Thứ 7, 23/11/2024, 09:43[GMT+7]

Làng nghề đan Lục Bình

Thứ 4, 29/05/2013 | 08:24:01
24,616 lượt xem
Trong nghệ thuật chế tác các sản phẩm lục bình, có một nguyên tắc căn bản, đó là không sơn màu, mà phải giữ nguyên màu tự nhiên của nó. Nếu muốn cho sản phẩm có màu sắc, người ta phải nhuộm cây nguyên liệu trước khi đan sản phẩm, giống như nhuộm cây lác trước khi dệt chiếu.

Cây lục bình thường trôi lang thang trên các dòng sông, rồi tấp vào các dải đất ven sông hoặc quanh các cù lao. Cũng có khi cây lục bình lớn lên trong các mương vườn. Vào khoảng ba tháng tuổi, cây lục bình bước vào giai đoạn trưởng thành, thân cây đạt độ dài 60 cm. Đó chính là lúc thích hợp để thu hoạch cây lục bình. Người ta cắt cây lục bình sát gốc, vạt bỏ lá, rồi đem phơi ngoài nắng vài ba hôm cho lục bình héo khô, thế là thành cây nguyên liệu để đan các sản phẩm lục bình. Thật đơn giản.

 

Cho đến nay, có hai hình thức đan sản phẩm lục bình. Đó là đan thảm lục bình, hay còn gọi là đĩa lục bình, và đan khung. Kỹ thuật đan lục bình rất đơn giản. Có ba kiểu đan cơ bản. Kiểu thứ nhất là đan hạt gạo, hay còn gọi là đan mắt na, kiểu thứ hai là đan xương cá và kiểu thứ ba là đan rối, hay còn gọi là đan nhện. Mỗi kiểu đan thích hợp với mỗi loại sản phẩm khác nhau. Thí dụ như kiểu xương cá thường được ứng dụng để đan thảm, còn đan kệ để báo và tạp chí, người ta chỉ sử dụng kiểu đan hạt gạo. Riêng đối với các loại sản phẩm đan khung, người ta có thể đan theo kiểu hạt gạo hay đan rối đều được, trong đó, kiểu đan rối có vẻ đẹp hơn nhưng cũng khó thực hiện hơn. Đến nay, kiểu đan này mới chỉ phổ biến ở vùng Cái bè của Tiền giang, còn ở các địa phương của Vĩnh long chủ yếu ứng dụng hai kiểu đan hạt gạo và đan xương cá.

 

Tùy theo từng địa phương, từng cơ sở mà người ta đan những sản phẩm khác nhau. Nếu ở Ngãi tứ, huyện Tam bình, người ta chuyên đan thảm lục bình thì ở huyện Cái bè, tỉnh Tiền giang, người ta lại đan chủ yếu là các mặt hàng đan khung. Mặt hàng này tương đối phong phú và đa dạng về kiểu dáng, kích cỡ v.v… Trong nghệ thuật chế tác các sản phẩm lục bình, có một nguyên tắc căn bản, đó là không sơn màu, mà phải giữ nguyên màu tự nhiên của nó. Nếu muốn cho sản phẩm có màu sắc, người ta phải nhuộm cây nguyên liệu trước khi đan sản phẩm, giống như nhuộm cây lác trước khi dệt chiếu. Tuy nhiên, cách làm này ít thông dụng. Để làm đẹp cho sản phẩm, tạo sự hấp dẫn đối với khách hàng, người ta thường sử dụng các vật liệu trang trí như hoa cỏ khô, các loại dây, thừng hoặc các loại hạt cườm bằng nhựa hoặc thủy tinh để kết hoa lá lên các sản phẩm lục bình. Cách làm này đặc biệt được ưa chuộng trên thị trường ở nước ngoài.

 

Ngày nay, nghề đan lục bình bước đầu đã phát triển tương đối mạnh ở một số địa phương trong tỉnh Vĩnh long. Trước hết, nó tạo ra công ăn việc làm, làm tăng thêm thu nhập cho người nông nhàn ở thôn quê, cá biệt trong một số trường hợp, đan lục bình đã trở thành nghề mưu sinh cho hộ gia đình. Như ở xã Ngãi tứ, thuộc huyện Tam bình. Nghề đan lục bình bắt đầu ở Ngãi tứ cách nay khoảng vài ba năm, đến nay đã phát triển trong 162 hộ gia đình. Số hộ này chủ yếu tập trung ở hai ấp Bình ninh và Bình quý. Những người đan lục bình phần đông là chị em phụ nữ. Ngoài công việc đồng áng và công việc nội trợ trong gia đình, họ thường tranh thủ những giờ nhàn rỗi để đan lục bình. Cái hay của nghề này ở chỗ, tuy chỉ là nghề phụ, nhưng do khéo tay và chịu thương chịu khó, khi đã quen tay quen việc thì thu nhập từ nghề đan lục bình lại cao hơn thu nhập chính là nghề nông. Cái hay nữa là công việc này luôn có quanh năm.

 

Ở Ngãi tứ, trung bình, một người làm giỏi có thể kiếm được từ 30 đến 35.000 đồng một ngày, một người tay nghề bình thường cũng có thể kiếm được từ 20 đến 25.000 đồng một ngày, ít nhất thì cũng có thể kiếm được từ 10 đến 15.000 đồng một ngày. Có những hộ gia đình như gia đình anh Phạm Văn Hùng và chị Lê Thị Tộc, ở ấp Bình ninh, vợ chồng con cái cùng tranh thủ những lúc nhàn rỗi đan lục bình mà kiếm được thu nhập trên hai triệu đồng một tháng. Hoặc như em Nguyễn Thị Tý, một thợ đan lục bình giỏi ở Bình ninh. Mỗi tháng, em Tý có thể kiếm được 1,2 triệu đồng từ cái nghề đơn giản này. Từ ngày có công việc đan lục bình, thu nhập của các hộ gia đình đã tăng lên đáng kể, đời sống đã có nhiều cải thiện. Xưa kia, Bình ninh của Ngãi tứ là một xóm nghèo và buồn. Giờ đây, nghề đan lục bình đã mang đến cho cuộc sống nơi đây những màu sắc mới.

 

Ở xã Đông bình, huyện Bình minh có một cơ sở đan lục bình do vợ chồng anh Phạm Thế Miểu và chị Đoàn Thị Hiên làm chủ. Mặc dù mới chỉ hình thành vào đầu năm 2005, nhưng cho đến nay, nghề đan lục bình ở đây đã có chiều hướng phát triển ổn định, đem lại công ăn việc làm, thu nhập đáng kể cho người lao động. Cơ sở của anh Miểu – chị Hiên hiện có hơn 30 chị em phụ nữ đang tham gia. Trung bình mỗi ngày, mỗi người có thể thu nhập được 20.000 đồng. Không chỉ nhận làm hàng gia công, cơ sở của anh Miểu – chị Hiên còn nhận dạy nghề và cung cấp nguồn hàng cho những người có nhu cầu tham gia vào nghề đan lục bình. Ngoài xã Đông bình, anh Miểu – chị Hiên còn phát triển nghề đan này sang các xã lân cận như xã Đông thành và xã Đông thạnh với hơn 50 người tham gia. Như vậy, hiện nay, ở Bình minh đã có khoảng trên dưới 100 người tham gia vào nghề đan lục bình.

 

Tổ hợp tác sản xuất gia công đan lục bình xuất khẩu Mỹ thuận – ở ấp Thống, thuộc xã Hòa hưng, huyện Cái bè, tỉnh Tiền giang, do chị Phan Thị Ngọc Dung làm chủ – là một trong những cơ sở đan lục bình hàng đầu của Tiền giang. Được gầy dựng từ hơn bốn năm qua, tổ hợp tác của chị Dung hiện nay đã phát triển được trên 300 hội viên. Phần lớn họ là hội viên của tổ chức Hội phụ nữ ở địa phương, một số ít là người lớn tuổi và trẻ em. Cơ sở của chị Dung nhận làm những sản phẩm khá đa dạng, từ những loại đơn giản như thảm, chiếu lục bình cho đến những sản phẩm phức tạp hơn như kệ đựng báo, chai đựng rượu, khay giấy, chậu bông các loại và ghế salon v.v… Sản phẩm của Tổ hợp tác Mỹ thuận không chỉ được sử dụng trong các khách sạn, nhà hàng trong nước, mà còn được xuất khẩu đi các nước Tây Âu như Đan Mạch, Tây Đức và xuất sang Đài Loan.

 

Nghề đan lục bình đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Là cứu cánh của nhiều lao động nhàn rỗi, cây lục bình đã được đặt tên là cây xóa đói giảm nghèo. Nó tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, cho người thiếu việc làm ở thành thị, bước đầu góp phần làm thay đổi chất lượng đời sống của người dân. Trên thị trường hiện nay, nhu cầu về sản phẩm lục bình vẫn còn nhiều, có nghĩa là nghề đan lục bình vẫn đang có cơ hội để phát triển mạnh trong tương lai. Tuy nhiên, đối với những người lao động nghèo muốn dựa vào nghề này để phát triển kinh tế gia đình, coi đó như là một nguồn thu nhập ổn định thì hiện đang đứng trước hai khó khăn lớn. Thứ nhất là về đồng vốn. Họ cần có tiền để mua cây lục bình nguyên liệu, trữ lại để sử dụng trong mùa mưa hoặc vào những lúc khan hiếm nguồn hàng trên thị trường.

 

Khó khăn lớn thứ hai là nguồn hàng nguyên liệu. Ngày nay, cây lục bình trong tự nhiên đang ngày càng ít đi. Anh Phạm Thế Miểu, ở xã Đông bình, huyện Bình minh cho biết, hiện nay, cơ sở của anh đã phải nhận hàng nguyên liệu từ các vựa lục bình của Hậu giang. Trong tỉnh Vĩnh long không có nơi nào cung cấp cây lục bình nguyên liệu. Còn các hộ gia đình tại các địa phương cũng cho biết, việc khai thác cây lục bình trong tự nhiên giờ đây cũng không còn dễ dàng như trước kia nữa.

 

Muốn tìm được cây lục bình, họ phải tập trung thành đoàn, dùng ghe đi tìm ở những địa bàn xa mới hy vọng có được nguồn hàng. Điều này cho thấy hai vấn đề. Thứ nhất, đối với những người trực tiếp liên quan đến nghề đan các sản phẩm lục bình thì đã đến lúc họ phải tính đến khả năng trồng cây lục bình nguyên liệu để thay thế cho việc khai thác cây lục bình trong tự nhiên. Cây lục bình không khó trồng. Từ lúc trồng cho đến lúc thu hoạch chỉ mất khoảng ba tháng, không cần nhiều công chăm sóc. Thứ hai, nếu nhìn bằng con mắt của nhà quản lý, thì việc một loại cây hoang dại trong tự nhiên, cách nay năm, mười năm hầu như còn là một loại cây vô danh như cây lục bình mà đến nay cũng bị khai thác cạn kiệt đặt ra một vấn đề đáng phải suy nghĩ : đó là vấn đề về sự cộng sinh giữa con người với môi trường.

 

Để duy trì sự sống và thỏa mãn những nhu cầu của mình, con người đang có xu hướng khai thác thiên nhiên một cách triệt để. Vậy thì con người phải làm gì để trả lại cho thiên nhiên sự cân bằng, để giữa con người với thiên nhiên luôn luôn có thể tồn tại một cuộc sống chung hài hòa và bình yên.

Nguồn langnghe.org

  • Từ khóa

Trần Thị Phượng - 4 năm trước

Mình cần nguồn làm hàng từ lục bình,rất mong nhận được phản hồi

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày