Thứ 5, 14/11/2024, 23:45[GMT+7]

Giàu lên từ nghề truyền thống

Thứ 2, 14/10/2019 | 08:12:44
2,261 lượt xem
Thôn Me, xã Tân Hòa (Hưng Hà) từ lâu nổi tiếng với nghề làm bánh đa. Nhưng 5 năm trở lại đây, người dân làng nghề mới thực sự giàu lên từ nghề truyền thống nhờ đổi mới phương pháp sản xuất và chú trọng bảo vệ môi trường.

Nhiều hộ dân ở thôn Me, xã Tân Hòa (Hưng Hà) đầu tư máy móc để sản xuất bánh đa.

Về thôn Me hôm nay, ai cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một làng quê. Những con đường bê tông phong quang, sạch đẹp, ô tô có thể đi đến bất cứ khu dân cư nào. Không khó bắt gặp những ngôi nhà cao tầng được xây dựng theo kiểu cách biệt thự sang trọng. Tiếng máy móc hoạt động vui tai suốt ngày như bản nhạc ngợi ca cuộc sống sung túc của người dân lao động nơi đây. Là hộ dân sớm đầu tư dây chuyền máy tráng bánh đa, ông Nguyễn Như Quang, thôn Me cho biết: Ngày trước làm theo phương pháp thủ công, mỗi ngày gia đình tôi có làm cật lực cũng chỉ được khoảng hơn 1 tạ bánh đa khô mà rất tốn sức, vất vả. Từ khi đầu tư máy móc vào sản xuất, mỗi ngày gia đình có thể làm được gần 7 tạ bánh đa khô, trừ mọi chi phí còn lãi hơn 2 triệu đồng.


Ở thôn Me, không riêng gia đình ông Quang mà  21 hộ gia đình khác cũng mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc để sản xuất bánh đa. Ngoài trực tiếp sản xuất của gia đình, các hộ này còn làm dịch vụ tráng bánh thuê cho 123 hộ khác trong thôn. Nghề làm bánh đa đã tạo việc làm ổn định cho 300 lao động và hàng chục lao động làm dịch vụ cung cấp nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm. Ông Phạm Đình Xá, thôn Me chia sẻ: Trung bình mỗi tháng gia đình sản xuất ra khoảng 15 tấn bánh đa khô, việc tiêu thụ không phải lo lắng vì tiểu thương đến tận nhà thu mua với giá từ 18.000 - 20.000 đồng/kg. Có đầu ra ổn định, gia đình chỉ chuyên tâm sản xuất làm sao để sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất cung cấp ra thị trường và giữ vững thương hiệu bánh đa làng Me.


Ô nhiễm môi trường là “căn bệnh” chung của các làng nghề chế biến nông sản như sản xuất đậu phụ, bún, phở, bánh đa, miến. Song, hiện nay ở làng nghề Me, xã Tân Hòa, vấn nạn này đã được giải quyết triệt để. Đưa chúng tôi đi thăm làng nghề, ông Đoàn Minh Lâm, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: Trước đây, bà con nhân dân thôn Me cũng khó khăn như bao thôn khác trong xã, tuy có nghề truyền thống nhưng thu nhập rất thấp vì làm theo thời vụ và sản lượng ít, sản phẩm chỉ tiêu thụ trong huyện. Đáng ngại hơn cả là môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nước thải từ các hộ sản xuất bánh đa xả ra bừa bãi gây hôi thối và mất vệ sinh công cộng khiến nhân dân bức xúc muốn giải tán làng nghề. Thực tế tồn tại đó dẫn tới bà con không dám mở rộng quy mô sản xuất. Nhưng từ cuối năm 2014, với chủ trương xã hội hóa nguồn lực đầu tư, địa phương tổ chức xây dựng hệ thống đường ống thu gom nước thải trong làng nghề và trạm xử lý nước thải với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng đã giải quyết tốt công tác môi trường làng nghề, góp phần thúc đẩy nhân dân đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.


Mỗi năm các hộ làm nghề sản xuất bánh đa thôn Me hoạt động liên tục trong 9 tháng, chế biến và đưa ra thị trường khoảng 41.000 tấn bánh đa thương phẩm, cho giá trị gần 82 tỷ đồng. Sản phẩm của làng nghề giờ đây không chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện mà thông qua các tiểu thương, thương hiệu bánh đa làng Me đã xuất hiện ở các huyện khác trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố phía Bắc. Cả thôn có hàng trăm hộ thu lãi từ làm nghề bánh đa 300 - 700 triệu đồng/năm như gia đình ông: Nguyễn Như Quang, Phạm Đình Sỹ, Nguyễn Duy Hồ, Nguyễn Duy Ạt... Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người trong thôn Me đạt 45 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người của toàn xã 2 triệu đồng/người/năm. Đời sống của người dân được nâng lên, nhân dân thôn Me phấn khởi chung sức, đồng lòng với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao và phấn đấu sớm trở thành nông thôn mới kiểu mẫu.


Khắc Duẩn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày