Thứ 7, 23/11/2024, 21:35[GMT+7]

Nam Cao: Lách cách tiếng thoi

Thứ 3, 03/09/2019 | 09:08:05
3,199 lượt xem
Thịnh - suy là quy luật tất yếu của các làng nghề truyền thống trong sự vận động và biến đổi không ngừng của xã hội. Làng nghề dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương) cũng không nằm ngoài guồng quay ấy. Đã có lúc tưởng như mai một nhưng vài năm trở lại đây, tiếng thoi đưa đã lách cách trở lại, không được ồn ào, náo nhiệt như xưa nhưng những sản phẩm lụa đũi Nam Cao đã vượt khỏi lũy tre làng để vươn ra thế giới.

Những khung cửi cổ được ông Nguyễn Đình Đại phục dựng để tạo nên những tấm đũi thô sơ và truyền thống nhất.

Lịch sử hình thành của nghề dệt đũi Nam Cao đã có từ hàng trăm năm trước. Thời kỳ hưng thịnh, dệt đũi Nam Cao đã nức tiếng trong và ngoài tỉnh để nhắc đến Thái Bình không chỉ có lúa mà còn có lụa. Mất thị trường, nguồn nguyên liệu khan hiếm, đắt đỏ cùng với sự phát triển của các ngành nghề khác khiến nghề dệt đũi ở Nam Cao suy giảm mạnh. 

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Sự phát triển của các ngành nghề phụ, đặc biệt là nghề may đã thu hút lượng lớn lao động trẻ khỏe với mức thu nhập ổn định từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Những người có tuổi không thể làm công ty thì chuyển sang chăn nuôi gia trại. Cuộc mưu sinh với cơm, áo, gạo, tiền, người dân Nam Cao đã lần lượt bỏ nghề. Toàn xã hiện còn khoảng 20 khung dệt. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, một tín hiệu vui với lụa đũi Nam Cao chính là những người có tâm huyết, có tình yêu, luôn đau đáu với chiếc khung cửi, với những mảnh lụa đũi mà chật vật tìm kiếm thị trường, cải hoán mẫu mã, giữ lửa cho nghề truyền thống.

Theo giới thiệu của ông Định, chúng tôi tìm về gia đình ông Nguyễn Đình Đại, chủ doanh nghiệp dệt Đại Hòa, từng là một trong những doanh nghiệp lớn trong thu mua sản phẩm lụa đũi thời kỳ “nóng” của mặt hàng này. Những tấm đũi vừa được nhuộm màu giăng kín khoảng sân rộng trước ngôi nhà khang trang. Sinh ra, sống và làm giàu nhờ những mảnh đũi, ở tuổi xế chiều, hơn ai hết, ông Đại hiểu và thổn thức với những thăng trầm của làng nghề. Nhìn cách ông nâng niu, cẩn thận là lượt những tấm đũi, phần nào chúng tôi thấy sự trân quý của ông đối với nghề. 

Ông Đại chia sẻ: Ðiều mà khách hàng quan tâm nhất đến các sản phẩm đũi của Nam Cao có lẽ chính bởi tính dân tộc, tính nghệ thuật cổ truyền dân gian của chúng. Ðó là những sản phẩm không phải sản xuất dây chuyền hàng loạt mà là hàng được làm thủ công đòi hỏi sự công phu cần mẫn của nghệ nhân, mỗi một sản phẩm là cả một quá trình sản xuất đi từ nguyên liệu tự nhiên kết hợp với óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người Nam Cao. Để có được những tấm đũi mềm mại với những gam màu đất, nâu đỏ, tím tía... đó là cả những ngày lao động rất vất vả để từ những mảnh kén tằm, những gốc đũi tưởng chừng như chỉ còn là phế thải lại được những người thợ ở Nam Cao biến thành những tấm vải có giá trị thông qua rất nhiều công đoạn từ tẩy chuội, xe sợi, nhuộm màu...
Sản phẩm đũi Nam Cao có những đặc tính rất độc đáo, trông có vẻ dầy nhưng thật ra rất thông thoáng, mặc mát về mùa hè, ấm về mùa đông, mềm mại nhưng bền, dễ tẩy trắng, giặt sạch và mau khô... đã chinh phục được khách hàng nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó đặc biệt là khách hàng Hàn Quốc, Mỹ.

Lụa đũi Nam Cao đã chinh phục được khách hàng nhiều quốc gia trên thế giới.

Không chạy theo số lượng mà chú trọng vào chất lượng, ông Đại phục dựng lại những khung cửi cổ, làm nên những tấm đũi bằng cách làm truyền thống và thô sơ nhất bởi đối tượng khách hàng ông hướng tới là những người thực sự có niềm đam mê, yêu thích với lụa đũi, sẵn sàng chi trả số tiền cao để được sử dụng các sản phẩm hoàn toàn tự nhiên. Ngay cả tạo màu cho sản phẩm cũng được ông sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, sẵn có như lá bàng, củ nâu... Kết nối với hội những người yêu thích lụa đũi trong và ngoài nước, những khuôn đũi của ông “hữu xạ tự nhiên hương” cứ thế được khách hàng truyền tai nhau giới thiệu, tìm đến đặt hàng. 

Ngoài thuê nhân công dệt tại nhà, ông Đại liên kết với trên 10 hộ trong xã để sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Theo ông, đây đều là những người đã được “sàng lọc” bởi thời gian và đam mê với nghề do vậy tay nghề và kỹ thuật rất cao. Tuy sản phẩm mới dừng lại ở xuất thô, vẫn còn trong quá trình tìm kiếm và mở rộng thị trường nhưng theo cách ví von dí dỏm của ông Đại, những người “giữ lửa” làng nghề như ông đã qua giai đoạn “thở bằng bình ô xi”, đã “tự thở” và từng bước khẳng định mình không chỉ ở thị trường trong nước và còn vươn ra quốc tế.

Câu chuyện về một làng nghề hơn 400 năm tuổi đang chết dần trong khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm tự nhiên tăng nhanh cùng với niềm đam mê với lụa đũi đã thôi thúc và nảy nở những ý tưởng được xem là táo bạo và mạo hiểm ở Lương Thanh Hạnh, chủ thương hiệu Hạnh Silk, một người con dâu quê lúa. Đây được xem là “ân nhân” thứ hai của làng nghề truyền thống bởi các sản phẩm lụa, đũi ở Nam Cao đã phát triển tốt ở thị trường trong nước và quốc tế. Thật khó để gặp chị khi không hẹn trước bởi người phụ nữ ấy luôn đau đáu ước mơ mang lụa đũi Nam Cao vươn xa thế giới. 

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Năm 2016, chị Hạnh đứng ra thành lập Hợp tác xã dệt đũi Nam Cao, quy tụ các nghệ nhân làng nghề, liên kết với các hộ cùng trồng dâu, nuôi tằm để hình thành chuỗi sản xuất khép kín. Chị Hạnh đã biến hạn chế của làng nghề: ít thay đổi mẫu mã, công nghệ trở thành nét đặc trưng, độc đáo của sản phẩm lụa đũi khi mang chất thuần mộc và tự nhiên hướng đến đối tượng khách hàng khó tính như người nước ngoài, kiều bào mua làm quà tặng...

“Làng nghề dệt đũi Nam Cao có thể không còn trong danh sách làng nghề nhưng dệt đũi không bao giờ mất đi ở Nam Cao” - đó là câu khẳng định đầy quyết tâm của ông Nguyễn Đình Đại. Hy vọng rằng, với khối huyết, đôi bàn tay khéo léo của những người như ông Đại, chị Hạnh, làng nghề dệt đũi Nam Cao sẽ không bao giờ “nguội lửa”.


NGÂN HUYỀN

(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày