“Giữ lửa” nghề chạm bạc
Phát triển từ nghề truyền thống
Trở về từ quận Thanh Trì, thành phố Hà Nội cùng gia đình và cả những người bạn chưa một lần về thăm quê lúa, bà Triệu Thị Thanh Mai hào hứng chia sẻ: Nhờ nghề chạm bạc của quê hương Hồng Thái (Kiến Xương) mà các con, các cháu của bà nay đều có cuộc sống sung túc, đủ đầy nơi đất khách, quê người. Bởi vậy mà cứ đến dịp lễ hội truyền thống, bà Mai cùng các con lại về tế tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu và đem sản phẩm bày cáo yết tổ nghề. Xa quê hương mang theo cả nghề chạm bạc truyền thống, tình yêu với tiếng đục, tiếng hàn, với những hoa văn tinh xảo được chạm khắc từ đôi bàn tay khéo léo vẫn luôn được trao truyền qua bao thế hệ của những người con quê hương Đồng Xâm, để rồi nhiều sản phẩm của làng chạm bạc đã trở nên nổi danh với mọi miền Tổ quốc và được xuất đi nhiều quốc gia trên thế giới.
Cả cuộc đời gắn bó với nghề chạm bạc, đến nay đã ngoài tuổi 80 nhưng nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Ngoan, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đồng Xâm vẫn luôn đau đáu với việc gìn giữ, phát huy, cùng với đó là trao truyền đến thế hệ trẻ tình yêu, niềm tự hào với nghề truyền thống. Mỗi dịp lễ hội Đồng Xâm, dù tuổi đã cao, cùng các con cháu của làng nghề, ông vẫn nhiệt tình giới thiệu với du khách thập phương về quá trình chế tác, nét độc đáo và ý nghĩa nhiều sản phẩm được chạm khắc tỉ mỉ, ẩn chứa tình yêu, bao tâm huyết của nghệ nhân quê hương mình.
Ông Ngoan tâm sự: Dù nền kinh tế thị trường cạnh tranh khắc nghiệt nhưng đến nay trải qua bao thăng trầm, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm có hơn 150 cơ sở sản xuất với trên 2.500 lao động thủ công chạm bạc, đồng tại địa phương và 900 lao động ngoài xã. Nhờ nghề chạm bạc mà hiện nay, số hộ nghèo của xã Hồng Thái chỉ còn dưới 2%.
Dù không phát triển mạnh như thời kỳ hoàng kim của nghề chạm bạc Đồng Xâm là những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhưng tới nay, nghề chạm bạc vẫn là niềm tự hào, được những người dân quê hương Hồng Thái và nhiều xã lân cận gìn giữ, phát huy. Doanh thu từ hoạt động làng nghề ngày càng tăng. Điều đặc biệt, cả nước chỉ có 20 nghệ nhân ưu tú cấp Nhà nước thì riêng làng nghề chạm bạc Đồng Xâm có 2 nghệ nhân.
Gìn giữ nét văn hóa dân gian
Đến nay, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đã trải qua quãng thời gian hình thành và phát triển gần 600 năm. Người làng Đồng Xâm còn lưu giữ nhiều sản phẩm thể hiện tài năng, trí tuệ và sự khéo léo của những người thợ lớp trước như: bộ lưu đỉnh bằng bạc, tranh xuân hạ thu đông, tranh tứ bình, tứ quý... Xưa nay, thợ làng nghề Đồng Xâm vẫn luôn được đánh giá khéo tay, sản phẩm làm ra có dáng thanh thoát, chạm trổ tinh xảo, đường ve nét chuốt chuẩn mực đến từng chi tiết nhỏ.
Về làng nghề Đồng Xâm vào bất cứ dịp nào trong năm, du khách cũng dễ dàng được theo dõi quá trình kỳ công làm nên sản phẩm bởi những người thợ vẫn ngày ngày cần cù, tỉ mỉ chạm, khắc từng hoa văn trang trí bằng những công cụ thô sơ như dùi, đinh, búa… Để làm nên một sản phẩm chạm đồng, chạm bạc thì công đoạn chạm đòi hỏi sự tập trung, khéo léo và dành nhiều thời gian nhất, bởi chỉ cần sai sót một chi tiết nhỏ là sản phẩm coi như đã bỏ đi hoặc phải làm lại từ đầu. Các sản phẩm của Đồng Xâm ngày nay xoay quanh chất liệu đồng rồi mạ bạc sáng ưa nhìn và giá cả phải chăng. Không chỉ vậy, nhiều sản phẩm được làm bằng gốm, sứ, thủy tinh,... và chỉ sử dụng đồng, bạc làm họa tiết trang trí, tạo nên điểm nhấn.
Sản phẩm chạm đồng, chạm bạc luôn thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ Đồng Xâm.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn luôn tồn tại những khó khăn cho làng nghề đã hình thành và phát triển từ 600 năm qua. Do làng nghề Đồng Xâm hoạt động trong khu dân cư nên cuộc sống của người dân không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm. Đầu ra cho sản phẩm của làng nghề cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở sản xuất phải bán sản phẩm cho thương lái khiến cho giá bị đội lên cao gấp 2, gấp 3 lần khi đến được tay người tiêu dùng. Điều khiến nhiều nghệ nhân trăn trở, đó là con cháu trong làng nghề chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình mà ít chú trọng xây dựng kinh tế tập thể, việc tạo dựng, bảo tồn thương hiệu, uy tín làng nghề chưa được quan tâm, phát triển đúng mức. Ngoài ra, không kể đến, đó là việc thiếu nguồn vốn cho sản xuất, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, việc đào tạo nghề cần được thực hiện đồng bộ hơn,…
Bởi vậy, về hướng phát triển của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, ông Nguyễn Thế Hoan, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái chia sẻ: Trong thời gian tới, hình thành vùng sản xuất tập trung tránh xa khu dân cư là điều vô cùng cần thiết, sẽ giải quyết những khó khăn của làng nghề và các nghệ nhân cũng hy vọng rằng hướng đi mới sẽ góp phần khẳng định chất lượng sản phẩm, uy tín làng nghề đã gìn giữ và phát triển hàng trăm năm qua.
Anh Tú
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ngoan, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Đồng Xâm Bà Tạ Thị Tươi, cơ sở sản xuất Tạ Thái Úy, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương Lễ hội năm nay, được cùng các nghệ nhân của làng nghề giới thiệu với du khách thập phương về quá trình chế tác, nét độc đáo và ý nghĩa nhiều sản phẩm được chạm khắc tỉ mỉ của chính quê hương mình, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự, tự hào. Thế hệ chúng tôi sinh ra, lớn lên và trưởng thành cùng với sự phát triển của làng nghề, cả cuộc đời gắn bó với nghề chạm bạc chỉ mong muốn nghề truyền thống của quê hương ngày càng phát triển, ngày càng đến được với nhiều người tiêu dùng không chỉ trên mọi miền Tổ quốc mà còn sang cả các nước khác. Bà Hoàng Thị Dừa, quận Thanh Trì, thành phố Hà Nội Thường sử dụng sản phẩm của làng nghề Đồng Xâm nhưng dịp lễ hội năm nay là lần đầu tiên tôi đến đây cùng những người con quê hương Hồng Thái hiện đang sinh sống và kinh doanh sản phẩm chạm bạc, đồng tại thành phố Hà Nội. Trong các ngày lễ hội, ngoài việc được xem bơi chải rất đông vui, tấp nập, đúng với phong tục cổ truyền, tôi còn được tham quan nhiều cơ sở sản xuất và hiểu được quá trình làm nên một sản phẩm qua những công đoạn vô cùng kỳ công. |
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026