Chủ nhật, 17/11/2024, 11:36[GMT+7]

Hoãn tăng lương, thu ngân sách nhà nước đạt mức thấp nhất trong 7 năm

Thứ 3, 07/07/2020 | 19:58:15
2,337 lượt xem
Với mức tăng GDP 6 tháng đạt 1,81%, kim ngạch XNK giảm nên khả năng đạt được các mục tiêu tăng trưởng theo các kịch bản Chính phủ là hết sức khó khăn.

Thu NSNN đạt mức thấp nhất kể từ năm 2013. (Ảnh minh họa: KT)

Thu NSNN thấp nhất kể từ năm 2013

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2020 tổ chức sáng nay 7/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá dầu thô thế giới giảm sâu, kết hợp với việc thực hiện các chính sách ưu đãi về thuế, phí và các khoản thu khác, nên thu ngân sách nhà nước (NSNN) những tháng đầu năm có xu hướng giảm.

Tính đến hết tháng 6/2020, tổng thu NSNN ước đạt 668.700 tỷ đồng, bằng 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất kể từ năm 2013. Trong đó, thu ngân sách trung ương ước đạt 41,8% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 51,7%); thu ngân sách địa phương đạt 47,4% dự toán (cùng kỳ năm 2019 đạt 54,6%).

Trong thu nội địa, thu từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp. Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 37,1% dự toán, giảm 21,5%; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 41,9% dự toán, giảm 6,3%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 37,1% dự toán, giảm 15%. Kết quả này phản ánh thực trạng nền kinh tế hiện nay, cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn.

Cả nước có 34/63 địa phương thu 6 tháng đạt trên 50% dự toán; không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số thì chỉ có 14/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán; 30/63 địa phương tiến độ thực hiện thu đạt dưới 45% dự toán.

Trong 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về Trung ương, chỉ có 5/16 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% (Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu); 11 địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó 8 địa phương đạt dưới 40% dự toán.

Về điều hành chi NSNN, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng chi NSNN đến hết tháng 6 ước đạt 729.400 tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán. Nhìn chung, công tác điều hành chi NSNN được thực hiện chủ động, đảm bảo chặt chẽ, đúng chính sách, chế độ.

Cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, với mức tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chỉ đạt 1,81%, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) đều giảm so với cùng kỳ, thì khả năng đạt được các mục tiêu tăng trưởng theo các kịch bản Chính phủ đã báo cáo Quốc hội là hết sức khó khăn, từ đó, ảnh hưởng đến cân đối thu-chi NSNN.

"Trong bối cảnh hết sức khó khăn, ngành Tài chính đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN đã đề ra; điều hành thu, chi ngân sách chủ động ứng phó với dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép; góp phần quan trọng thực hiện “nhiệm vụ kép” - vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân; duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao hơn so với nhiều nước trên thế giới, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Để giảm bớt tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động điều hành chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, bố trí trong dự toán được giao để thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng.

Đồng thời, rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết; đồng thời, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, 6 tháng cuối năm, ngành Tài chính đã đề ra 10 nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện. Trong số đó, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, tăng cường thu hút vốn đầu tư cho phát triển kinh tế.

Đồng thời, tổ chức điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nợ của chính quyền địa phương; tăng cường công tác quản lý giá, thị trường, tiếp tục phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính; đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, hiệu lực, hiệu quả và đẩy mạnh đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công.

Bộ Tài chính sẽ siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản...; chủ động hợp tác, hội nhập tài chính quốc tế; chuẩn bị tốt các điều kiện và tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2021, kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2021-2023.../.

Theo vov.vn