Thứ 7, 23/11/2024, 18:00[GMT+7]

Đồng Xâm: Đẹp như câu hát

Thứ 4, 14/11/2018 | 09:25:19
4,964 lượt xem
Nghe câu hát du dương “Tay em trổ vàng, tay anh chạm bạc/ Làm giàu cho quê hương/Hỡi người em gái mà anh yêu thương/ Thái Bình ta đó, mà em yêu thương...” trong bài hát “Nắng ấm quê hương” của nhạc sĩ Vĩnh An càng thôi thúc chúng tôi tìm về mảnh đất nổi tiếng với nghề chạm bạc ở Thái Bình - làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương.

Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Ngoan (người ngoài cùng bên trái) chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chạm trổ cho lớp trẻ.

Làng tỷ phú

Ít có làng quê nào lại sầm uất và náo nhiệt như làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm. Dọc theo những con đường trục xã, trục thôn là san sát nhà cao tầng được xây dựng với đủ kiểu cách làm thay đổi diện mạo một vùng quê. Song, vẫn còn đó những hình ảnh, âm thanh quen thuộc của một làng nghề chạm bạc gần 600 năm tuổi. 

Nghệ nhân Phạm Văn Nhiêu năm nay gần  80 tuổi. Nhìn ông say sưa chạm trổ, khắc tỉa những nét hoa văn cho cây đèn thờ chất liệu đồng với những đường nét tinh xảo, đẹp mắt mới thấy hết sự tỉ mỉ, tính kiên trì, cần mẫn và đôi bàn tay tài hoa của người thợ thủ công.

Ông Nhiêu cho biết: Mỗi năm gia đình tôi xuất ra thị trường hàng vạn sản phẩm, thu về ngót tỷ đồng, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 400 triệu đồng.

Với những hộ, tổ sản xuất theo kiểu thủ công như gia đình ông Nhiêu, không khí lao động diễn ra cảm giác bình chậm; còn những hộ đã đưa máy móc vào thay sức người thì luôn hối hả. Tiếng máy dập, máy đột, máy mài cứ xình xịch như thúc giục người thợ nhanh tay cho ra đời nhiều sản phẩm. 

Anh Hoàng Văn Hậu, thôn Tả Phụ cho biết: Vào dịp cuối năm, làng nghề chúng tôi làm không hết việc. Tuy bận mải nhưng cả gia đình có việc làm và thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm.

Làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm hiện có 150 tổ, hộ làm nghề với khoảng 2.000 lao động. Trước nhu cầu của thị trường, ngoài sản phẩm bằng bạc, những người thợ nơi đây còn tạo ra vô số hàng hóa chất liệu đồng. Mỗi năm làng nghề tiêu thụ khoảng 300 tấn đồng nguyên liệu, thu về hơn 90 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Ở làng nghề cổ xưa này, hôm nay đã xuất hiện hơn 10 ông chủ trẻ xếp hàng tỷ phú, còn hàng triệu phú có tới hàng trăm hộ đang tạo ra sức sống mới cho một miền quê.

Tinh túy của làng nghề

Đang mải miết chạm, khảm cho bức tranh đồng quê cỡ lớn, nghệ nhân Tạ Thái Úy, thôn Hữu Bộc chia sẻ: Dẫu làng nghề có lúc thăng, trầm nhưng niềm vui của người thợ thủ công đó là mỗi sản phẩm ra đời đều được khách hàng đón nhận, trân trọng bày trí trong nhà. Người thợ được thỏa sức sáng tạo nghệ thuật từ việc vẽ mẫu cho sản phẩm mới đến đục, chạm, khắc, tỉa cho từng chi tiết để cảnh vật, con người trở nên mềm mại, sống động trên chất liệu khô cứng, vô tri như bạc, đồng. Đó còn là niềm vui được giao lưu với nền văn hóa các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ… thông qua nghiên cứu những mẫu mã của khách hàng đặt làm.

Để duy trì và phát triển làng nghề, các hộ sản xuất làng nghề mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, không vì thế mà sản phẩm của làng nghề mất đi độ tinh xảo, đặc sắc, riêng có vốn nổi tiếng mấy chục đời nay bởi những người thợ thủ công giỏi nghề và các nghệ nhân dày công chế tác.

Đi một vòng thăm làng nghề, chúng tôi không chỉ được nghe nói, được thấy những đôi tay khéo léo, uyển chuyển trên mỗi tấm đồng, tấm bạc mà còn chứng kiến sự tài hoa, sự sáng tạo của họ trong việc chế tác ra hàng trăm loại dụng cụ: đột, ve, chạm đủ mọi hình dáng, kích cỡ để làm cho mỗi họa tiết của sản phẩm trở nên mềm mại, sống động lạ thường. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là hoành phi, câu đối, lư hương, ống hoa, hào quang, thánh giá, chén đựng nước, hộp đựng bánh..., những bức tranh về danh lam thắng cảnh của đất nước, đồng quê Việt Nam và hàng trang sức phục vụ cho mọi vùng miền, mọi dân tộc.

Những người thợ thủ công làng nghề chạm bạc Đồng Xâm đều yêu nghề bởi đây là nghề truyền thống độc đáo, là trí tuệ, sáng tạo, tài hoa của lớp lớp ông cha, của quê hương để lại gần 600 năm qua. Cái nghề đã nuôi sống và làm giàu của người dân hàng chục đời nay. Mỗi nghệ nhân của làng nghề là một bảo tàng sống gìn giữ những ngón nghề cổ truyền. Họ truyền lại cho con, cháu qua việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp, truyền cảm hứng yêu nghề cho tới dạy nghề và dìu dắt, tạo việc làm để níu chân lớp trẻ ở lại làng làm giàu cho quê hương.

Ðồng Xâm hội nhập

Cùng với việc bảo tồn, phát huy kỹ thuật thủ công, người dân làng nghề Đồng Xâm năng động, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, đưa máy móc vào sản xuất. Họ kết hợp hài hòa giữa máy móc với làm thủ công để không làm mất đi sự tinh xảo trên từng sản phẩm, tạo ra sự khác biệt của sản phẩm Ðồng Xâm. Không chỉ có vậy, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở, nhiều sản phẩm làng nghề chạm bạc Ðồng Xâm đã được đăng ký thương hiệu, sở hữu trí tuệ và xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể của làng nghề.

Làng nghề chạm bạc Đồng Xâm hôm nay.

Ông Bùi Xuân Triều, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kiến Xương cho biết: Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo địa phương tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con trong làng nghề Đồng Xâm tổ chức sắp xếp lại sản xuất, đầu tư mở rộng nhà xưởng, đa dạng hóa mẫu mã, chủng loại hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm. Thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu để làng nghề phát triển bền vững, không bị rơi vào tình trạng “vang bóng một thời” như nhiều làng nghề khác.


 Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày