Thứ 7, 23/11/2024, 10:25[GMT+7]

An Tiêm nghệ tinh nhân kiệt

Thứ 6, 29/09/2023 | 10:06:09
14,287 lượt xem
An Tiêm thuộc xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy là một làng văn hiến có lịch sử lâu đời. Vào thế kỷ XIII, An Tiêm được ghi danh là nơi rèn vũ khí cho quân đội nhà Trần chống giặc Nguyên - Mông. Từ thế kỷ XIV, là nơi đặt phủ lỵ của lộ phủ An Tiêm. Từ thế kỷ XV, làng An Tiêm được lưu danh trong bảng vàng bia đá của quốc gia với tên tuổi của những bậc trí thức đại khoa lẫy lừng công danh sự nghiệp, tiêu biểu như Hoàng giáp Nguyễn Hưởng Dung, Hoàng giáp Lê Khâm...

Ông Lê Văn Chen, thôn An Tiêm 1, xã Thuỵ Dân (Thái Thụy) gắn bó với nghề rèn truyền thống hơn 50 năm. Ảnh Triệu Nguyễn

Cho đến nay, làng An Tiêm còn giữ được ngôi đình uy nghi lộng lẫy, có kiến trúc nghệ thuật cổ kính khá độc đáo, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa. Đình thờ nhị vị Thành hoàng và ngũ vị Tổ nghề rèn sắt. 

Sử sách lưu truyền là khi triển khai kháng chiến chống quân Nguyên - Mông tràn sang xâm lược nước ta lần thứ hai (năm 1285) và lần thứ ba (năm 1288), triều đình nhà Trần triển khai lập phòng tuyến chống giặc ở vùng nam sông Hóa và sông Thái Bình. Làng Cao Dương, nay thuộc xã Thụy Hưng cùng làng An Tiêm được chọn làm nơi tập trung thợ rèn trong vùng về sản xuất vũ khí cho quân đội nhà Trần. 

Theo bản thần tích còn lưu giữ tại đền và theo truyền thuyết dân gian thì khi đó tại Cao Dương có 5 phường thợ rèn, tập trung khá đông thợ rèn nhiều nơi, trong đó có những thợ giỏi người làng An Tiêm. Những phường rèn này triển khai chế tạo vũ khí do Dã Tượng, gia tướng của Trần Hưng Đạo chỉ huy. Trong 5 phường rèn đó thì một phường do Tống Đình Uyên, người làng Cao Dương làm trùm phường, bốn phường còn lại do bốn người của làng An Tiêm là Lê Đình Ngay, Bùi Đình Lãnh, Trịnh Thiên Tĩnh và Phan Đình Mỹ (có sách chép là Phan Thuần Mỹ) làm trùm trưởng. Sau ngày toàn thắng, triều đình đã phong cho cả 5 vị trên là Tổ sư của nghề rèn sắt, cấp bổng lộc và giao cho dân phụng thờ khi các vị qua đời.

Sau ngày toàn thắng, các ông trùm trưởng người làng An Tiêm đã từ Cao Dương trở về làng hành nghề và truyền dạy cho dân làng mở rộng nghề rèn. Khi 5 vị  qua đời, dân làng đã lập bài vị thờ phụng tại đình làng cùng nhị vị thành hoàng. Con cháu của bốn họ Lê, Bùi, Trịnh, Phan ở làng An Tiêm và 13 phường thợ rèn trong vùng đã cùng nhau hưng công xây ngôi am thờ các vị Tổ nghề. 

Theo lệ xưa, tục tế Tổ nghề rèn ở làng An Tiêm hàng năm được tổ chức vào hai ngày 14 - 15 tháng giêng âm lịch. Từ ngày 16 tháng giêng trở đi các lò rèn trong làng mới nổi lửa. Thuở trước, vào hai ngày này các phường rèn gần xa vẫn thường cùng về An Tiêm tế tổ. Việc tế Tổ nghề còn được duy trì trong dịp hội đình làng An Tiêm vào ngày 15 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Năm 1988, ngành bảo tàng đã tổ chức thám sát, điều tra về dấu tích rèn sắt ở làng Cao Dương. Kết quả cho thấy trong tầng văn hóa có nhiều gỉ sắt, ống thổi gió, dấu tích nơi rèn sắt. Ngoài ra còn nhiều phế tích kiến trúc bằng đất nung như đầu rồng, gạch ngói, lá đề chạm khắc họa tiết rồng có niên đại thời Trần. Di tích này sẽ góp phần nghiên cứu nghề thủ công rèn sắt thời Trần ở Thái Bình trong thời kỳ kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông.
So với nghề rèn vốn có trong nhiều làng nghề khác ở tỉnh Thái Bình thì nghề rèn An Tiêm ra đời sớm và lưu truyền bền vững ở mọi thời kỳ lịch sử. Vào những năm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 các mặt hàng rèn sắt gồm nhiều chủng loại đồ gia dụng và nông cụ của An Tiêm đã được bày bán ở nhiều chợ phủ, chợ huyện, chợ làng trong tỉnh.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, khi cả nước chuẩn bị bước vào kháng chiến thì làng An Tiêm thực sự là một công binh xưởng rèn dũa vũ khí cung cấp cho các mặt trận. Những năm 1947 - 1950, các lò rèn ở An Tiêm được giao nhiệm vụ rèn dao găm, mã tấu, bàn chông và các loại vũ khí thô sơ để trang bị cho bộ đội địa phương và du kích các làng xã chuẩn bị bước vào kháng chiến. Đặc biệt, các nghệ nhân rèn sắt làng An Tiêm còn chế tạo được cả súng trường để đánh địch. Lịch sử địa phương còn lưu danh các nghệ nhân Nguyễn Luy, Nguyễn Pho, Trịnh Nhương... đã tham gia chế tạo súng trường. Khẩu súng trường do nghệ nhân Trịnh Nhương chế tạo đã được đưa đi triển lãm ở Quân khu Ba.

Sau năm 1954, nghề rèn của làng An Tiêm vẫn tiếp tục đỏ lửa. Một số thợ rèn đã được đưa vào tổ đội sản xuất thủ công theo sự quản lý của HTX nông nghiệp. Nhưng nhìn chung nghề rèn của làng này trong những năm 1955 - 1985 hoạt động cầm chừng. Những kỹ xảo tôi, dũa cổ truyền ít được chú trọng. Nhiều thợ rèn đã bỏ nghề tìm kiếm công việc khác để sinh kế.

Từ những năm 1990 trở lại đây, nghề rèn làng An Tiêm đã từng bước được chấn hưng và thực sự bừng lên vào thập niên đầu thế kỷ XXI. Do cơ chế thông thoáng, do được ưu tiên vay vốn, thuê đất, hơn 60 lò rèn trong làng đã đỏ lửa. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các mặt hàng từ nghề rèn ở An Tiêm đã ra đời. Nhiều hộ trong làng đã đầu tư mua sắm phương tiện sản xuất bằng cơ giới như búa máy, máy tiện, máy mài... để thay thế một số công đoạn làm thủ công, vừa nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm vừa hạ được giá thành, tạo được sức cạnh tranh ở thời kỳ hội nhập. 

Giờ đây, khi mới đến đầu làng An Tiêm đã nghe thấy âm thanh náo động của tiếng đập đe, đập búa, máy cắt gọt. Từng tốp trai tráng nhịp nhàng lao động bên những bễ lò rèn rực lửa. Nắm bắt nhu cầu thị trường, các chủ cơ sở đầu tư búa máy và nhiều máy móc chuyên dụng khác về nâng cao năng lực sản xuất. Sản phẩm của làng rèn An Tiêm rất đa dạng, gồm những vật dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất  như: dao, liềm, cuốc, xẻng đến các chi tiết máy móc phức tạp... được tiêu thụ khắp trong cả nước, xuất sang Lào và Campuchia.

Nghề rèn đã thu hút hàng trăm lao động trong làng, trong xã. Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và giàu lên nhờ nghề này. Tỷ phú làng rèn đã xuất hiện. Đường làng nghề rải đá, láng nhựa thênh thang xuyên qua làng. Ô tô vận tải và các loại phương tiện cơ giới có thể chạy vào các ngõ xóm để cung ứng nguyên vật liệu cho nghề rèn và vận chuyển các mặt hàng rèn đi tiêu thụ ở nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh.

Từ làng rèn truyền thống An Tiêm cùng các thôn khác trong xã Thụy Dân đã năng động du nhập nghề mới như móc sợi, mây tre đan, may công nghiệp, thêu xuất khẩu, cơ khí, mộc, xây dựng, chế biến lương thực, thực phẩm... thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Trong xã có các cơ sở đứng ra tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm nên người dân rất yên tâm làm nghề. Làng An Tiêm và An Dân đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng lên, nhiều hộ xây được nhà mái bằng, nhà cao tầng kiên cố.

Do nghề rèn ra đời sớm và lại là nơi đặt phủ lỵ, là nơi đặt trường học của phủ nên học phong ở An Tiêm truyền đời hưng thịnh. Thời Nho học có hàng chục ông nghè, ông cống ở An Tiêm đã được lưu danh trong bảng vàng, bia đá. Nhân tài tuấn kiệt ở đất này thời nào cũng có. Cũng do kinh tế phát triển nên các thiết chế tín ngưỡng của làng như đình, đền, chùa, miếu, văn chỉ... được xây dựng khang trang. Hội làng An Tiêm xưa là một hội lớn trong vùng với nhiều trò diễn xướng dân gian thu hút khách trong, ngoài vùng về dự, trong đó có các phường thợ rèn về tế tổ. An Tiêm còn là một làng chèo có nhiều nghệ nhân chèo nổi tiếng.

Làng rèn An Tiêm đời nối đời sinh nhân kiệt nghệ tinh, sớm trở thành một trung tâm hội tụ tinh hoa của những nghệ nhân nghề rèn và kinh doanh các mặt hàng thủ công truyền thống. Trên đường đổi mới và hội nhập, An Tiêm đang tìm được sức bật của truyền thống văn hiến, trong đó có những kỹ nghệ, kỹ xảo của nghề rèn từ hơn 700 năm trước để xây dựng một làng quê giàu đẹp, văn minh.

Nguyễn Thanh
Vũ Quý, Kiến Xương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày