Thứ 4, 13/11/2024, 05:20[GMT+7]

Bộ đội xuất ngũ không “mặn mà” học nghề

Thứ 5, 29/03/2018 | 09:14:28
1,871 lượt xem
Tư vấn dạy nghề, tạo việc làm cho bộ đội xuất ngũ là chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội không chỉ góp phần thực hiện chính sách hậu phương quân đội mà còn tạo điều kiện cho quân nhân xuất ngũ có việc làm ổn định sau khi rời quân ngũ. Tuy nhiên, nhiều bộ đội xuất ngũ lại không tham gia học nghề.

Bộ đội xuất ngũ được lựa chọn nhiều nghề tại các cơ sở đào tạo nghề trong quân đội.

Nhiều lựa chọn

Đến UBND xã Nguyên Xá (Vũ Thư) đúng dịp địa phương đón quân nhân xuất ngũ trở về. Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Văn Tòng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã cho biết: Sau khi xuất ngũ, 100% quân nhân đến cơ quan quân sự đăng ký ngạch dự bị động viên. Trong dịp này, chúng tôi kết hợp tư vấn, định hướng học nghề cho các cháu. Với đặc thù là địa phương có đông con em đi xuất khẩu lao động nên việc lựa chọn một nghề phù hợp làm hành trang khởi nghiệp rất thuận lợi đối với bộ đội xuất ngũ. Em Bùi Văn Đức, xã Nguyên Xá chia sẻ: Khi xuất ngũ, về gặp mặt tại huyện em được các anh chị tại các trường nghề, trung tâm đào tạo nghề trong tỉnh và ngoài tỉnh tư vấn nên em quyết định sẽ học nghề theo chính sách của quân đội trước khi đi xuất khẩu lao động. Khác với Đức, em Lương Văn Đạt, xã Kim Trung (Hưng Hà) lại chọn cho mình công việc sau khi xuất ngũ. Đạt cho biết: Em không tham gia học nghề vì không chắc chắn học xong đã xin được việc làm như ý muốn. Do vậy em đã xin vào làm công nhân may tại Xí nghiệp May 10. Hiện nay thu nhập của em được hơn 5 triệu đồng/tháng.  

Tâm lý của Đạt cũng là tâm lý chung của nhiều bộ đội xuất ngũ trên địa bàn tỉnh. Điều đó đặt ra bài toán về định hướng nghề cho bộ đội chuẩn bị xuất ngũ trên địa bàn trong thời gian qua. Theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 của Chính phủ, quân nhân khi xuất ngũ tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng được hỗ trợ: miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập; vay vốn để tham gia đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng. Nếu tham gia đào tạo nghề trình độ sơ cấp được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo nghề. Theo Thượng tá Nguyễn Đăng Hải, Chính trị viên Ban CHQS huyện Vũ Thư: Bộ đội xuất ngũ là đối tượng trong tuổi lao động ở độ tuổi sung mãn nhất. Các em đã trải qua môi trường quân ngũ, được rèn luyện, học tập trong môi trường chính quy nên ý thức kỷ luật, phẩm chất đạo đức tốt, phù hợp với các tiêu chí doanh nghiệp đề ra. Tuy nhiên, làm thế nào để thu hút được nhiều bộ đội xuất ngũ tham gia học nghề là bài toán khó cần sự vào cuộc giải quyết của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Vẫn còn rào cản

Trước đây, các cơ sở ngoài quân đội đào tạo nghề, dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ có thẻ học nghề được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 04/2010/TTLT-BQP-BTC ngày 4/1/2010 của Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính. Đến tháng 12/2015, Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng có Công văn số 5387/CTC-CDCS về việc thôi thực hiện bảo đảm kinh phí thanh toán thẻ học nghề cho các cơ sở dạy nghề ngoài quân đội. Việc thanh toán thẻ học nghề sẽ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện và thông tư liên tịch mới sẽ ra trong thời gian tới thay thế cho thông tư cũ. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 năm, các đơn vị vẫn chưa có hướng dẫn bộ nào sẽ bảo đảm kinh phí thanh toán thẻ học nghề cho bộ đội xuất ngũ học tại các cơ sở ngoài quân đội. Ông Trần Bá Trình, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Thái Bình cho biết: Chúng tôi mong muốn sớm có thông tư thay thế Thông tư số 04 quy định rõ việc thực hiện bảo đảm kinh phí cho các cơ sở dạy nghề ngoài quân đội để nhà trường có điều kiện mở rộng tuyển sinh đối tượng là bộ đội xuất ngũ trên địa bàn tỉnh.  

Thượng tá Đỗ Thanh Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề số 19 - Bộ Quốc phòng chia sẻ: Là một trường đào tạo nghề trực thuộc Quân khu 3, với phạm vi tuyển sinh rộng, đối tượng đa dạng nhưng hướng đi chính của nhà trường vẫn là đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ. Đối tượng bộ đội xuất ngũ tham gia học nghề của nhà trường chiếm gần 80%. Tuy nhiên, hàng năm số lượng bộ đội xuất ngũ đăng ký học nghề chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với số lượng bộ đội xuất ngũ trở về địa phương.

Mỗi năm Thái Bình giao hơn 2.600 thanh niên cho quân đội, công an đồng nghĩa với việc đón số lượng tương đương quân nhân hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Để bộ đội xuất ngũ hiểu rõ chế độ, chính sách khi tham gia học nghề, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các trường đào tạo nghề trong và ngoài quân đội, chủ động tuyên truyền hướng nghiệp, đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ. Tìm hiểu, định hướng cho bộ đội xuất ngũ học các ngành nghề theo nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần lựa chọn và giới thiệu cho bộ đội chuẩn bị xuất ngũ có nhu cầu học nghề theo học tại các cơ sở có đủ năng lực trang thiết bị, phương pháp đào tạo nghề để mỗi học viên sau khi ra trường có kiến thức và tay nghề vững vàng, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Theo đồng chí Chính trị viên Ban CHQS huyện Vũ Thư: Không chỉ tư vấn, định hướng cho bộ đội ngay từ khi còn tại ngũ mà khi các em hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương và đơn vị dạy nghề phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nhằm tạo đầu ra, giúp bộ đội xuất ngũ có việc làm ổn định sau học nghề. Đây còn là cơ sở để mỗi thanh niên vững tâm hơn về tương lai của mình trước khi lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.

Tất Đạt

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày