Ứng dụng công nghệ giữ nghề dệt chiếu
Hồi sinh làng nghề
Trước đây, dệt chiếu được xem như là nghề chính của người dân An Vũ, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Thế nhưng khi kinh tế phát triển, các loại chiếu công nghiệp như: chiếu tre, chiếu trúc, chiếu nhựa... với đủ chủng loại, mẫu mã lưu hành rộng rãi trên thị trường nên chiếu cói ít nhiều đã mất đi vị thế. Trong khi nhiều người dân trong xã không còn mặn mà với nghề dệt chiếu, bỏ nghề đi làm việc khác thì gia đình anh Nguyễn Văn Quý vẫn giữ được nghề.
Anh Quý cho biết: Là người lớn lên, gắn bó và yêu nghề dệt chiếu, tôi luôn trăn trở làm thế nào để giữ nghề của cha ông. Sau khi học xong đại học, hai anh em quyết định trở về quê hương nối nghiệp cha phát triển cơ sở sản xuất chiếu cói của gia đình. Cùng với chọn nguồn nguyên liệu cói tốt, tôi nghiên cứu kỹ nhu cầu của thị trường để đổi mới, cải tiến mẫu mã cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng; đầu tư máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất; chú trọng đào tạo nghề cho người lao động nhằm tạo ra nhiều sản phẩm chiếu cói chất lượng.
Nếu như trước đây 2 người dệt thủ công 1 ngày được 1 đôi chiếu thì nay 1 người đứng máy có thể dệt được 12 đôi chiếu. Với quy mô gần 40 máy dệt chiếu, bình quân mỗi năm Công ty TNHH Chiếu cói Thân Vui sản xuất được 270.000 lá chiếu các loại. Từ thực tiễn sản xuất, anh Quý đã sáng tạo ra thiết bị tự ngắt khi lá chiếu đủ chiều dài, xác định báo lỗi khi sản phẩm dệt không đúng yêu cầu kỹ thuật; thay thế phơi chiếu thủ công sang sấy chiếu bằng ánh sáng; đa dạng các loại mẫu mã sản phẩm; tận dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để bán hàng...
“Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn nên doanh nghiệp tổ chức lại sản xuất, livestream bán hàng trực tiếp trên các kênh facebook, tiktok và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Qua mỗi phiên bán hàng khoảng 90 phút, chúng tôi bán được 100 chiếc chiếu các loại cho khách hàng trong cả nước, thậm chí có cả người nước ngoài đặt mua. Như vậy, doanh nghiệp không chỉ bán được hàng mà còn quảng bá được thương hiệu sản phẩm chiếu cói của địa phương. Hiện nay, sản phẩm chiếu cói Thân Vui đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ bán hàng trên các sàn thương mại điện tử mang lại hiệu quả rõ rệt” - anh Quý chia sẻ.
Đưa làng nghề vươn xa
Lấy chữ tín làm đầu, đa dạng mẫu mã, coi trọng chất lượng sản phẩm đã giúp Công ty TNHH Chiếu cói Thân Vui ngày càng phát triển. Công ty đã xây dựng được mạng lưới tiêu thụ rộng khắp với 35 nhà phân phối, 1.200 cửa hàng bán sản phẩm trên cả nước; không chỉ sản xuất và bán các loại chiếu cói mà còn cung ứng nguyên liệu cói cho nhiều doanh nghiệp ở trong và ngoài tỉnh. Doanh nghiệp hiện tạo việc làm cho gần 200 lao động ở địa phương với thu nhập từ 4 - 12 triệu đồng/người/ tháng, doanh thu đạt 8 - 10 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí lãi 1 tỷ đồng/năm.
Chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Vũ Hạ, xã An Vũ cho biết: Tôi gắn bó với Công ty hơn 10 năm nay từ ngày còn là cơ sở sản xuất. Việc dệt chiếu cói giờ có máy móc làm hết, năng suất tăng hàng chục lần mà công nhân đỡ vất vả. Người làm trực tiếp tại xưởng được trả 10 - 12 triệu đồng/tháng nên chúng tôi cũng bảo đảm được cuộc sống.
Ông Trần Văn Tuyển, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Vũ đánh giá: Trên địa bàn xã hiện có 5 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất chiếu cói quy mô lớn. Trong đó, Công ty TNHH Chiếu cói Thân Vui có quy mô lớn nhất, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Bản thân anh Quý là thành viên Câu lạc bộ nông dân xuất sắc tỉnh Thái Bình, tích cực phổ biến kiến thức, hỗ trợ kinh nghiệm sản xuất cho 15 hộ cùng làm nghề; ủng hộ phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương hàng chục triệu đồng và được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Anh Nguyễn Văn Quý cho biết thêm: Với mong muốn đưa làng nghề chiếu cói An Vũ vươn xa hơn, thời gian tới tôi tiếp tục liên kết với các cơ sở sản xuất chiếu cói trong và ngoài tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ và mua nguyên vật liệu; không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng; ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm giá thành sản phẩm, đồng thời mua thêm máy dệt để nâng sản lượng lên 300.000 lá chiếu các loại/năm.
Lớn lên bên cánh đồng cói, được nuôi dưỡng bằng những bàn tay dệt chiếu nên anh Nguyễn Văn Quý đã thành công “giữ lửa” cho nghề truyền thống của địa phương. Nhìn nhà xưởng rộng 5.000m2 cùng sự “thay da đổi thịt” trong đời sống của người dân trong vùng, chúng tôi thầm cảm kích trước những nỗ lực và thành công của chàng trai trẻ thế hệ 9X khi tiếp nối nghề và giữ nét văn hóa đặc trưng của vùng quê nơi đây. Trong tương lai, để làng nghề chiếu cói An Vũ nói riêng, các làng nghề truyền thống trong tỉnh vươn xa vẫn rất cần sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp để người dân các làng nghề truyền thống sống tốt từ nghề, từ chính cái nghiệp của ông cha.
Tiến Đạt
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh