Thứ 4, 13/11/2024, 05:21[GMT+7]

Làm giàu từ nghề may

Thứ 2, 02/07/2018 | 09:22:15
5,026 lượt xem
Khởi nghiệp nghề may với vài chục triệu đồng, đến nay, xưởng may của chị Đặng Thị Tư, thôn Nguyễn Huệ, xã Vũ Đông (thành phố Thái Bình) cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.

Xưởng may của chị Tư tạo việc làm ổn định cho 50 lao động.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, chị Tư luôn mong muốn có một công việc ổn định để có thể lo cho gia đình sau này. Chỉ được học hết bậc THCS, chị Tư xin vào làm tại các công ty may. Cần mẫn, miệt mài tích lũy kinh nghiệm, chị luôn nuôi ước mơ có một xưởng may của riêng mình. Lòng say nghề cùng đôi bàn tay khéo léo đã giúp chị có thêm quyết tâm “từ công nhân thành bà chủ”. 

Gom góp vốn, vay mượn thêm của người thân, cuối năm 2010, vợ chồng chị Tư quyết định mở cơ sở may và tuyển dụng 15 người vào làm việc. Cơ sở vật chất, nhân lực, kinh nghiệm, tay nghề đã có sẵn, tuy nhiên, chị gặp khó khăn trong các đơn đặt hàng. Để duy trì và phát triển sản xuất, chị nhận từ những đơn hàng may quần áo bán ở các chợ, đại lý. Khi tạo dựng được uy tín bằng chất lượng sản phẩm, đơn đặt hàng từ các công ty lớn đã tìm tới cơ sở may của chị Tư. Thế nhưng, việc sản xuất, kinh doanh không được thuận lợi do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2011. Sản xuất bị đình trệ, có lúc chị Tư đã nghĩ mình phải đóng cửa cơ sở may. 

Chị chia sẻ: Khoảng thời gian ấy rất khó khăn với tôi và gia đình. Cơ sở vừa mới mở chưa được bao lâu, những công nhân mình mất công tuyển chọn, đào tạo nghề có nguy cơ phải nghỉ việc giữa chừng. Lúc ấy tôi rất sợ sẽ mất uy tín với mọi người.

Thất bại nhưng không nản chí, sau thời gian đó, vợ chồng chị vẫn tiếp tục trau dồi thêm kinh nghiệm, gom góp vốn để tích lũy. Cuối năm 2013, vợ chồng chị Tư quyết tâm mở rộng cơ sở may với cái tên “Xưởng may Ngọc Vân” ngay trên mảnh đất quê hương mình, thuê 50 lao động làm việc. Trời không phụ lòng người, xưởng may của chị Tư dần có tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường. 

Hiện tại, xưởng may của chị Tư chủ yếu nhận may theo đơn đặt hàng các loại quần áo cho các công ty xuất khẩu. Thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, xưởng may của chị còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập từ 4 triệu đồng/người/tháng. 

Chị Trần Thị Nga, xã Vũ Tây (Kiến Xương) là một trong những lao động gắn bó với xưởng may nhiều năm nay cho biết: Được học nghề xong tôi làm luôn, công việc phù hợp và ổn định nên hàng tháng chúng tôi có thu nhập tốt. Chị Tư luôn bảo đảm quyền lợi đầy đủ cho mỗi công nhân đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi có thể vừa tham gia sản xuất tại xưởng, nhận hàng về nhà làm vừa có thời gian chăm sóc gia đình, thu hoạch mùa màng. Không chỉ nhận những thợ lành nghề về làm công hoặc khoán sản phẩm mà vợ chồng chị Tư còn đào tạo nghề từ đầu cho những người mới để bắt nhịp với công việc. Chị cũng luôn động viên, giúp đỡ khi công nhân gặp khó khăn. Với những lao động trẻ, chị tận tình hướng dẫn không chỉ trong công việc mà còn góp ý trong lối sống, suy nghĩ.

Chị Tư cho biết: Để có được thành công ngày hôm nay ngoài giữ được chữ tín, bản lĩnh, sự may mắn thì làm kinh doanh là phải có bản lĩnh và sự mạo hiểm đúng lúc. Tôi dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất để vừa tạo thêm thu nhập cho gia đình vừa tạo việc làm cho lao động trên địa bàn.

Xuân Phương


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày