Thứ 7, 16/11/2024, 00:51[GMT+7]

Làng đúc đỏ lửa đón xuân

Thứ 6, 29/01/2016 | 09:55:58
6,977 lượt xem
Vũ Hội là xã đa nghề của huyện Vũ Thư với nhiều ngành nghề sản xuất bún, bánh, miến, đúc nhôm, mộc, thu mua phế liệu. Trong đó, nghề đúc nhôm nơi đây đã từng nức tiếng một thời với các sản phẩm xoong, nồi, mâm, chảo… Ngày nay, dẫu nhiều nơi, nghề này đã dần mai một nhưng những lò đúc của các làng nghề Vũ Hội vẫn đêm ngày đỏ lửa, mang theo hơi ấm sức xuân đổi thay vùng quê ven thị.

Áp dụng máy móc để nâng cao năng suất lao động.

 

Ông Bùi Văn Nham, hơn 80 tuổi, thợ đúc nhôm kỳ cựu của làng đúc Hiếu Thiện (Vũ Hội) chia sẻ, người trong làng cũng không biết nghề đúc ra đời ở Vũ Hội tự bao giờ, chỉ biết từ thời cha, ông của ông đã có nghề. Từ những đồ nhôm phế liệu, người ta có thể đúc được những cái nồi, niêu, xoong, chảo, ấm, chậu mới tinh mà lại rất bền. Thời thịnh vượng của nghề, làng ông có hàng chục lò đúc, các công đoạn đúc nhôm đều thực hiện thủ công, thể hiện bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ…

 

Ngày ấy, nhôm chưa sẵn như bây giờ nhưng nhờ ky cóp, chịu khó, người làng nghề vẫn thu gom được nguyên liệu từ khắp nơi về làm. Phế liệu nhôm được vệ sinh, cho vào lò nấu ở nhiệt độ khoảng 8000C để nhôm nóng chảy. Trong quá trình nấu nhôm, thợ đúc phải trực thường xuyên bên lò nấu, hớt bỏ váng bẩn để nhôm trắng, mịn, không lên màu vẩn đục. Cùng với nấu nhôm, thợ đúc phải tạo khuôn bằng cát thật cẩn thận để khi đổ nhôm vào sản phẩm đẹp, không bị lỗi. Ngoài phương pháp đổ trực tiếp vào khuôn thành sản phẩm, thợ làng kiên trì dùng búa tán các miếng nhôm đúc sẵn thành các miếng nhôm mỏng rồi gò thành xoong, nồi… Các chi tiết quai xoong, nắp ấm cũng được làm tỷ mỷ, gò bằng tay rồi đánh bóng cho đẹp, vì vậy mà một ngày thợ giỏi cũng chỉ làm được vài ba tới chục chiếc xoong, nồi, ấm, chảo...

 

Những ngày có việc, thợ đúc Vũ Hội ở nhà làm nghề. Thời điểm ít việc, các hộ đi đúc xoong, nồi ở khắp nơi trong tỉnh, có khi ra cả tỉnh ngoài. Mỗi lần đi làm xa, thợ đúc đều phải mang đầy đủ đồ nghề như cát, khuôn, nhôm, lò đốt, than… Mỗi lần đến một làng nào đó đổ nồi thường phải mất cả ngày, có khi ở nhờ nhà dân vài ba ngày, đổ hết xoong, nồi theo nhu cầu của bà con trong làng mới chuyển đi nơi khác. Để đổ một niêu nhỏ dùng để kho cá phải cần từ 1 - 1,2kg nhôm, còn một chiếc nồi nhôm to thì cần đến 10kg nhôm, đổ trong vòng vài tiếng mới xong. Thời đó chưa có nhiều nồi inox như hiện nay nên người dân còn chuộng nồi nhôm, nồi gang. Hầu như nhà ai cũng tích nhôm phế liệu để khi có thợ đúc về là mang ra đổ nồi. Thời điểm nhiều việc cho thợ đúc nhất là từ tháng 9 âm lịch đến tết Nguyên đán. Nhờ chăm chỉ, cần mẫn, những người thợ đúc ngày ấy đều có “bát ăn bát để”.

 

 

Các sản phẩm đúc nhôm của Vũ Hội có mặt ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, để đáp ứng nhu cầu thị trường và có thể sống được bằng nghề, những hộ đúc nhôm ở Vũ Hội nhanh nhạy đầu tư máy móc, thiết bị, từng bước giảm sức lao động và mở rộng sản xuất. Nghề đúc nơi đây phát triển từ diện rộng sang chiều sâu theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Đến nay, cả xã chỉ còn 5 lò đúc nhưng hàng năm vẫn đúc khoảng 400 - 500 tấn nhôm, sản xuất ra hàng triệu sản phẩm cung cấp cho thị trường, gấp nhiều lần so với trước kia. Số lao động trực tiếp tham gia nghề đúc giảm nhưng lại tạo điều kiện giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương tham gia các khâu gián tiếp như thu mua phế liệu, kinh doanh, bán lẻ các sản phẩm nghề đúc. Người làng nghề cũng nhạy bén tìm hiểu, thay đổi mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đến nay, sản phẩm nhôm đúc Vũ Hội đã có mặt ở các thị trường trong nước.

 

Tới thăm một trong số cơ sở đúc hiện có quy mô lớn nhất xã của gia đình anh Ngô Văn Thao, chị Phạm Thị Phương ở thôn Mỹ Am, xã Vũ Hội, không khí sản xuất càng trở nên tất bật để kịp những chuyến hàng phục vụ thị trường dịp tết. Những người thợ thoăn thoắt với phần việc của mình, tiếng máy móc chạy ầm ầm, xoong, nồi va vào nhau loảng xoảng… Chỉ tay về phía lò nấu nhôm đỏ rực lửa, ông Vũ Ngọc Biên, một thợ đúc chia sẻ: Nhiệt độ lò luôn từ 800 - 1.0000C, mặc dù trời rét nhưng thợ nấu nhôm vẫn toát hết mồ hôi, phải dùng quạt. Thế nhưng ông Biên cũng đã gắn bó hơn 20 năm với nghề đúc nhôm. Ngày nay, máy móc đã từng bước thay thế sức lao động nên thợ đúc đỡ vất vả hơn so với trước kia. Tuy nhiên, so với các nghề khác thì nghề đúc vẫn là nghề nặng nhọc, có phần độc hại vì thường xuyên hít thở hơi nhôm, đòi hỏi người làm nghề vừa phải có sức khỏe lại vừa phải kiên trì, khéo léo. Vất vả là thế nhưng do yêu nghề, muốn giữ gìn nghề truyền thống của ông cha cho các thế hệ mai sau nên ông Biên không bỏ mà vẫn gắn bó với nghề… Chị Phạm Thị Phương, chủ cơ sở sản xuất cho biết: Gia đình chị đã đầu tư thiết bị, máy móc ở hầu hết các khâu sản xuất như máy cán, máy phụt, máy ép thủy lực…, nhờ đó giảm nhân lực, tăng năng suất lao động. Mỗi năm, gia đình chị đúc khoảng 200 tấn nhôm, mỗi ngày sản xuất hàng nghìn sản phẩm. Hiện gia đình chị đang tạo việc làm cho hơn 10 lao động trực tiếp và thu hút hàng trăm lao động gián tiếp, bình quân thu nhập hàng tháng đạt 3 - 4 triệu đồng/người. Trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình chị thu lãi hơn 300 triệu đồng từ nghề đúc, sản xuất đồ nhôm.

 

Ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Hội cho biết: Năm 2015, nghề đúc nhôm cùng với các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã mang lại cho xã giá trị sản xuất 54,7 tỷ đồng, chiếm 44,7% cơ cấu kinh tế, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương từ 8,78% năm 2010 xuống còn 2,56% năm 2015. Để duy trì, phát triển nghề đúc, xã đã quy hoạch cụm tiểu thủ công nghiệp diện tích 8,3ha, tạo điều kiện để các hộ làm nghề đúc và các nghề truyền thống khác mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời sẽ tạo điều kiện về thủ tục, khuyến khích, vận động các hộ duy trì, phát triển nghề đúc nhôm truyền thống.

 

Cuộc đời dẫu lắm thăng trầm, bể dâu nhưng những lò đúc ở Vũ Hội vẫn đêm ngày đỏ lửa như tình yêu, khát vọng trong con tim mỗi người thợ. Họ đã thổi hồn, tái sinh những sản phẩm để rồi những chiếc xoong, chảo... nhỏ bé ấy âm thầm góp sức làm đổi thay vùng quê ven thị.

 

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày