Thứ 7, 23/11/2024, 09:42[GMT+7]

Hoa nắng làng nghề

Thứ 6, 14/07/2023 | 10:27:28
7,282 lượt xem
Vùng châu thổ Bắc Bộ, trong đó có Thái Bình từ xưa đã hình thành nhiều loại hình làng, làng nghề truyền thống tùy thuộc vào cách phân chia địa giới dựa vào các tiêu chí về điều kiện tự nhiên, kinh tế, quá trình lập làng... Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: “Làng nghề là một làng có nghề tiểu thủ công đã từng tồn tại trong lịch sử lập làng hoặc tồn tại một thời gian nhất định trên địa phận của làng hoặc có sản phẩm hàng hóa nổi tiếng hoặc có khối lượng hàng hóa lớn có vai trò chi phối đối với thị trường trong nước và quốc tế, có số đông người trong làng cùng làm một hoặc nhiều nghề, dân làng sống chủ yếu bằng các nghề đó”...

Mặt hàng mây tre đan xuất khẩu Thanh Bình, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy được xuất sang nhiều nước châu Âu.

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, điều dễ nhận ra ở Thái Bình, làng nông nghiệp luôn chiếm số đông, số còn lại là làng nghề và làng “thương mại”. Như câu ca: “Nguyên Xá bánh cáy/Khoai ráy Động Trung/Bánh lọc thật trong/Đô Kỳ, chợ Quếch”… Trong làng thuần nông ở tỉnh ta có nhiều làng ẩn chứa “trong mình” mô hình làng nghề, trong đó mỗi loại hình làng lại có sắc thái riêng do đặc thù nghề nghiệp quy định. Làng nghề hoặc làng nông nghiệp có nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh ta thì nét khác biệt rõ nhất thể hiện ở việc người thợ thủ công trong làng dù chưa hoàn toàn “thoát ly” sản xuất nông nghiệp nhưng đã có tác phong công nghiệp, hình thành “dáng dấp” công nhân công nghiệp và có “đầu óc” kinh doanh, thương mại để trưởng thành thành các chủ doanh nghiệp. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, làng nghề tạo ra giá trị kinh tế lớn và ổn định so với các loại hình làng nông nghiệp thuần túy, có khả năng bảo đảm “công ăn việc làm” cho dân làng, thu hút nhiều lao động dư thừa từ các làng quê khác. Đây là một trong những nhân tố quan trọng để phát triển kinh tế, hình thành các thị tứ, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa nông thôn. Nghiên cứu cũng khẳng định, thu nhập của người làng nghề cao hơn làm nông nghiệp nên có điều kiện để xây dựng, tu bổ các công trình thờ cúng (như đình, chùa, đền, miếu...) và tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội. Sản phẩm của làng nghề làm ra “hàm chứa” tâm hồn, cốt cách con người; sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ nên mỗi sản phẩm là một “tác phẩm nghệ thuật” mang sắc thái riêng, độc đáo của làng nghề. Người làng nghề có bí quyết, công thức bí truyền nghề, vì vậy, việc giữ bí quyết nghề co hẹp và hết sức nghiêm ngặt. Ngược lại, quan hệ xã hội của người làng nghề lại mở rộng do nhu cầu bán sản phẩm làm ra và người thợ làng nghề bước ra khỏi lũy tre làng đi khắp nơi làm ăn và cũng có nhiều người từ nơi khác đến làm thuê, trao đổi nguyên vật liệu và sản phẩm; tạo ra những khác biệt về nếp nghĩ, tầm nhìn, quan niệm về các giá trị của làng xã. Lấy ví dụ làng nghề nổi tiếng của tỉnh ta như chiếu Hới (Hải Triều, Tân Lễ), làng dệt vải Phương La (Hưng Hà), làng chế biến cá Quang Lang (Thụy Hải), mây tre đan Thái Xuyên (Thái Thụy), đũi Nam Cao, chạm bạc Đồng Xâm (Kiến Xương)… Các làng này được giới thiệu trong một số công trình nghiên cứu chủ yếu, nêu những nét lớn về lịch sử làng nghề trong quá khứ, ít đề cập đến “văn hóa học”, nhất là không đề cập đến sự biến đổi văn hóa truyền thống trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay khi coi văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển hay văn hóa là một trong bốn trục của phát triển bền vững (ba trục khác là tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, xã hội và giữ gìn tài nguyên, môi trường).

Đất đai, cương vực tỉnh ta ngày nay, thời Lê có 3 phủ là Tân Hưng (sau đổi là Tiên Hưng), Thái Bình, Kiến Xương. Buổi đầu nhà Lê thuộc Nam Đạo, năm Quang Thuận thứ 7 (1466) thuộc thừa tuyên Thiên Trường, năm thứ 10 (1469) đổi làm thừa tuyên Sơn Nam, năm Hồng Đức thứ 21 (1490) đổi làm xứ Sơn Nam, giữa năm Hồng Thuận (1510 - 1516) gọi là trấn. Nhà Mạc đem các phủ Thái Bình, Kiến Xương, Tân Hưng lệ thuộc vào Dương Kinh. Đời Lê Quang Hưng (1578 - 1599) trở lại như cũ. Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) chia Sơn Nam làm 2 lộ Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ (gồm các phủ Thiên Trường, Thái Bình, Nghĩa Hưng, Kiến Xương và Tiên Hưng), nhà Tây Sơn gọi là trấn Sơn Nam Hạ. Đầu đời Gia Long nhà Nguyễn vẫn theo như thế. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi Sơn Nam Thượng làm trấn Sơn Nam; Sơn Nam Hạ làm trấn Nam Định. Năm thứ 12 (1831) chia tỉnh hạt, phủ Tiên Hưng lệ vào tỉnh Hưng Yên, phủ Kiến Xương và phủ Thái Bình lệ vào tỉnh Nam Định. Năm 1890 thành lập tỉnh Thái Bình gồm 2 phủ Kiến Xương, Thái Bình và huyện Thần Khê của phủ Tiên Hưng. Năm 1894 sáp nhập vào tỉnh Thái Bình 2 huyện Hưng Nhân, Duyên Hà tách từ tỉnh Hưng Yên. Việc nghiên cứu nghề thủ công và làng nghề ở Thái Bình chủ yếu vẫn được đặt trong khung cảnh nghiên cứu về làng Việt nói chung dưới nhiều góc độ khác nhau đặc điểm địa danh hành chính và do nghề thủ công là bộ phận gắn chặt với làng nông nghiệp và các làng nghề đều có mối quan hệ chặt chẽ với các làng nông nghiệp. 

Theo tài liệu khảo cứu, thời thực dân Pháp đô hộ, nhà địa lý học Pháp Pierre Gourou từ cách tiếp cận địa lý nhân văn đã chỉ ra những nét chung về các mặt đời sống của người nông dân Việt ở vùng châu thổ Bắc Bộ, ông đã khảo tả rất chi tiết địa hình châu thổ Bắc Kỳ về dân cư trong sự vận động, dịch chuyển và quần tụ, đặc điểm điển hình tạo nên làng của vùng châu thổ Bắc Bộ. Ông bỏ nhiều thời gian nghiên cứu sâu về văn hóa mưu sinh của các làng và luôn đặt các vấn đề nghiên cứu trong sự vận động biến đổi và linh hoạt. Ông Gourou đưa ra con số 108 nghề thủ công (phân theo nhóm nghề) được gọi là “công nghiệp làng xã”, gồm các nghề dệt, đan lát, gỗ và các nghề khác. Công nghiệp dệt gồm dệt bông, tơ tằm, những ngành lụa thô, tơ đũi, the, đan lưới, võng… có 242 làng nghề. 

Ngoài những ghi chép trong các bộ chính sử, nghề và làng nghề được đề cập đến đầu tiên trong các cuốn địa chí, thông qua mục ghi “sản vật”, như Dư địa chí của Nguyễn Trãi là tác phẩm ghi chép sớm nhất về các nghề thủ công ở Việt Nam. Câu chuyện quan Hành khiển Nguyễn Trãi (thời nhà Lê sơ thế kỷ XV) với mối thiên duyên tình sử cùng Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ qua đoạn đối đáp: “Nàng ở đâu ta bán chiếu gon…” và câu trả lời: “Em ở Hải Hồ bán chiếu gon…” đã khẳng định vị thế và sản phẩm làng nghề lâu đời ở Thái Bình.

Sách Tiên Hưng phủ chí ghi chép về phủ Tiên Hưng viết năm 1928 của Đốc học phủ Tiên Hưng Phạm Nguyên Hợp (lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.3167) ở phần “công nghệ” (nghề thủ công) có ghi: “Dân các xã Phương La, Trác Dương (xã Thái Phương), Yên Nghiệp (Minh Tân) huyện Hưng Nhân (Hưng Hà) thường đi mua kén tằm đem về kéo thành sợi, chia ra làm mấy loại. Loại sợi tơ mảnh đem dệt thành lụa gọi là lục sồi, loại sợi tơ hơi thô dệt ra thành lụa nái, rồi đem đi bán ở chợ các nơi”. Sách Tiên Hưng phủ chí còn cho biết: “Người xã Nguyên Xá, huyện Thần Khê kéo kén thành tơ phiếu (ngâm, phơi khô để tơ mất đi màu vàng, ngả sang màu trắng lụa), cho tơ trắng ra, cuộn vào guồng xe cho săn sợi rồi mới dệt. Lụa dệt ra màu trắng có hoa văn rất đẹp. Nghề này có từ thời Lê Cảnh Hưng”.

Quang Viện 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày