Thứ 4, 13/11/2024, 05:23[GMT+7]

Cần “cú hích” cho làng nghề phát triển

Thứ 4, 23/10/2024 | 08:33:05
1,626 lượt xem
Huyện Hưng Hà có hơn 200 làng có nghề với hơn 2.000 hộ dân tham gia và gần 200 doanh nghiệp trong các làng nghề. Trong đó, 53 làng nghề và 4 xã nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề, xã nghề, chiếm 26% tổng số làng nghề của huyện. Tuy nhiên, hiện nay nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một.

Làng nghề mây tre đan ở xã Chi Lăng (Hưng Hà) có nguy cơ bị mai một.

Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng 

Hưng Hà là địa phương có làng nghề truyền thống nhiều nhất tỉnh, trong đó có những làng nghề tồn tại và phát triển hàng trăm năm, sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Bên cạnh những làng nghề có sức sống bền bỉ như dệt xã Thái Phương; sản xuất hương Văn Quan, xã Duyên Hải, bánh đa làng Me, xã Tân Hòa... thì không ít làng nghề đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển. 

Nếu như trước kia, cơ sở sản xuất khăn của anh Hứa Văn Nam, thôn Thanh Nga, xã Minh Tân sản xuất hơn 7 tấn khăn, đạt doanh thu 40 triệu đồng/tháng thì hiện nay do không có đơn hàng nên chỉ sản xuất được 2 - 3 tấn khăn/ tháng. 

Anh Nam chia sẻ: Từ năm 2017, tôi đầu tư gần 500 triệu đồng mua 2 máy dệt công nghiệp. Trước đây, 2 máy hoạt động 24/24 giờ nhưng bây giờ máy chỉ hoạt động 10 - 12 giờ/ ngày nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển nghề. 

Năm 2010, xã Minh Tân (Hưng Hà) được UBND tỉnh công nhận xã nghề.

Năm 2010, xã Minh Tân được UBND tỉnh công nhận xã nghề, hàng trăm gia đình trong xã tham gia sản xuất, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động với thu nhập bình quân 3 - 4 triệu đồng/người/ tháng, sản phẩm chủ yếu là khăn tắm, khăn ăn, khăn thể thao xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và một phần tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, các cơ sở sản xuất ở đây hoạt động cầm chừng vì không có đơn hàng. 

Ông Nguyễn Thế Mẫn, Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: Nguyên nhân khiến làng nghề truyền thống dần mai một là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa đầu tư thay đổi mẫu mã để phù hợp với thị trường nên thiếu khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, nguồn lao động đang ngày càng khan hiếm do sự chuyển dịch sang các ngành nghề dịch vụ khác có thu nhập cao, ổn định. Đồng thời, các cơ sở sản xuất hoạt động xen kẽ trong khu dân cư dẫn đến ô nhiễm môi trường, nguồn nước... gây khó khăn cho phát triển làng nghề. 

Không chỉ ở Minh Tân, làng nghề mây tre đan ở các xã Văn Cẩm, Cộng Hòa, Chi Lăng... cũng đang trong tình trạng mai một. 

Ông Nguyễn Phú Trịnh, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết: Xã Chi Lăng đang duy trì và phát triển mây tre đan xuất khẩu với hàng chục hộ tham gia sản xuất. Thời gian gần đây, việc tiêu thụ sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn; cùng với đó, thu nhập từ nghề thấp nên không giữ chân được nguồn nhân lực dẫn đến nhiều hộ không còn mặn mà với nghề truyền thống. 

Là địa phương có nhiều lễ hội gắn với đền Trần, đền Tiên La, tiềm năng phát triển du lịch rất lớn song nhiều làng nghề ở Hưng Hà cũng chưa tận dụng được lợi thế này để phát triển. 

Ông Bùi Hảo Dương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Toàn huyện hiện có 20 làng nghề dệt khăn, 22 làng nghề dệt chiếu, 5 làng nghề mây tre đan, 3 làng nghề sản xuất bún, 1 làng nghề mộc, 2 làng nghề làm hương... Số làng nghề của huyện nhiều nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ; làng nghề phát triển không đồng đều, chỉ tập trung ở một số vùng, một số địa phương; huyện còn 17 xã, thị trấn chưa xây dựng được làng nghề. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất của các làng nghề là công nghệ cũ, lạc hậu dẫn đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường. Ngoài ra, phát triển ngành nghề nông thôn phần nhiều còn mang tính tự phát, phân tán, thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nhỏ, tận dụng lao động và sản xuất trong không gian gia đình là chủ yếu; nguồn kinh phí hỗ trợ để bảo tồn và phát triển làng nghề còn hạn chế dẫn đến việc chưa phát huy được hết tiềm năng vốn có. 

Tạo động lực cho làng nghề phát triển 

Nổi tiếng từ xa xưa với vẻ đẹp bóng bẩy, mượt mà, những lá chiếu của làng Hới, xã Tân Lễ hôm nay dù phải cạnh tranh khốc liệt trên thị trường song vẫn đứng vững và phát triển. Nghề dệt chiếu ở Tân Lễ không những tạo nên nét đẹp văn hóa cho vùng đất cổ mà còn duy trì và tạo động lực phát triển cho các làng nghề khác. 

Để duy trì và phát triển nghề truyền thống, ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Hải Triều Xuân, xã Tân Lễ đã đầu tư 90 máy dệt, tạo việc làm cho hơn 200 lao động. Hiện xưởng của ông sản xuất 5.000 lá chiếu/ngày, doanh thu đạt gần 80 tỷ đồng/ năm. 

Ông Sơn cho biết: Khi chuyển sang dùng máy dệt chiếu năng suất cao hơn, thu nhập của người thợ cũng tăng lên nhưng vẫn bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật truyền thống. Thời điểm vàng xuất bán hàng thường là tết Nguyên đán, có những năm xưởng không còn hàng để bán. 

Làng nghề dệt chiếu xã Tân Lễ hiện có 29 hộ làm nghề, trong đó có 8 cơ sở dệt chiếu nilon với 310 máy, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động trong và ngoài xã. Tổng thu nhập từ nghề ước đạt gần 600 tỷ đồng/ năm, thu nhập bình quân đầu người từ 72 - 96 triệu đồng/ năm. Từ phát triển nghề dệt chiếu truyền thống đã nâng cao thu nhập cho người dân; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9%/ năm. 

Ông Hoàng Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Tân Lễ cho biết: Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường; tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi, học tập kinh nghiệm phát triển làng nghề, phát triển làng nghề gắn với du lịch trải nghiệm; nâng cao năng lực sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề; chú trọng đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề; khuyến khích chủ thể sản xuất tại các làng nghề tích cực tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và phát triển sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu chiếu Tân Lễ ngày một vươn xa. 

Năm 2024, huyện Hưng Hà phấn đấu xây dựng 1 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận; tổ chức phân hạng, đánh giá và công nhận 20 sản phẩm OCOP, trong đó có ít nhất 50% sản phẩm của các làng nghề; phát triển 1 làng nghề gắn với du lịch; thu nhập bình quân của người lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; giá trị sản xuất bình quân của các làng nghề chiếm khoảng 10%/năm. Để tháo gỡ khó khăn và thực hiện mục tiêu này, huyện đã và đang chú trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND, ngày 15/3/2024 về thực hiện chương trình phát triển làng nghề năm 2024 trên địa bàn huyện, trong đó chú trọng rà soát, sắp xếp lại các làng nghề phù hợp với quy hoạch của huyện; quan tâm quy hoạch quỹ đất dành cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển du lịch, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới; có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hiệu quả tiếp cận thị trường, nguồn vốn, mua sắm máy móc, áp dụng công nghệ để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng quy mô sản xuất; xây dựng các chương trình hỗ trợ người dân khởi nghiệp trong sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn; hình thành hệ thống các doanh nghiệp lớn đầu tư vào ngành nghề nông thôn đóng vai trò hạt nhân tạo liên kết chuỗi giá trị và định hướng phát triển thị trường tiêu thụ... 

Làng nghề truyền thống giữ vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương. Cùng sự nỗ lực vươn lên của mỗi làng nghề rất cần sự chung tay hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương trong xây dựng các cơ chế khôi phục, bảo tồn đối với các làng nghề, tạo “cú hích” cho làng nghề phát triển.

 Nhờ kỹ thuật dệt chiếu truyền thống và máy móc hiện đại giúp làng nghề bảo lưu được nghề truyền thống.

Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày