nam Đường Đông, xã Nam Cao (Kiến Xương).

Nay đã khác xưa
Dệt vải, dệt lụa, dệt đũi là những nghề có từ lâu đời và từng rất phát triển ở Thái Bình. Dệt đũi Nam Cao cũng hình thành từ rất lâu và tạo được chỗ đứng cho mình. Trải qua nhiều biến đổi, từ dệt vải xô đến dệt màn, khăn mặt và giờ là dệt sợi tơ tằm với các sản phẩm chính là khăn, vải dùng trong may mặc.

Sản phẩm dệt đũi Nam Cao có những đặc tính độc đáo, khác biệt với các sản phẩm dệt ở địa phương khác: dày dặn nhưng lại rất thông thoáng, mềm mại, dễ giặt tẩy và rất bền. Thời kỳ thịnh vượng của nghề, những người dân Lê Lợi, Đình Phùng và các xã lân cận cũng du nhập nghề dệt đũi nhưng chất lượng sản phẩm không thể so bì với đũi Nam Cao.

Ông Nguyễn Thiên Định, Chủ tịch UBND xã Nam Cao cho biết: Thời kỳ nghề còn thịnh, chưa về đến Nam Cao đã nghe thấy tiếng dệt, tiếng xe đưa. Nhà nhà kéo sợi, già trẻ, gái trai đều có thể ngồi lên khung dệt. Số khung  dệt toàn xã lên tới con số 8.000; nhà ít thì 1 – 2 khung, nhà nhiều 7 - 8 khung, lượng tiêu thụ khi đó đạt trên 5 triệu m2/ năm. Tuy nhiên, do bị động về thị trường, từ năm 2005 trở lại đây, dệt đũi Nam Cao có chiều hướng chững lại và giờ đây đang dần suy giảm. Hiện toàn xã còn 1 doanh nghiệp trong làng nghề hoạt động rõ nét, 2 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng hoặc kinh doanh thêm ngành nghề mới, chỉ còn khoảng 1.500 khung dệt nằm rải rác trong các hộ dân.

Tới thăm gia đình ông Nguyễn Trọng Chiến, thôn Nam Đường Đông, ông Chiến cho biết: Gia đình làm nghề dệt đũi đã 20 năm, cũng có lúc thu nhập từ nghề đạt 200.000 – 300.000 đồng/người/ngày nhưng hiện tại thu nhập chỉ đạt 50.000 – 70.000 đồng/người/ngày. Hiện tại, gia đình còn duy trì 3 khung dệt nhưng thị trường không ổn định nên làm ngày nào biết ngày ấy.

Ông Nguyễn Thiên Định, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Thu nhập từ nghề cao nhất đạt 2,5 triệu đồng/người/tháng; lao động phải làm việc trong môi trường rất ồn lại bị ô nhiễm nghiêm trọng (ô nhiễm không khí do bụi sợi bay lên trong quá trình dệt, ô nhiễm nước do nước thải từ quá trình nấu tẩy, nhuộm vải không được xử lý, thải trực tiếp ra môi trường); cùng với chi phí đầu vào quá cao trong khi đầu ra thấp, lại bấp bênh vì thế nhiều gia đình không còn nặng lòng với nghề, bán khung chuyển sang các ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn. Giờ đây khi về Nam Cao, không còn thấy không khí sôi nổi của nghề dệt ngày nào, người thì chuyển sang chăn nuôi, người thì đi làm may, người thì đi làm ăn xa hay xuất khẩu lao động.

Loay hoay bài toán tiêu thụ sản phẩm
Cũng giống như các nghề truyền thống: mây tre đan, thảm len, thị trường tiêu thụ của đũi Nam Cao không mạnh ở trong nước mà chủ yếu xuất khẩu. Khách hàng truyền thống là thị trường Đông Âu. Những năm 80 của thế kỷ trước, đũi Nam Cao nổi đình đám với hàng triệu mét vuông xuất khẩu mỗi năm, thu về nguồn ngoại tệ lớn. Song từ khi khối Đông Âu tan rã, làng nghề cũng ắng lại. Một thời gian, nhờ kịp thời thay đổi mẫu mã, đũi Nam Cao tìm được thị trường tiêu thụ sang Lào, Thái Lan, mang lại doanh thu lớn từ làng nghề. Tuy nhiên, lối buôn bán tiểu ngạch này không những làm giảm giá trị công sức lao động vì qua nhiều khâu trung gian mà thị trường tiêu thụ lại bấp bênh. Khi có đơn hàng thì dồn dập làm, hết đợt lại trầm xuống.

Hơn nữa, người lao động cũng chỉ biết hàng của mình được thu mua, xuất sang Lào, Thái Lan, sau đó xuất đi đâu nữa thì họ không hề hay biết. Có người nói, hàng được gia công thêm rồi xuất sang Ấn Độ và các nước Hồi giáo. Không chỉ thị trường mờ mịt, chất lượng sản phẩm cũng chưa thực sự được chú trọng. Sản xuất vẫn chỉ dừng lại ở chỗ làm ra những gì mình có chứ chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, bản thân làng nghề không thể kham nổi các chương trình quảng bá, tiếp thị, tiếp cận thị trường vì vậy chưa thể xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm.

Trước thực trạng đó, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, UBND xã cũng đã chú trọng tới các biện pháp khơi dậy và thúc đẩy phát triển nghề: phát động xây dựng nhà thờ ông tổ làng nghề nhằm tôn vinh những người có tâm huyết với nghề, tổ chức các cuộc thi trong làng nghề nhằm đổi mới sản phẩm, tạo sự đa dạng trong mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy chưa thực sự đạt kết quả như mong đợi, nghề và làng nghề vẫn đang "chìm" dần.

Thiết nghĩ không chỉ có làng nghề dệt đũi Nam Cao mà tất cả các làng nghề truyền thống khác luôn cần có những "cú hích". Cần nhất với đũi Nam Cao lúc này là có được thị trường tiêu thụ ổn định, cải tiến chất lượng sản phẩm nhưng vẫn giữ được nét riêng đặc sắc của mình. Làng nghề và nghề truyền thống đã đồng hành cùng người nông dân trong công cuộc mưu sinh bao đời nay, nó không chỉ là hoạt động sản xuất hàng hóa đơn thuần, mà còn là tài sản văn hóa vô giá. Nếu được nghiên cứu đầu tư thỏa đáng, tìm được hướng đi thích hợp, các làng nghề không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa đặc sắc của ông cha xưa.

Bài, ảnh: Lưu Ngần

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày