Thứ 3, 19/11/2024, 07:37[GMT+7]

Quỳnh Phụ Nỗ lực đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ 2, 04/05/2015 | 14:59:48
1,239 lượt xem
Với mong muốn giúp lao động nông thôn có một nghề để tạo lập cuộc sống, những năm qua, Trung tâm Dạy nghề huyện Quỳnh Phụ không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành cho học viên, mở rộng ngành nghề đào tạo, qua đó góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người.

Dạy nghề may cho lao động nông thôn tại xã An Hiệp (Quỳnh Phụ).

 

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, 5 năm qua (2010 - 2014), Trung tâm Dạy nghề huyện Quỳnh Phụ đã tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, dạy nghề, hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn. Trên cơ sở kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia và kinh phí huyện hỗ trợ, hàng năm Trung tâm tổ chức điều tra nhu cầu học nghề của lao động trên địa bàn huyện, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo cụ thể. Việc tuyển sinh được giao cho các xã, Trung tâm cử cán bộ xuống quản lý và dạy nghề tại địa phương. Năm 2014 Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã tổ chức 26 lớp dạy nghề cho 835 học viên, trong đó có 15 lớp dạy nghề ngắn hạn, tập trung vào một số ngành nghề như kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, may công nghiệp, tin học văn phòng, sinh vật cảnh, hàn, sơn tĩnh điện và vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp. Trung tâm cũng liên kết với một số trường và trung tâm trong tỉnh để mở lớp dạy nghề lái xe ô tô và mô tô. Học viên sau khi học lý thuyết sẽ được đào tạo mở rộng bằng cách kết hợp với nhiều mô hình thực tế. Nhờ đó, chất lượng đào tạo được bảo đảm, học viên sau khi tốt nghiệp có thể tìm được việc làm phù hợp, nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. 

 

Vài năm trước đây, gia đình anh Mai Đức Sơn ở thôn Sài, xã An Quý đầu tư máy cày để phục vụ sản xuất cho bà con trong xã. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, máy móc hay bị hỏng, anh phải tìm thợ đến sửa chữa mất nhiều thời gian, kinh phí. Khi Trung tâm Dạy nghề huyện mở lớp vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp tại xã, anh đã đăng ký tham gia. Anh Sơn cho biết: Trong thời gian 3 tháng, tôi được học lý thuyết và thực hành sửa chữa máy nông nghiệp; sau khi học xong tôi đã có thể tự sửa chữa máy của gia đình và một số hộ trong xã.

 

Không chỉ trực tiếp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm Dạy nghề huyện Quỳnh Phụ còn liên kết với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh tìm việc làm cho học viên sau khi học xong. Bình quân mỗi năm Trung tâm giới thiệu cho 200 người vào làm tại các doanh nghiệp, qua đó tạo động lực cho học viên trong quá trình học nghề. Song song với công tác dạy nghề, việc đánh giá chất lượng tay nghề của học viên cũng được Trung tâm chú trọng. Cùng với Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án của huyện, UBND các xã, thị trấn cũng thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1956 để tổ chức kiểm tra việc dạy nghề và học tập của học viên. Đến nay, hầu hết các xã, thị trấn đều được Trung tâm mở các lớp dạy nghề. Học viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ổn định.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Quỳnh Phụ vẫn còn những hạn chế nhất định: cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ phục vụ dạy nghề chưa đồng bộ, chưa có đủ phòng học theo các chuyên ngành đào tạo; đội ngũ cán bộ, giáo viên số lượng còn ít, trình độ, tay nghề, nghiệp vụ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của xã hội về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm; nhận thức của một bộ phận người lao động và xã hội về học nghề chưa đúng mức, còn xem nhẹ việc học nghề - nhất là học nghề ngắn hạn.

 

Thời gian tới, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy nghề, Trung tâm sẽ tiếp tục đánh giá các ngành nghề phù hợp, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp để lo “đầu ra” cho người lao động. Tăng cường kiểm tra, rà soát kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho công tác dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của lao động trong tỉnh, góp phần đắc lực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Nguyễn Cường

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày