Chủ nhật, 17/11/2024, 07:34[GMT+7]

Thanh toán không tiền mặt tăng mạnh mùa dịch

Thứ 6, 17/04/2020 | 08:30:45
1,252 lượt xem
Người dân hạn chế ra đường trong thời gian cách ly xã hội và nhiều ưu đãi từ nhà cung cấp đã giúp thanh toán trực tuyến lên ngôi.

Người dùng 'lướt' Grab để đi siêu thị trực tuyến và thanh toán bằng Moca mùa dịch. Ảnh: Viễn Thông

Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều khuyến nghị cùng với biện pháp "cách ly xã hội" của Chính phủ, người dân đang có xu hướng hạn chế sử dụng tiền mặt cho các giao dịch hàng ngày. Các hình thức thanh toán không tiền mặt như chuyển khoản, dùng thẻ tín dụng và ví điện tử đang lên ngôi. 

Kết thúc quý I/2020, VPBank cho biết, giá trị giao dịch qua các kênh số hóa đã tăng 25% và số lượng giao dịch tăng 50% so với cùng kỳ. Hay như Shopee - nền tảng mua sắm trực tuyến đang dẫn đầu về lượng truy cập tại Việt Nam cũng chứng kiến chiều hướng tích cực. "Chúng tôi ghi nhận xu hướng thanh toán phi tiền mặt trên nền tảng Shopee và ví điện tử AirPay gia tăng trong thời gian gần đây", ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam nói.

Chia sẻ với VnExpress, một số đơn vị trung gian, công nghệ thanh toán cũng xác nhận sự gia tăng tích cực của số lượng thanh toán trực tuyến trong khoảng 2 tháng trở lại đây, tức thời điểm dịch bùng phát tại Việt Nam.   

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch, Nhà đồng sáng lập MoMo, số lượng thanh toán bằng MoMo trên các nền tảng mua sắm, giao đồ ăn trực tuyến như Tiki, Lazada, Baemin... đều tăng trưởng vài trăm phần trăm. Đặc biệt là sự bùng nổ của việc thanh toán mua hàng hóa tại các siêu thị, ứng dụng giải trí, giáo dục trực tuyến, đăng ký khám bệnh, thanh toán dịch vụ công, có những dịch vụ tăng cả chục lần so với trước đây.

Đại diện Moca cũng ghi nhận sự gia tăng các giao dịch thanh toán không tiền mặt thông qua ví Moca, đặc biệt là các giao dịch thanh toán cho dịch vụ trên nền tảng Grab như GrabFood, GrabMart và gần đây nhất là GrabAssistant.

Cùng với các ví điện tử, Visa cũng khẳng định, việc cách ly xã hội thời gian qua đã tạo ra sự thay đổi rõ rệt trong thói quen thanh toán của người dân. "Người tiêu dùng đã dần chuyển dịch nhiều hơn từ sử dụng tiền mặt sang các phương thức thanh toán điện tử khác để phục vụ cho nhu cầu mua sắm hàng ngày", bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, nhận xét.

Ngoài chuyển dịch chủ động từ người dùng, các thành phần trong hệ sinh thái thanh toán điện tử ở Việt Nam cũng rất nhanh nhạy chớp thời cơ để thổi bùng nhu cầu thanh toán trực tuyến. Cuối tháng 3, Visa đã công bố hợp tác cùng NextPay, đơn vị đang đặt mục tiêu sẽ phát triển 300.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ tại Việt Nam vào năm 2023.

Theo bà Dung, để khuyến khích người dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc, Visa và đối tác sẽ triển khai chương trình ưu đãi tại các siêu thị lớn như hệ thống Saigon Co.op, Lotte Mart và chuỗi Starbucks để họ dễ dàng thanh toán trong thời điểm nhạy cảm này.

MoMo - ví điện tử hiện có hơn 22.000 đối tác cung cấp dịch vụ và hàng trăm nghìn điểm chấp nhận thanh toán cho biết vẫn theo đuổi quan điểm phát triển dịch vụ theo hướng một người không am hiểu nhiều về công nghệ cũng dùng được. Mùa dịch này, công ty đang tích cực đẩy các chương trình khuyến mãi, tích điểm cho người sử dụng. Chiến dịch ưu đãi mua đồ ăn trên Beamin khi thanh toán qua ví này là ví dụ.

"Đây cũng là cơ hội để phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt đến nhiều người dân, đóng góp vào mục tiêu đưa Việt Nam hướng đến nền kinh tế không tiền mặt theo định hướng của Chính phủ", đại diện Moca bình luận.

Là đối tác chiến lược của Grab nên Moca có cơ hội phối hợp chặt chẽ với nền tảng này để triển khai các ưu đãi và tung ra sản phẩm mới, nhằm gia tăng trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt. Ví dụ như Gói tiết kiệm GrabFrom-Home, GrabMart, GrabAssistant, thanh toán qua ví Moca trên Grab, giúp giải quyết nhu cầu ăn uống, giao hàng hằng ngày mà không cần phải rời khỏi nhà.

Shopee thì đang miễn phí vận chuyển các đơn hàng đạt giá trị nhất định và tặng voucher giảm 100% cho người dùng lần đầu thanh toán bằng ví AirPay khi mua sắm trên nền tảng này. Bà Đặng Tuyết Dung nhận định, Covid-19 đã mang lại cơ hội lớn cho các nền tảng thương mại điện tử. Các phương thức thanh toán mới cũng được thêm vào các nền tảng này để mang lại những trải nghiệm mua sắm tiện lợi nhất cho khách hàng.     

"Tuy nhiên, sự tiện lợi này đôi khi cũng đi cùng những rủi ro giao dịch. Vì vậy, để đảm bảo an toàn khi thanh toán, người tiêu dùng nên nâng cao cảnh giác đối với tin tặc và các trang web độc hại để đề phòng các rủi ro liên quan đến bảo mật thông tin cá nhân", bà Dung khuyến cáo.

Theo vnexpress.net