Chủ nhật, 24/11/2024, 08:50[GMT+7]

Dự kiến cắt 3.800 giấy phép, giảm kiểm tra 6.000 dòng hàng

Thứ 6, 31/08/2018 | 14:49:09
503 lượt xem
Tổ công tác của Thủ tướng vừa báo cáo các kết quả cập nhật về tình hình ban hành các văn bản liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và quy định về điều kiện kinh doanh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, khảo sát thực tế hoạt động kiểm tra chuyên ngành tại cảng Hải Phòng.

Theo đó, các bộ ngành dự kiến cắt giảm, đơn giản hóa 3.807 điều kiện kinh doanh và 6.003 dòng hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.

Cụ thể, theo báo cáo của Tổ công tác tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 30/8, kết quả rà soát cho thấy, trong tổng số 6.213 điều kiện kinh doanh, các bộ, ngành dự kiến sẽ đơn giản hóa, cắt giảm 3.807 điều kiện, đạt 61,3%, vượt 11,3%  so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, các Bộ có nhiều điều kiện kinh doanh và cũng có kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa nhiều nhất là: Công Thương (1.216 điều kiện, đã ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP cắt giảm 675 điều kiện, đạt 55,5%); Y tế (1.871 điều kiện, dự kiến cắt 1.363 điều kiện, đạt 72,85%); Tài chính (370 điều kiện, dự kiến cắt giảm 190 điều kiện, đạt 51,35%)…

Đến nay đã chính thức cắt giảm được 968 điều kiện của các ngành: Công Thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, VHTT&DL...

Còn 2.839 điều kiện đã có phương án cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 14 Bộ.

Kết quả đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh cụ thể như sau:

Bộ, cơ quan  (số điều kiện)
Kết quả rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa
Công Thương (1.216)
Nghị định số 08/2018/NĐ-CP cắt giảm 675 ĐKKD, đạt 55,5%
Xây dựng (215)
Nghị định số 100/2018/NĐ-CP cắt giảm 183 ĐKKD, đạt 85%.
GD&ĐT (212)
Kế hoạch sửa đổi, bổ sung 2 Luật và 2 Nghị định để cắt giảm, đơn giản 120 ĐKKD, đạt 56,6%. Nghị định số 86/2018/NĐ-CP đã đơn giản, cắt giảm 28 ĐKKD.
TT&TT (385)
Kế hoạch sửa đổi, bổ sung 6 Nghị định để cắt giảm 199 ĐKKD (51,7%). Đã ban hành 02 Nghị định đơn giản, cắt giảm 26 ĐKKD.
NHNN (257)
Kế hoạch ban hành 1 Nghị định và 1 thông tư để đơn giản, cắt giảm 80 ĐKKD (31%). Đã ban hành 1 thông tư cắt giảm 27 ĐKKD.
NN&PTNT (345)
Dự kiến sửa đổi, bổ sung 3 Luật và xây dựng 2 Nghị định để cắt giảm, bãi bỏ 243 ĐKKD (69,8%). Đã trình ký ban hành Luật Thủy sản cắt giảm 53 ĐKKD. Tuy nhiên, theo rà soát độc lập của VPCP, theo phương án mới nhất tại dự thảo Nghị định đang trình Chính phủ thì mới chỉ cắt giảm, đơn giản hoá 119/345 ĐKKD (chỉ đạt 34,5%).
Y tế (1.871)
Kế hoạch sửa đổi, bổ sung 06 Luật và xây dựng 02 Nghị định, dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 1.363 ĐKKD (đạt 72,85%) và 169/234 thủ tục (đạt 72,22%).
TN&MT (163)
Đang trình Chính phủ Nghị định đơn giản, cắt giảm 101 ĐKKD (đạt 61,9%).
GTVT (570)
Kế hoạch sửa đổi, bổ sung 20 Nghị định để đơn giản, cắt giảm 346 ĐKKD, đạt 60,7%. Đã trình Chính phủ được 09 Nghị định.
LĐTB&XH (112)
Kế hoạch  xây dựng 01 Nghị định sửa nhiều Nghị định về ĐKKD và sửa đổi, bổ sung 04 Nghị định để đơn giản, cắt giảm 78 ĐKKD, đạt 69,64% và 85 thủ tục.
KH&CN (121)
Đã trình dự thảo Nghị định sửa nhiều Nghị định về ĐKKD, đơn giản, cắt giảm 61 ĐKKD, đạt 50,41%.
VHTT&DL (122)
Kế hoạch xây dựng 02 Nghị định và sửa đổi 01 Luật để đơn giản, cắt giảm 71 ĐKKĐ, đạt 58,2%. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP đã đơn giản hóa 03 ĐKKD.
Công an (138)
Kế hoạch sửa đổi, bổ sung 01 Nghị định để cắt giảm 5 ĐKKD, đạt 3,62%. Hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng dự thảo.
Quốc phòng (22)
Đang xây dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh để thực hiện phương án đơn giản hóa, cắt giảm 13 ĐKKD (đạt 59%). 
Tư pháp (94)
Kế hoạch xây dựng 01 Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật và sửa 02 Nghị định để cắt giảm 49 ĐKKD (52,1%).
Tài chính (370)
Kế hoạch sửa 06 luật và xây dựng 01 Nghị định sửa nhiều Nghị định để đơn giản, cắt giảm 190 ĐKKD (51,35%). Nghị định đã trình Chính phủ.


Bộ NN&PTNT dự kiến cắt 5.206 dòng hàng phải kiểm tra

Hiện có tổng số 9.926 dòng hàng phải  kiểm tra chuyên ngành và 120 thủ tục kiểm tra, các Bộ đã xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm 6.003 dòng hàng và 74 thủ tục.

Trong đó, các Bộ có nhiều dòng hàng và cũng có kế hoạch cắt giảm nhiều nhất bao gồm: NN&PTNT (7.698 dòng hàng, dự kiến cắt giảm 5.206 dòng hàng); Y tế (5 mặt hàng với 815 dòng hàng áp mã HS, kế hoạch cắt giảm toàn bộ 815 dòng hàng - chuyển sang hậu kiểm); Công Thương (702 dòng hàng, đã ban hành 02 Thông tư, cắt giảm 402 dòng hàng, đạt 57,3%)…

Đến nay đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.689 dòng hàng (đạt 34% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt 28,1% so với dự kiến) và 30 thủ tục (đạt 50% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt 40,5% so với dự kiến).

Còn 4.314 dòng hàng (chiếm 66%) đã xây dựng phương án đơn giản, cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể, thuộc trách nhiệm của 03 Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an.

Nhìn chung, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành đã cải thiện hơn so với tháng trước nhưng tỷ lệ cắt giảm đạt thấp so với phương án dự kiến và tiến độ còn chậm so với so với yêu cầu đặt ra.

Kết quả cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành cụ thể như sau:

Bộ, cơ quan (số dòng hàng)
Kết quả rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa
Công Thương (702)
Đã ban hành 02 Thông tư, cắt giảm 402 dòng hàng (đạt 57,3%). 
TT&TT (146)
Đã ban hành 01 thông tư và 01 Quyết định, cắt giảm 89 dòng hàng (đạt 60,9%).
LĐTB&XH (33)
Đã ban hành 01 Nghị định đơn giản hóa, cắt giảm 33 dòng hàng (100%).
KH&CN (24)
Đã ban hành 01 Nghị định và 01 Thông tư để đơn giản hóa, cắt giảm được 22 dòng hàng (đạt 91,67%).
GTVT (134)
Đã ban hành 02 thông tư để đơn giản, cắt giảm được 69 dòng hàng, đạt 51,11%.
Xây dựng (70)
Đã ban hành 01 Thông tư để đơn giản, cắt giảm được 39 dòng hàng (đạt 55,7%).
VHTT&DL (171 dòng hàng có gắn mã HS)
Đã ban hành 02 Thông tư để cắt giảm 51 dòng hàng (đạt 30%) (không đạt chỉ tiêu 50% do tính chất đặc thù của sản phẩm hàng hóa phải KTCN theo cam kết quốc tế) và đơn giản hóa 9/10 thủ tục về KTCN.
TN&MT (74)
Kế hoạch xây dựng 01 Nghị định để sửa đổi 02 Nghị định.Đã  ban hành được 01 Thông tư, cắt giảm 38 dòng hàng (đạt 51,35%); đơn giản hóa 13/13 thủ tục.
Y tế (5 mặt hàng với 815 dòng hàng áp mã HS).
Kế hoạch cắt giảm toàn bộ 815 dòng hàng (chuyển sang hậu kiểm).
NNPTNT (7.698)
Dự kiến cắt giảm 5.206 dòng hàng
Công an (65)
Dự thảo 01 Thông tư để thực hiện phương án đơn giản, cắt giảm 60 dòng hàng (92,31%).


Tổ công tác của Thủ tướng kiến nghị các Bộ quyết liệt thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành các văn bản để chính thức áp dụng phương án đơn giản, cắt giảm danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh.

"Việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh phải thực chất, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giảm tối đa chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng phát biểu.

Trong trường hợp, các quy định hiện hành liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh tại các thông tư của các Bộ, cơ quan chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời mà chồng chéo, bất cập với các quy định tại các Luật, Nghị định của Chính phủ thì thực hiện theo các quy định tại Luật, Nghị định của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc ban hành Thông tư của các Bộ, cơ quan làm phát sinh các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, “biến tướng” các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn thành điều kiện kinh doanh.

Theo baochinhphu.vn