Đồng Thanh: Sung túc nhờ nghề
Trước đây, xã Đồng Thanh được coi là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện Vũ Thư vì bà con sống chủ yếu dựa vào thâm canh cây lúa, ngành nghề kém phát triển do bất cập về giao thông và xa trung tâm huyện. Cầu Tịnh Xuyên được xây dựng và đưa vào hoạt động, cộng với việc đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Ông Phạm Ngọc Năng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Địa phương vốn có nghề truyền thống làm cốm, bún, đậu nhưng quy mô nhỏ lẻ, kém hiệu quả. 5 năm trở lại đây, nhờ có sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhiều mặt, bà con đã mạnh dạn đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao.
Nói đến làng nghề Đồng Thanh, nhiều người biết đến với sản phẩm nổi tiếng là cốm, ngoài ra còn có bún, bánh đa và đậu phụ Thanh Hương. Hiện nay, làng nghề có 46 hộ sản xuất cốm, 36 hộ sản xuất đậu phụ và 5 hộ sản xuất bún bánh, giải quyết việc làm cho gần 500 lao động của địa phương. Nổi tiếng nhất trong nghề làm cốm của làng nghề phải kể đến gia đình ông Nguyễn Viết Tọa và gia đình ông Lương Đức Nhẫn ở thôn Thanh Hương 1. Đây là các hộ đầu tư nhiều máy móc, có quy mô sản xuất lớn với sản lượng cốm đạt hơn 20 tấn/tháng, cho doanh thu gần 5 tỷ đồng/năm, lãi 200 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Viết Tọa cho biết: Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, gia đình tôi đã đầu tư hơn 100 triệu đồng mua máy móc phục vụ các công đoạn sản xuất cốm như rang thóc, giã cốm, sàng lọc phân loại cốm. Ngoài tăng năng suất, việc đưa máy móc vào thay sức người còn giảm chi phí đầu tư để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, quan trọng nữa là bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cốm Thanh Hương bây giờ trở thành đặc sản địa phương và chiếm được niềm tin của người tiêu dùng không riêng trong tỉnh mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố: Nam Định, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thành phố Hồ Chí Minh... Sở dĩ sản phẩm của làng nghề Đồng Thanh đi xa được như vậy một phần bởi chất lượng thơm ngon, bổ dưỡng của cốm, một phần là nhờ làng nghề có những ông chủ chuyên thu mua và đưa đi tiêu thụ. Có đầu ra ổn định, người dân làng nghề yên tâm, tập trung sản xuất. Bà Vũ Thị Tám, thôn Thanh Hương 2 chia sẻ: Các hộ có điều kiện về kinh tế tổ chức sản xuất cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, những lao động tuổi cao như chúng tôi làm thuê cho các cơ sở sản xuất cốm cũng được từ 3 - 4,5 triệu đồng/người/tháng, bảo đảm ổn định cuộc sống.
Mỗi năm, các hộ làm cốm làng nghề tiêu thụ khoảng 828 tấn thóc nếp, các hộ làm bún bánh tiêu thụ khoảng 450 tấn gạo tẻ, các hộ làm đậu phụ tiêu thụ gần 130 tấn đậu tương. Giá trị sản xuất của làng nghề đạt 30 tỷ đồng/năm. Ông Phạm Ngọc Năng cho biết thêm: Ngoài đóng góp từ làng nghề, các nghề tiểu thủ công nghiệp khác như mộc, xây dựng, cơ khí, thêu ren, may mặc... mỗi năm cũng mang về cho địa phương hơn 27 tỷ đồng và tạo việc làm cho gần 200 lao động. Có được kết quả đáng mừng trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như vậy, thời gian qua, địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư phát triển mở mang ngành nghề, hỗ trợ các hộ sản xuất tìm kiếm thị trường tiêu thụ và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất. Đã có gần 600 hộ được tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số ngân hàng thương mại và Quỹ Tín dụng nhân dân với tổng dư nợ hơn 10 tỷ đồng.
Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người của người dân xã Đồng Thanh đạt 43,2 triệu đồng/năm; toàn xã có 1.829 hộ thì có tới 40% hộ thuộc diện khá, giàu, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,86%. Về Đồng Thanh hôm nay, ai cũng cảm nhận được sự đổi thay diện mạo của một vùng quê từ hệ thống giao thông đạt chuẩn nông thôn mới đến những khu dân cư san sát nhà cao tầng, biệt thự sang trọng và không khí nhộn nhịp làm nghề của bà con nơi đây. Tất cả khắc họa nên bức tranh nông thôn tươi mới, đầy sức sống.
Khắc Duẩn
Tin cùng chuyên mục
- Phát triển sản phẩm OCOP từ tinh hoa làng nghề 20.10.2024 | 07:57 AM
- Hướng người dân làng nghề thực hiện sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng 30.06.2024 | 10:39 AM
- Hơn 40 năm cần mẫn nghề làm nước mắm truyền thống 31.05.2024 | 10:04 AM
- Làng hoa Vũ Chính hối hả vào vụ hoa tết 07.01.2024 | 13:47 PM
- Bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch 14.11.2023 | 16:21 PM
- Kiến Xương: Năng suất lúa vụ xuân năm 2023 ước đạt trên 71 tạ/ha 31.05.2023 | 17:07 PM
- Giữ nghề mây tre đan Phúc Thành 29.05.2023 | 15:35 PM
- Chị Hiếu “mài sắt thành vàng” 15.05.2023 | 10:13 AM
- Tiên phong nuôi ong thùng kế 24.04.2023 | 07:45 AM
- Những người dệt mùa xuân 18.01.2023 | 20:39 PM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024