Thứ 2, 18/11/2024, 01:19[GMT+7]

Chiếu cói Quỳnh Phụ Trên đường xây dựng nhãn hiệu tập thể

Thứ 2, 30/06/2014 | 09:19:14
1,311 lượt xem
Nghề trồng cói và dệt chiếu cói ở Quỳnh Phụ ra đời khoảng những năm 60 nhưng phát triển mạnh vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Người dân nơi đây rất say mê và gắn bó với nghề, các sản phẩm làm từ cói bền và đẹp được người dân khắp nơi ưa chuộng. Nghề dệt chiếu cói Quỳnh Phụ đang trở thành nghề có thu nhập ổn định và bền vững, thu hút lực lượng lớn lao động ở địa phương.

Dệt chiếu bằng máy tại Cơ sở Dệt chiếu cói Xuân Hòa, xã An Vũ (Quỳnh Phụ).

 

Mặc dù có truyền thống và lịch sử phát triển lâu đời cũng như có tiềm năng phát triển kinh tế mạnh nhưng hiện nay giá bán sản phẩm chiếu cói chưa tương xứng với giá trị của sản phẩm. Thực tế cho thấy giá bán một sản phẩm chiếu cói tại huyện chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với giá bán những sản phẩm này tại các cửa hàng chiếu cói khác trong nước. Việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm làm từ cói hiện nay chưa được diễn ra một cách bài bản và khoa học, sản phẩm đưa ra thị trường chưa được quan tâm và kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm từ cói của các địa phương khác đều mượn danh “Cói Quỳnh Phụ” để bán hàng do đó làm ảnh hưởng đến uy tín và lợi ích của người trồng, kinh doanh cói và sản xuất chiếu cói huyện Quỳnh Phụ. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là thiết lập và vận hành mô hình bảo hộ và quản lý thương hiệu Cói Quỳnh Phụ  một cách đồng bộ, khoa học và hiệu quả.

 

Nhằm góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ tài sản trí tuệ kết tinh vào sản phẩm, bảo vệ thương hiệu sản phẩm, rộng mở lối ra cho sản phẩm trong thời kỳ hội nhập phát triển, năm 2013 Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ Quỳnh Phụ thực hiện Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Cói Quỳnh Phụ” dùng cho các sản phẩm cói nguyên liệu và các sản phẩm làm từ cói của huyện. Dự án đã thu hút sự quan tâm đặc biệt và đáp ứng lòng mong mỏi của người dân làm nghề cói.

 

Mục tiêu của Dự án là nâng cao uy tín, thương hiệu của làng nghề cói Quỳnh Phụ, tạo sức mạnh tập trung, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, chống lại các hành vi xâm phạm, từng bước xây dựng và vinh danh thương hiệu “Cói Quỳnh Phụ” giúp người tiêu dùng sử dụng đúng sản phẩm, bảo đảm nguồn gốc và chất lượng đặc trưng của sản phẩm, bảo đảm đời sống cho người sản xuất và giữ gìn nghề truyền thống của huyện.

 

Tháng 4/2014, Dự án bắt đầu được triển khai. Sau gần 2 tháng thực hiện, Dự án đã tổ chức xong các lớp tập huấn nâng cao nhận thức và NHTT và kiến thức về sở hữu trí tuệ, quy trình, quy chế phát triển thị trường cho các hội viên, các hộ sản xuất; hoàn thiện quy chế sử dụng tem nhãn và tổ chức hội thảo xin ý kiến hoàn thiện Logo và hệ thống nhận diện thương hiệu. Ðến nay đã hoàn chỉnh thiết kế Logo cho NHTT và đăng ký Logo bản quyền với Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ để bảo hộ độc quyền NHTT cho sản phẩm Cói Quỳnh Phụ. Ðồng thời, để giúp nghề chiếu cói có điều kiện quảng bá sâu rộng hơn nữa sản phẩm ra các thị trường trong nước, quốc tế, kết hợp xúc tiến hoạt động giao thương, hoạt động mua bán sản phẩm làng nghề qua mạng Internet, Dự án đã xây dựng cho làng nghề một website động có đủ tính năng đáp ứng các nhu cầu trên.

 

Trao đổi về dự án xây dựng NHTT cho làng nghề, ông  Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch Hội Chiếu cói Quỳnh Phụ cho biết: “Xây dựng NHTT cho sản phẩm Cói Quỳnh Phụ sẽ đáp ứng được niềm mong mỏi của người dân trong việc quảng bá thương hiệu, để người dân trong và ngoài nước biết đến, mở rộng sản xuất góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân làng nghề. Ðồng thời là động lực để người dân ở các xã có nghề làm chiếu cói yên tâm, phấn khởi trong việc phát huy và giữ vững bản sắc của làng nghề”.

Nguyễn Cường

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày