Thứ 7, 16/11/2024, 17:33[GMT+7]

Gắn cai nghiện với dạy nghề cho học viên

Thứ 5, 23/08/2018 | 08:33:33
825 lượt xem
Cùng với việc điều trị cắt cơn, hỗ trợ tâm lý cho học viên trong quá trình cai nghiện, thời gian qua, Trung tâm Cai nghiện ma túy và Chăm sóc đối tượng xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã triển khai nhiều lớp dạy nghề, gia công hàng hóa cho đối tượng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện.

Các học viên học nghề may gia công.

Ông Phí Đức Điềm, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Xác định công tác dạy nghề và lao động sản xuất là một khâu quan trọng trong quá trình cai nghiện, những năm qua, công tác dạy nghề và lao động sản xuất cho học viên tại Trung tâm luôn được UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm chỉ đạo. Ban Giám đốc Trung tâm đã chỉ đạo phòng nghiệp vụ hàng năm tiến hành xây dựng các kế hoạch, đề án... cho công tác dạy nghề và lao động sản xuất. Để thực hiện tốt khâu dạy nghề, đối với mỗi học viên sau khi được tiếp nhận vào Trung tâm đều được cán bộ y tế khám, xét nghiệm ma túy, phân loại trên cơ sở đó có phác đồ điều trị cắt cơn giải độc phù hợp. Sau thời gian cắt cơn, hàng ngày, bộ phận y tế phối hợp với các phòng nghiệp vụ tham gia tư vấn giáo dục giúp học viên ổn định tư tưởng. Khi tâm lý, tư tưởng, sức khỏe đã ổn định, Trung tâm nghiên cứu, lựa chọn những nghề phù hợp với thể trạng và đặc điểm tâm lý, sức khỏe của người nghiện và phù hợp với khả năng tìm kiếm việc làm để tổ chức dạy các nghề chủ yếu là may gia công sản phẩm, gia công giấy tiền, lắp ráp hàng điện tử. Đây là những nghề không đòi hỏi cao về kỹ năng, kỹ thuật, mỹ thuật, vì vậy, các học viên đều tiếp cận nhanh và thích thú với công việc.

Hiện tại, trong tổng số 216 đối tượng đang cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm, Trung tâm mở 2 xưởng gia công đóng gói giấy tiền với số lượng 90 học viên; gia công hàng may mặc cho 50 học viên và 50 học viên gia công hàng điện tử. Để học viên học nghề phù hợp với khả năng của bản thân, hàng năm Trung tâm liên hệ với các doanh nghiệp cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn trực tiếp cho học viên đồng thời hỗ trợ máy móc, thiết bị, sản phẩm gia công và nhận bao tiêu sản phẩm, bước đầu có hiệu quả nhất định. Học viên hăng say lao động, sức khỏe ngày một nâng lên. Học viên Nguyễn Xuân Q, quê xã An Ấp (Quỳnh Phụ) vào Trung tâm từ cuối năm 2017, đến nay sau hơn một năm vừa cai nghiện vừa kết hợp với học nghề may gia công túi xách anh cảm thấy sức khỏe nâng lên, tâm lý ổn định và biết quý trọng sức lao động. Anh chia sẻ: Trước đây vì ham chơi nên mắc nghiện, công việc không có, gia đình mất niềm tin. Vào Trung tâm được học nghề, tôi thấy để kiếm được đồng tiền vất vả nên rất quý trọng sức lao động. Sau khi hết thời hạn cai nghiện, về quê tôi sẽ xin vào công ty may gần nhà để có việc làm, chăm lo cho bản thân và sống có ý nghĩa hơn. Đối với các học viên, thành quả lao động hàng tháng là những đồng tiền được doanh nghiệp hỗ trợ, Trung tâm sẽ mua thêm thực phẩm để cải thiện chất lượng các bữa ăn, hỗ trợ tiền sinh hoạt và tổ chức khen thưởng cho các học viên có nhiều tiến bộ trong cai nghiện và lao động. Số tiền còn lại sau khi hết thời gian cai nghiện Trung tâm sẽ chi trả cho học viên.

Ông Hoàng Hoa Thám, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Mỗi học viên vào Trung tâm mục tiêu quan trọng nhất là chữa bệnh đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với hoạt động dạy nghề cho học viên. Bởi đây không chỉ là hình thức lao động trị liệu mà còn là phương pháp hiệu quả để giáo dục ý thức lao động, trân trọng thành quả lao động cho mỗi học viên. Mặt khác, dạy nghề còn trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp để học viên sau này có cơ hội ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Thời gian tới, ngoài một số nghề đang triển khai, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp dạy thêm một số nghề phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương, giúp học viên sau khi trở về địa phương có cơ hội tìm việc làm, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội.

Nguyễn Cường