Ngọt ngào cốm Thanh Hương
Trước đây, gia đình ông Hoàng Đình Nhẫn, thôn Thanh Hương 1, xã Đồng Thanh cũng như nhiều hộ gia đình khác ở đây bắt tay vào nghề làm cốm truyền thống của cha ông bằng cách làm thủ công. Nhận thấy nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, nhất là thị trường nước ngoài, ông Nhẫn quyết định đầu tư máy móc cho một số công đoạn làm cốm giúp tăng năng suất nhưng sản phẩm vẫn giữ khá vẹn nguyên hương vị đặc trưng. Muốn đi xa phải đi cùng nhau, vì vậy ông tham gia Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh cốm Thanh Hương. Gia đình ông Nhẫn cũng là hộ sản xuất lớn nhất làng nghề, mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 15 tấn cốm, doanh thu 5 - 7 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương thu nhập 120.000 đồng/ngày. Năm 2024, sản phẩm cốm Thanh Hương của gia đình ông đã đáp ứng các tiêu chuẩn và trở thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Ông Nhẫn cho biết: Hơn 25 năm trong nghề làm cốm, tôi luôn chú trọng về chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, luôn tuân thủ thực hiện các quy trình, tiêu chuẩn để đưa cốm Thanh Hương ra thị trường được khách hàng yêu mến. Tôi vừa sản xuất và thu mua cốm mộc của hơn 30 hộ sản xuất trong làng, sau đó tiến hành phân loại cốm và loại bỏ tạp chất, loại bỏ những hạt cốm không đạt tiêu chuẩn. Cốm mộc sẽ giữ màu nguyên bản, cốm màu được nhuộm xanh từ màu thực vật gia truyền, cung cấp cho các đại lý, cơ sở sản xuất cốm tỉnh ngoài. Không chỉ gia đình tôi mà những người làm cốm trong làng đều mong muốn giữ nghề truyền thống, muốn hương cốm Thanh Hương bay xa, được nhiều người biết để xứng đáng với giá trị sản phẩm do người dân làm ra.
Bếp rang cốm của bà Trần Thị Mơ, thôn Thanh Hương 2 suốt 21 năm qua vẫn đỏ lửa. Từ nghề làm cốm cũng giúp bà nuôi 3 con ăn học, trưởng thành.
Bà Mơ chia sẻ: Làm nghề cốm truyền thống rất vất vả, nhiều công đoạn và mỗi công đoạn đòi hỏi phải thật tỉ mỉ, cẩn thận bảo đảm hạt cốm thành phẩm có độ dẻo, thơm, ngọt bùi. Rang thóc nếp phải được rang trên nồi gang dày, vũng lòng, lửa cháy đều, đây cũng là khâu quyết định độ ngon của cốm. Giã cốm cũng phải đều tay, đủ lực và nhịp nhàng để làm sao cho hạt cốm không bị vỡ, đủ độ dày nhưng vẫn phải dẻo, thơm. Trước đây, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công hoàn toàn, nhưng bây giờ người làm cốm cũng nhờ sự trợ giúp của máy móc cho một số công đoạn như giã cốm, sàng cốm vừa bảo tồn được phương thức làm cốm cổ truyền vừa giúp sản phẩm cốm mộc thơm ngon, năng suất cao hơn. Hiện mỗi ngày gia đình tôi làm khoảng 150kg cốm mộc. Từ làm nghề truyền thống giúp tôi có thu nhập, chăm lo cho gia đình và giữ gìn nghề của quê hương.
Người dân làng Thanh Hương giữ nghề làm cốm truyền thống.
Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh cốm Thanh Hương thành lập từ năm 2019 với 30 thành viên tham gia, mỗi năm cung cấp ra thị trường trong nước 2.000 - 3.000 tấn cốm với chất lượng sản phẩm được đánh giá sánh ngang với cốm làng Vòng (Hà Nội), cốm Tú Lệ (Yên Bái).
Ông Đỗ Xuân Thiều, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối Dân vận xã Đồng Thanh cho biết: Làng nghề truyền thống cốm Thanh Hương có hàng trăm năm tuổi, được cha truyền con nối nhiều thế hệ, hiện còn trên 30 hộ sản xuất và kinh doanh cốm thường xuyên quanh năm. Nghề làm cốm truyền thống không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương mà còn đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thu từ nghề làm cốm chiếm 30% tổng giá trị sản xuất kinh tế toàn xã. Địa phương luôn tạo điều kiện hỗ trợ cho các hộ sản xuất vay vốn để phát triển làng nghề, đặc biệt nghề cốm truyền thống Thanh Hương. Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh cốm Thanh Hương là mô hình dân vận khéo của xã hoạt động hiệu quả, liên kết các hộ làm cốm tại địa phương sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bảo tồn và giữ gìn nghề truyền thống.
Cốm Thanh Hương được sản xuất quanh năm phục vụ nhu cầu thị trường, nhưng cốm ngon nhất vào dịp tháng 7 - 10 âm lịch, cốm lúc này được làm bằng lúa mới, hạt cốm dẻo, thơm. Người dân xã Đồng Thanh làm cốm bằng niềm tự hào, đỏ lửa giữ nghề truyền thống; bằng cách làm sáng tạo, liên kết sản xuất để mang thương hiệu cốm truyền thống Thanh Hương mang hương vị đặc trưng của quê lúa Thái Bình đi khắp muôn nơi.
Hà Tuyết
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh