Đúc đồng An Lộng: Bảy nổi ba chìm
Theo gia phả của một số dòng họ và hương ước của làng An Lộng được biết nghề đúc đồng ở làng này vốn được truyền từ vùng đất Thiệu Dương (Thanh Hóa) ra từ khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Trước năm 1945, sản phẩm đồng đúc của An Lộng khá phong phú, từ đồ gia dụng như sanh, nồi, ấm đến các đồ thờ cao cấp như chuông, khánh, đỉnh, hạc, tượng, mũ thờ, lư hương… Ở những thời kỳ thịnh vượng hầu như cả làng gia đình nào cũng có người làm nghề này mà tất bật nhất, sôi động nhất là vào những tháng cuối năm với bạn hàng từ nhiều nơi về đặt. Những nghệ nhân giỏi nghề của An Lộng vẫn thường được các phường đúc đồng gần xa đến thuê mướn về giúp các công đoạn mà họ chưa thành thạo.
Nghề đúc kim loại nói chung và đúc đồng nói riêng là một nghề thủ công đòi hỏi kỹ nghệ cao. Ngoài những thao tác mang tính thông dụng, những người thợ đúc còn phải tinh tế, tài hoa để chế tác những sản phẩm mang giá trị thẩm mỹ cao. Quy trình tạo ra một sản phẩm đồng đúc rất cầu kỳ, phức tạp. Khâu đầu tiên là việc chọn đất làm khuôn. Theo kinh nghiệm cổ truyền ở An Lộng, đất để làm khuôn chỉ chọn đất ở làng này mới bảo đảm cho ra lò những sản phẩm đồng đúc đạt tiêu chuẩn kỹ, mỹ thuật cao, không dễ nhạt nhòa với hàng đồng đúc thủ công ở các nơi như: nước da đồng bóng, hoa văn sắc, gọn, có hồn thiêng cho từng con vật: long, ly, quy, phượng, hạc, rùa… Chọn được đất rồi phải dày công xay nhuyễn, lọc bằng túi vải rồi đem phơi. Khi đất se lại thì trộn đất với tro trấu, pha nước sền sệt, đem phơi cho đất quyện lại, lúc đó mới làm khuôn. Khuôn có ba lớp. Lớp bên trong là đất được phủ bằng sáp nến. Tùy theo chủng loại, kích cỡ của sản phẩm theo mẫu mã, người thợ sẽ nặn khuôn bằng cả kinh nghiệm và tài nghệ sáng tạo của mình. Khâu cuối cùng trong các công đoạn làm khuôn là đắp thêm một lớp đất bên ngoài, bao phủ lên tất cả phần sáp. Lớp đất này dày, mỏng từng chỗ khác nhau được tính bằng mắt và sờ bằng tay theo kinh nghiệm nghề nghiệp. Khi khuôn hoàn thành, đem phơi vài nắng, đến khi đủ độ khô cứng mới đưa vào lò nung.
Nguyên liệu đồng và phụ gia để đúc có khi là đồng thỏi, có khi là phế liệu (đồng nát), đòi hỏi người thợ phải biết sử dụng như thế nào để nung chảy và phân loại cho hợp lý với từng loại sản phẩm cần đúc. Trước khi đưa vào đúc phải nung chảy đồng ra, phân loại xong mới đưa vào lò nung nhịp nhàng với việc nung khuôn đất. Hai thao tác nung khuôn chín và nung đồng chảy để đổ vào khuôn cùng một thời khắc là cả một sự tính toán khoa học và đòi hỏi kinh nghiệm nghề nghiệp cao. Thông thường, những người thợ đúc đồng lâu năm, có kinh nghiệm nhìn lửa, nhìn khói mới biết được khuôn chín để có thể đổ được đồng vào hay chưa. Những người thợ mới vào nghề nếu làm không khéo thì “sai một ly đi một dặm”. Khi khuôn chưa chín mà đã đổ đồng vào sẽ coi như phải đổ cả mẻ đồng đó đi. Việc đổ đồng vào khuôn không chỉ đòi hỏi những thợ có sức khỏe, đứng bên lò đồng nung chảy có nhiệt độ hàng nghìn độ mà còn đòi hỏi kỹ năng nghề nghiệp sao cho nhịp nhàng. Nhanh quá thì hỏng, chậm quá cũng không được.
Sau khi đổ đồng nung chảy vào khuôn xong, chờ cho khuôn nguội thì dỡ bỏ lớp đất bên ngoài và bên trong, đưa sản phẩm ra khỏi khuôn và cạo sạch phần đồng thừa còn đeo bám. Dùng dũa để dũa cho sạch rồi lắp đặt các bộ phận lại sao cho liền, khít, kín mối. Với những sản phẩm có hoa văn rườm rà mà khi đổ đồng vào khuôn không phủ tới được thì thợ hàn phải gia cố thêm cho đầy đủ. Công đoạn này cũng đòi hỏi thợ hàn phải có tay nghề tốt sao cho vừa chắc vừa không để lại dấu vết hàn. Hàn xong coi như đã hoàn thành một sản phẩm thô. Công đoạn tiếp theo là việc của người thợ chạm khắc đồng. Tùy theo mẫu đặt mà người thợ chạm sẽ phải đầu tư công sức, tài năng của mình để chạm trổ những hoa văn, họa tiết như áng mây, rồng, phượng, sư tử, khóm trúc, chùm nho, hoa quả... Công đoạn này thường phải dành cho những người thợ có hoa tay riêng và có tuổi nghề cao mới làm chuẩn. Cuối cùng là khâu nhuộm sản phẩm. Khâu này cũng được coi là một trong những thế mạnh riêng của nghề đúc đồng An Lộng. Những sản phẩm đồng đúc nói chung và đồ tế khí bằng đồng đúc của An Lộng đều được khách sành dùng đồ đồng đúc thủ công đánh giá là đẹp về dáng, sáng về nước da, tinh xảo về hoa văn chạm trổ.
Theo các cố lão nghệ nhân có tuổi nghề cao ở làng An Lộng thì trong nhiều công đoạn của quy trình đúc như làm khuôn, pha chế nguyên liệu, điều tiết lửa lò chủ yếu được tính bằng mắt. Trong đồ thờ cao cấp thì đúc chuông và đúc tượng là khó nhất. Nói là thế nhưng nhìn những hoa văn, họa tiết trang trí rồng chầu, phượng múa, sư tử hí cầu, tứ linh, tứ quý hài hòa, cân đối trên những đồ thờ bằng đồng đúc của An Lộng mới cảm nhận hết được tài hoa của các nghệ nhân đúc đồng của làng này. Cũng theo một số nghệ nhân trong làng thì An Lộng có sở trường riêng về tạo khuôn đúc đồng và nhuộm da đồng. Đó là bí quyết tạo khuôn đúc tốn ít nguyên liệu hơn so với các phường đúc ở nơi khác vì đất chịu lửa để làm khuôn ở vùng này rất hiếm. Việc tạo được một chiếc khuôn mỏng đến độ vừa phải để sản phẩm ra lò đảm bảo đúng kỹ, mỹ thuật là cả một kho kinh nghiệm không dễ người thợ đúc nào cũng thuần thục được.
Trong những năm 1955 - 1975, nghề đúc đồng An Lộng trải nhiều chìm nổi. Vào thời điểm thịnh vượng, An Lộng đã có tới xấp xỉ 100 cơ sở đúc đồng. Các lò đúc của làng khi nhiều, lúc ít khác nhau nhưng dường như trong làng chưa bao giờ tắt lửa lò. Vào những năm này, một số lò đúc của An Lộng còn đúc cả chân vịt cho tàu thủy và đồ gia gia dụng dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số theo đơn đặt hàng. Do nguyên liệu đồng đúc khan hiếm, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thợ đúc đồng An Lộng đã chuyển sang đúc gang với các mặt hàng như lưỡi cày, diệp cày, nồi, xoong, chảo gang và có một thời hàng nhôm đúc là đồ gia dụng và các phụ kiện phục vụ chế tạo máy, linh kiện lắp ráp xe đạp… của An Lộng đã có sức tiêu thụ mạnh.
Thế rồi, thời hoàng kim của nghề đúc đồng theo phương pháp thủ công truyền thống của làng An Lộng đã đến vào những năm từ nửa cuối thập kỷ 80 đến những năm cuối cùng của thế kỷ XX. Đó là những năm đầu của tiến trình chấn hưng các giá trị văn hóa truyền thống ở thời kỳ đổi mới. Cao trào tu sửa, tôn tạo, xây mới các thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo như đình, chùa, đền, miếu, từ đường dòng họ diễn ra ở khắp các làng quê. Nhu cầu mua sắm đồ thờ như chuông, khánh, đỉnh, lư hương, tượng thờ… xuất hiện. Khách đặt hàng muôn nẻo trong và ngoài tỉnh tìm về An Lộng đặt hàng. Các cơ sở đúc đồng trong làng mọc lên san sát. Làng An Lộng ngày đêm bập bùng ánh lửa lò, tấp nập ô tô xe máy vào ra. Vào thời điểm ấy, nghề đúc đồng đã thu hút hàng trăm lao động. Khi ấy, có cán bộ lãnh đạo đã lãng mạn nghĩ tới chuyện An Lộng sẽ trở thành làng nghề 2 triệu USD như một vài làng nghề khác trong nước.
Thế nhưng, thời hoàng kim của làng đúc đồng An Lộng không dài. Vận may của An Lộng đã sớm qua đi. Từ cuối những năm 1990 đến nay, nghề đúc đồng thủ công của An Lộng đã sa sút dần. Nguyên nhân chủ yếu là do giá đồng ngày một lên quá cao và khan hiếm. Kèm theo đó là giá củi, giá than, giá các loại nguyên vật liệu đều tăng vọt dẫn tới giá thành sản phẩm tăng cao, khó bán. Mặt khác, mẫu mã ít được cải tiến, thiếu nhạy bén nắm bắt thị hiếu của khách hàng trong từng thời điểm. Đa phần dụng cụ hành nghề đúc đồng vẫn còn trong tình trạng thô sơ, ít được đầu tư cải tiến. Trong khi đó đồ thờ đúc bằng hợp kim thoáng nhìn đã thấy mát mắt từ Trung Quốc lại tràn vào Việt Nam bán với giá rẻ hơn nhiều. Mặc dù khi sử dụng thì hàng Trung Quốc rất nhanh phai, phần nhiều là kém chất lượng. Người làng An Lộng và dân sành đồ đồng đúc thủ công đều cho rằng đồ thờ đúc bằng đồng pha hợp kim của Trung Quốc, kể cả của Đài Loan nhìn thì hào nhoáng nhưng chỉ là hàng mã. Trước tình trạng không cạnh tranh nổi, những người thợ đúc đồng An Lộng chỉ còn biết than thở: “Cái đẹp không đè bẹp được cái giá”. Giờ đây, nếu chỉ thoáng dạo bước vào làng An Lộng hẳn không dễ mấy người đã cảm nhận được đây là một làng nghề đúc đồng từng đã vang danh ở nhiều thời kỳ lịch sử.
Chưa rõ quy luật “đứt thôi lại nối, thấp đà lại cao” có còn tiếp tục ứng nghiệm với làng nghề đúc đồng thủ công truyền thống An Lộng nữa hay không và cũng không biết những câu chuyện khôi phục làng nghề đúc đồng ở Đại Bái (Bắc Ninh) có vận dụng được chút nào chăng với làng An Lộng?
Nguyễn Thanh
(Vũ Quý, Kiến Xương)
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh