Chủ nhật, 17/11/2024, 13:45[GMT+7]

Khắc phục khó khăn trong điều hành ngân sách những tháng cuối năm

Thứ 2, 17/08/2020 | 08:39:10
7,849 lượt xem
Theo dự toán năm 2020, Thái Bình được giao tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) gần 15.300 tỷ đồng, tổng thu ngân sách địa phương gần 12.600 tỷ đồng và tổng chi ngân sách địa phương hơn 13.400 tỷ đồng. Trước tác động của dịch Covid-19 từ đầu năm, đặc biệt là sự tác động trở lại vào cuối tháng 7/2020 khiến công tác điều hành ngân sách trong những tháng cuối năm của tỉnh càng trở nên khó khăn hơn.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Sợi dệt Hương Sen Comfor.

Trong tổng thu ngân sách địa phương, đến hết tháng 7/2020 tổng thu nội địa mới chỉ đạt 3.552,6 tỷ đồng, đạt 51% dự toán, bằng 94,4% so với cùng kỳ; trong đó tổng thu trừ tiền sử dụng đất đạt 2.301,6 tỷ đồng, đạt 39,2% dự toán, bằng 83,8% cùng kỳ. Nhiều chỉ tiêu thu vẫn còn đạt tỷ lệ thấp so với dự toán như: thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tổng thu 41,5 tỷ đồng, đạt 48,8% dự toán), thu thuế công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh (tổng thu 874,85 tỷ đồng, đạt 43% dự toán).

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực thành phố Thái Bình - Vũ Thư kiểm tra việc sử dụng hóa đơn của hộ kinh doanh Ngô Xuân Thái (phường Đề Thám, thành phố Thái Bình).

Sở dĩ kết quả thu ngân sách trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay còn thấp là do tác động của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó làm giảm thu nhập của người nộp thuế. Bên cạnh đó, việc thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo Nghị định số 41 của Chính phủ cho người nộp thuế bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian 5 tháng nên số thuế phát sinh trong các tháng từ tháng 3 đến tháng 6 sẽ được nộp vào tháng 10/2020. Là một trong những đơn vị luôn có số nộp ngân sách lớn cho tỉnh, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng trầm trọng, nhu cầu tiêu dùng của doanh nghiệp và nhân dân giảm mạnh, trong khi đó giá xăng dầu cũng giảm mạnh đột ngột nên Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà chưa đạt được kết quả kinh doanh như mục tiêu đã đề ra. Đến hết tháng 6/2020, sản lượng các mặt hàng xăng dầu Công ty đã xuất ra thị trường giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2019. Bà Trần Tuyết Mai, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng Công ty cam kết từ nay đến cuối năm sẽ nộp đủ số thuế đã kê khai năm 2020 là hơn 2.000 tỷ đồng.

Ông Phan Hồng Việt, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với công tác thu ngân sách trong những tháng cuối năm đó là nền kinh tế vừa có dấu hiệu phục hồi thì dịch Covid-19 lại tiếp tục bùng phát với nhiều diễn biến phức tạp hơn. Chính vì thế, để hoàn thành được dự toán do Bộ Tài chính giao, từ nay đến cuối năm, ngành Thuế sẽ chủ động triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế; rà soát các nguồn thu còn dư địa, còn tiềm năng để khai thác tăng thu, bù đắp một phần số hụt thu NSNN do dịch Covid-19 gây ra; đồng thời, tăng cường kiểm soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, thanh tra... từ đó tạo nguồn thu ngân sách ổn định, vững chắc. Ngoài ra, ngành Thuế cũng chủ động phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho tỉnh hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường ổn định cho người nộp thuế nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Giày Victory Việt Nam (cụm công nghiệp thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư).

Do nguồn thu cho NSNN còn nhiều hạn chế nên để bảo đảm cân đối ngân sách địa phương, từ đầu năm đến nay, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và các sở, ngành trong tỉnh tích cực chỉ đạo công tác chi ngân sách theo hướng triệt để tiết kiệm, cắt giảm các khoản chi không cần thiết nhằm bảo đảm các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, y tế, thanh toán các khoản nợ đến hạn, phòng, chống dịch Covid-19, bệnh dịch tả lợn châu Phi và các khoản chi cho công tác an sinh xã hội. 

Bà Thái Thị Thu Hường, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính cho biết: Theo nguyên tắc điều hành ngân sách thì tăng thu tiền sử dụng đất sẽ bố trí cho tăng chi đầu tư xây dựng cơ bản tương ứng và với nguyên tắc điều hành ngân sách như vậy năm 2020 rất có thể sẽ xảy ra tình trạng hụt thu ở cả ba cấp ngân sách. Chính vì thế, để bảo đảm cân đối ngân sách địa phương, ngành Tài chính đã chủ động xây dựng phương án cân đối ngân sách đối với cả ba cấp ngân sách; đồng thời, thực hiện điều hành tài chính ngân sách linh hoạt, đẩy mạnh kiểm soát chi theo hướng triệt để tiết kiệm để cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết chuyển sang năm 2021, chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, chi thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và chi thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, các cấp ngân sách cũng chủ động dành nguồn kinh phí từ ngân sách cấp mình và dự phòng ngân sách địa phương để tập trung cho các nhiệm vụ chi phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh (đặc biệt là dịch Covid-19) và xử lý các nhu cầu cấp thiết về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh tại địa phương; sắp xếp, bổ sung, điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp với khả năng thu ngân sách đồng thời theo dõi chặt chẽ tình hình biến động tồn quỹ ngân sách để quản lý, điều hành ngân sách bảo đảm khả năng thanh toán, chi trả của ngân sách địa phương.

7 tháng đầu năm 2020:
  • Tổng thu NSNN ước đạt trên 11.853 tỷ đồng, tăng 9%; trong đó, thu nội địa ước đạt hơn 3.550 tỷ đồng, đạt 51% dự toán, bằng 94,4%; thu thuế xuất nhập khẩu ước đạt gần 617 tỷ đồng, giảm 8,1%; trợ cấp ngân sách trung ương ước đạt 7.732 tỷ đồng, tăng 17,5%;
  • Tổng chi ngân sách địa phương ước đạt trên 7.598 tỷ đồng, tăng 6%; trong đó chi phát triển kinh tế ước đạt 7.582 tỷ đồng, tăng 14%; chi tiêu dùng thường xuyên ước đạt 4.007 tỷ đồng, tăng 8%.
(Các số liệu so sánh với cùng kỳ năm 2019)


Minh Hương