Thứ 7, 23/11/2024, 05:34[GMT+7]

Những người đưa nghề về quê

Thứ 3, 29/10/2024 | 22:01:48
2,464 lượt xem
Với mong muốn phát triển kinh tế ngay tại quê hương, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, nhiều cá nhân ở huyện Đông Hưng đã mạnh dạn đưa nghề về quê. Lựa chọn đúng nghề, truyền lửa đúng cách, họ đã phát triển được nghề, đem đến nguồn thu nhập chính cho gia đình.

Công ty TNHH Mỹ nghệ Phương Đông của anh Phạm Hữu Khoan (người bên trái) sản xuất 50.000 sản phẩm mây tre đan/tháng

Video: 301024-PSU_MANH_DAN_DUA_NGHE_VE_QUE.mp4?_t=1730287439

 

Doanh thu 15 - 20 tỷ đồng/năm từ nghề mây tre đan 

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội, anh Phạm Hữu Khoan, xã Đông Phương nhiều năm bôn ba kiếm sống tại các thành phố lớn song cả công việc, thu nhập đều không ổn định. Thấy quê vợ ở Chương Mỹ (Hà Nội) có nghề mây tre đan truyền thống phát triển mà ở Đông Phương người dân sau mùa vụ không có việc làm, anh Khoan đã quyết định đưa nghề mây tre đan về quê để lập nghiệp. Từ cơ sở sản xuất nhỏ với vài công nhân, anh Khoan đã thành lập Công ty TNHH Mỹ nghệ Phương Đông sản xuất hàng trăm sản phẩm khác nhau với các nguyên liệu thân thiện môi trường, như cói, bèo tây, mây, tre, giấy... tạo việc làm cho 40 lao động tại xưởng và 4.000 lao động vệ tinh. 

Anh Khoan cho biết: Mỗi tháng Công ty xuất 50.000 sản phẩm, đạt doanh thu 15 - 20 tỷ đồng/ năm. Sản phẩm chủ yếu xuất đi các nước châu Âu, Mỹ, Trung Quốc... Công ty đã đầu tư trên 2 tỷ đồng mua máy sấy, máy cắt, máy dập để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời tìm nguồn nguyên liệu mới nhằm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh; đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường tiêu thụ. Công ty cũng đang có kế hoạch mở rộng nhà xưởng, sản xuất một số mặt hàng mới để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. 

Bà Phạm Thị Khánh, xã Đông Phương chia sẻ: Trước đây cứ sau mùa vụ là tôi ở nhà chơi, khi anh Khoan đưa nghề về quê tôi được nhận vào làm mừng lắm. Công việc nhẹ nhàng, phù hợp lứa tuổi, thu nhập 4 - 5 triệu đồng/tháng. Tối tôi còn nhận hàng về nhà cho con cháu tranh thủ đan để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. 

Không chỉ đưa sản phẩm mỹ nghệ độc đáo được làm từ những đôi bàn tay khéo léo của những người thợ cần mẫn sang trời tây, anh Khoan còn góp phần làm sống dậy làng nghề thủ công truyền thống đã mai một của xã Đông Phương. 

Sản xuất mành, rèm từ trúc

Dù mạnh dạn tích tụ ruộng cấy hàng mẫu ruộng song thu nhập của gia đình anh Phạm Duy Hội, xã Đông Cường vẫn bếp bênh vì sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khó làm giàu. Sau một thời gian tìm hiểu, anh thấy sản phẩm mành, rèm cửa từ trúc ngày càng được đón nhận trên thị trường, anh tranh thủ đi học, đầu tư máy móc, phát triển nghề phụ này tại nhà. 

Anh Hội cho biết: Tôi đầu tư trên 100 triệu đồng mua máy móc, nhập nguyên liệu về sản xuất mành, rèm cửa. Đến nay, tôi mở rộng xưởng lên trên 200m2, mỗi lần nhập trên 1 tỷ đồng tiền nguyên liệu, sản xuất khoảng 6.000m2 mành, rèm cửa/ tháng, tiêu thụ ở các tỉnh, thành miền Nam và miền Bắc. Để làm ra một sản phẩm rất cầu kỳ, mất nhiều thời gian, phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, chẻ, bổ, vót, sấy, đan sản phẩm theo kích thước, mẫu mã khác nhau... do đó đòi hỏi người làm phải kiên trì, bền bỉ. 

Anh Phạm Duy Hội, xã Đông Cường đưa nghề sản xuất mành, rèm cửa về địa phương.

Hiện nay xưởng của anh Hội đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động trực tiếp với thu nhập 3 - 4 triệu đồng/ người/tháng và hàng chục lao động địa phương nhận nguyên liệu về nhà đan. Anh Hội mong cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện về vốn, mặt bằng cho anh phát triển nghề, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. 

Bà Phạm Thị Lý, xã Đông Cường cho biết: Năm nay tôi 75 tuổi, đan mành, rèm cho anh Hội đã 6 năm. Khung để đan do anh Hội đầu tư, tôi nhận nguyên liệu về làm thành sản phẩm. Việc dễ, nhẹ nhàng, làm tranh thủ nhưng hàng tháng vẫn có thu nhập 1,5 - 2 triệu đồng. 

Làm giàu từ nghề in, gấp túi 

Ngày nắng cũng như ngày mưa, bà Trần Thị Hiên, xã Phú Châu đều đến cơ sở sản xuất Đồng Tâm gần nhà để gấp túi. Bà Hiên cho biết: Tôi làm từ khi cơ sở đi vào hoạt động tới nay đã 4 năm. Tuổi tôi không đi làm được ở công ty, không làm được việc nặng, công việc gấp túi này là phù hợp. Ban ngày tôi làm tại cơ sở, tối tôi lấy hàng về nhà tranh thủ làm, cũng có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. 

Bà Phạm Thị Duyên, chủ cơ sở sản xuất Đồng Tâm cũng là người đã có tuổi nhưng với bà còn sức khỏe là còn làm việc, do đó cách đây 4 năm bà đã mạnh dạn mở cơ sở in các loại túi, cốc và gấp túi. 

Bà Duyên chia sẻ: Có mối quen giới thiệu lại được cấp ủy, chính quyền xã tạo điều kiện, tôi đã cùng chồng con đầu tư máy móc, nhận sản phẩm ở các nơi về in và gấp. Hiện cơ sở có 15 lao động, người nào đứng máy lương 7 triệu đồng/tháng, người nào làm công đoạn gấp túi, phơi, sấy túi thì khoảng 3 triệu đồng/tháng; có trên 10 người nhận túi về nhà gấp. Gấp túi rất dễ, các bà, các chị chỉ cần học một lúc là làm được. Thu nhập từ nghề chưa cao, mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng nhưng bà Duyên thấy vui vì cơ sở lúc nào cũng nhộn nhịp, vì mình tuổi cao song vẫn sống có ích cho gia đình và xã hội. 

Bà Phạm Thị Duyên (người đầu tiên bên trái) - chủ cơ sở sản xuất Đồng Tâm, xã Phú Châu có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ nghề in, gấp túi.

May túi tự hủy thân thiện với môi trường 

Dám nghĩ, dám làm, chị Phạm Thị Hợi, xã Phú Châu đã khởi nghiệp thành công từ nghề may túi xuất khẩu. Chị cho biết: Cách đây 6 năm, có người đến đặt vấn đề mở cơ sở may gia công túi cho họ, đây là cơ hội tốt để phát triển kinh tế gia đình, cũng là góp phần bảo vệ môi trường vì túi làm bằng nhựa tự hủy, tôi đã bàn với chồng vay vốn đầu tư mua máy may nhận việc về làm. Ban đầu chỉ có 1 công ty đặt hàng nay nhờ trả hàng đúng hẹn, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu đã có thêm một số công ty khác đặt may gia công cho họ. Với 10 lao động, mỗi tháng cơ sở của chị sản xuất được 30.000 túi theo mẫu với đủ kích thước. 

Nghề may túi xuất khẩu của chị Phạm Thị Hợi, xã Phú Châu giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương. 

Trên địa bàn huyện Đông Hưng hiện đang duy trì, phát triển 8 làng nghề và rất nhiều nghề truyền thống, nghề mới được du nhập, trong đó có gần 100 cơ sở sản xuất, kinh doanh lớn. Giá trị sản xuất từ nghề, làng nghề mang lại lớn, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông nhàn, góp phần thay đổi diện mạo các làng quê, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. 

Thu Hiền 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày