Thêm vị ngọt cho ngày xuân
Từ đặc sản tiến vua
Các cụ cao niên ở làng Nguyễn kể rằng, món bánh cáy khởi nguyên chỉ được dâng vua và chỉ được ăn vào dịp tết Nguyên đán vì là món bánh dân dã nhưng độc, lạ do bà Nguyễn Thị Tần, con gái thứ Phúc Đình hầu Lê quê ở làng Nguyễn, tổng Cổ Cốc, phủ Tiên Hưng (nay là xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng) làm ra.
Bà Nguyễn Thị Tần (sinh năm 1725), năm 16 tuổi bà theo phụ thân vào kinh, thấy bà đàn ngọt, hát hay, công, dung, ngôn, hạnh nên vua giao cho dạy bảo công chúa, phi tần và phong làm Huấn thị lễ nghi, sau đó phong làm nhũ mẫu cho thái tử Lê Duy Vĩ. Khi thái tử Vĩ bị hàm oan bắt hạ ngục, chỉ có bà mới được vào thăm nom. Thấy cơm ngục không thể nuốt trôi, từ kinh nghiệm làm chè lam bà kết hợp với các nguyên liệu sẵn có do những người nông dân một nắng hai sương làm ra để làm thành một loại bánh nhiều màu sắc, dẻo thơm, ngọt bùi dâng thái tử. Thái tử ăn khen ngon, đặt tên là bánh ngũ vị. Từ đó bà thường xuyên làm bánh ngũ vị để dâng thái tử. Chuyện dùng bánh nuôi thái tử bại lộ, bà bị bắt giam hơn chục năm, đến năm 1782 mới được ra khỏi ngục. Khi con trai của thái tử Vĩ lên ngôi vua, nhớ công lao to lớn của bà với cha mình đã phong bà làm “Kiệt tiết công thần Bảo mẫu đại vương”. Đất nước rơi vào cảnh loạn lạc, bà xin về quê. Tại đây, bà đã truyền dạy cho dân làng kỹ thuật làm nem công, chả phượng, làm bánh ngũ vị.
Từ những nguyên liệu đồng quê như nếp cái hoa vàng, ruột gấc hoặc quả dành dành, gừng tươi, đường mật, bột thảo quả…, những con người tài hoa của Nguyên Xá vừa học vừa nghiên cứu cải tiến mẫu mã, không ngừng nâng chất lượng của bánh ngũ vị để tạo ra một sản phẩm nổi tiếng, gọi là bánh cáy. Dù ngon, lạ nhưng thời đó bánh cáy làng Nguyễn chỉ được làm vào dịp tết Nguyên đán với số lượng rất ít để dâng vua, dâng cúng tổ tiên và biếu họ hàng.
Cách làm giàu hiệu quả
Trải qua gần 250 năm, món bánh cáy dân dã, thơm ngon vẫn chỉ được sản xuất chủ yếu ở Nguyên Xá, ngoài Thái Bình không ở đâu sản xuất được. Đặc biệt, nghề truyền thống làm bánh cáy của Nguyên Xá không hề bị mai một theo thời gian mà ngày càng phát triển. Vài năm gần đây, người dân Nguyên Xá còn sản xuất cả kẹo lạc, kẹo dồi cung cấp cho thị trường. Sản xuất bánh kẹo đã trở thành nghề làm giàu của phần lớn hộ dân trong xã.
Ông Nguyễn Hữu Viên, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá cho biết: Bánh cáy xưa là món đặc biệt để tiến vua, sau dùng lễ tết tổ tiên và làm quà biếu người thân. Nay bánh cáy vẫn là đặc sản của Nguyên Xá nhưng không chỉ được làm vào dịp tết mà làm quanh năm, không chỉ làm quà biếu mà trở thành loại hàng hóa phổ biến có mặt ở cả thị trường trong và ngoài nước. Trước kia chỉ có vài hộ làm bánh cáy nhưng đến nay toàn xã đã có khoảng 400 hộ tham gia sản xuất bánh kẹo, trong đó gần 80 hộ sản xuất, kinh doanh bánh kẹo quanh năm. Số lao động thường xuyên trên 400 người, lao động không thường xuyên (tập trung vào dịp giáp tết Nguyên đán) khoảng 1.000 người. Giá trị sản xuất từ tiểu thủ công nghiệp của xã đã chiếm tỷ trọng 43% trong cơ cấu kinh tế, trong đó sản xuất bánh kẹo chiếm 30%. Mỗi năm cả xã thu về từ việc sản xuất bánh kẹo hàng chục tỷ đồng.
Việc phát triển nghề truyền thống sản xuất bánh kẹo của Nguyên Xá không chỉ làm giàu cho các hộ dân nơi đây, tăng thu nhập cho hàng trăm chủ cửa hàng, đại lý trong và ngoài tỉnh mà còn góp phần tiêu thụ nông sản cho người nông dân bởi mỗi năm các hộ dân ở Nguyên Xá dùng khoảng 500 tấn lương thực để sản xuất bánh cáy, kẹo lạc, kẹo dồi.
Anh Nguyễn Hữu Chính, chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Việt Hương, xã Nguyên Xá cho biết: Đời ông, đời bố dù việc sản xuất bánh cáy, kẹo lạc còn thủ công, chưa thuận tiện lắm cho người tiêu dùng thưởng thức song đã có thể sống tốt bằng nghề. Đến đời nay, chúng tôi đã phối hợp với các hộ sản xuất khác, nhất là các cơ sở sản xuất lớn trong xã nghiên cứu cải tiến mẫu mã, dùng một số nguyên liệu tốt hơn để nâng cao chất lượng bánh như gấc thay dành dành, đường kính thay đường phèn, giảm kích thước và độ dày của miếng bánh, bảo quản trong túi nilon. Đồng thời, sử dụng máy móc để giải phóng sức lao động, giảm giá thành, bảo đảm chất lượng… Đặc biệt, khâu vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được bảo đảm tuyệt đối. Do vậy, nghề sản xuất bánh kẹo của gia đình anh Chính nói riêng, xã Nguyên Xá nói chung ngày càng phát triển.
Mỗi ngày cơ sở của gia đình anh Chính sản xuất 1.000 hộp bánh cáy, 7 tạ kẹo lạc cung cấp cho trên 100 đại lý bánh kẹo trong và ngoài tỉnh; tạo việc làm cho 25 lao động với mức thu nhập từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của gia đình anh Chính khoảng 4 tỷ đồng.
Có bánh cáy và kẹo lạc Nguyên Xá nhâm nhi bên ấm trà nóng để cảm nhận được vị ngọt, bùi, béo đan xen độ giòn, dẻo, dai, vị cay nóng của gừng, người ăn cảm thấy ấm dạ, tự hào về nghề truyền thống của quê hương.
Ông Nguyễn Tiến Vững, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá Để giữ vững thương hiệu bánh kẹo làng Nguyễn, nhất là bánh cáy, cấp ủy, chính quyền đã có những quy định, hướng dẫn các cơ sở, hộ sản xuất bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã, mở rộng thị trường, thu hút ngày càng nhiều lao động, sử dụng lương thực và nguyên liệu tại chỗ. Đây chính là cách duy nhất để giữ gìn, phát huy nghề truyền thống, làm giàu cho các gia đình, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương. Ông Bùi Tuấn, Bí thư Chi bộ thôn Bắc Lạng, xã Nguyên Xá Cả thôn có 350 hộ thì có 100 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh bánh kẹo, giải quyết việc làm cho gần 200 lao động địa phương. Nhờ phát triển nghề truyền thống sản xuất bánh kẹo, nhất là bánh cáy, kẹo lạc mà đời sống nhân dân trong thôn được nâng cao, bình quân thu nhập trên 40 triệu đồng/người/năm (cao nhất xã). Ngoài việc đầu tư thiết bị máy móc để hiện đại hóa, nâng cao chất lượng, giảm công sản xuất, hầu hết các gia đình đều mua sắm được các phương tiện, vật dụng phục vụ sinh hoạt. Trong năm 2017, thôn có 40 hộ xây được nhà ở hàng tỷ đồng. Nhân dân trong thôn cũng tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng các loại quỹ, làm nhà văn hóa thôn... Ông Hoàng Duy Thắng, thôn Bắc Lạng, xã Nguyên Xá Nghề sản xuất bánh cáy, kẹo lạc là nghề gia truyền, có từ nhiều đời trước, hai vợ chồng tôi nối nghiệp đã gần 40 năm nay. Lúc mới theo nghề, mỗi ngày chỉ làm vài chục hộp bánh cáy nhưng giờ mỗi ngày làm hàng nghìn hộp bánh, kẹo lạc 1,5 tạ/ngày, cung cấp cho trên 30 cửa hàng trong tỉnh và một số tỉnh ngoài, tạo việc làm cho 6 lao động. Gia đình cũng thường xuyên cải tiến mẫu mã, cách bài trí thuận tiện cho người dùng thưởng thức, nâng cao chất lượng sản phẩm, ngoài bao bì in địa chỉ và số điện thoại để khách hàng phản hồi. Mỗi năm, thu nhập của gia đình hàng trăm triệu đồng. |
Thu Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026