Chủ nhật, 17/11/2024, 13:43[GMT+7]

Ngành Thuế Thái Bình: 75 năm xây dựng và trưởng thành

Thứ 3, 08/09/2020 | 09:10:26
5,037 lượt xem

Các đơn vị thuộc ngành Thuế Thái Bình ký giao ước thi đua năm 2020.

Ngày 10/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký Sắc lệnh số 27 lập ra Sở Thuế quan và thuế gián thu. Đây là dấu mốc quan trọng, đặt nền móng cho sự ra đời, trưởng thành và phát triển của ngành Thuế Việt Nam. Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thuế Thái Bình cùng với ngành Thuế cả nước đã từng bước lớn mạnh, luôn làm trọn trách nhiệm trong việc động viên các nguồn lực tài chính phục vụ các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tự hào truyền thống ngành Thuế

Trong những năm đầu mới thành lập (1945 - 1950), Ty sở Thuế trực thu Thái Bình trực thuộc Ủy ban hành chính lâm thời với nhiệm vụ là tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia tích cực các phong trào “Tuần lễ vàng và quỹ độc lập”, đóng góp quỹ kháng chiến..., tổ chức thu các loại thuế để động viên những người ở hậu phương đóng góp tiền của vào công cuộc kháng chiến. Chỉ trong một thời gian ngắn nhân dân Thái Bình đã đóng góp 370 lạng vàng, 60kg bạc và nhiều tiền mặt cho quỹ ngân sách. Đây là nguồn lực tài chính ban đầu vô cùng quan trọng, không chỉ giúp tỉnh giải quyết được những khó khăn trước mắt cho sự vận hành của bộ máy chính quyền còn non trẻ mới được thành lập mà còn góp phần chi viện cho kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1951, Chi sở Thuế vụ trực thuộc Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Thái Bình được thành lập và bắt đầu thực hiện chính sách thuế nông nghiệp. Trong năm đầu thực hiện, toàn tỉnh Thái Bình đã thu 10.000 tấn thóc thuế và đến năm 1953 thu được 21.800 tấn thóc thuế. Những kết quả đạt được của công tác thuế thời kỳ này rất đáng khích lệ, góp phần tăng thu cho ngân sách, ổn định tiền tệ giá cả, bảo đảm đời sống cán bộ, bộ đội, phục vụ đắc lực cho nhu cầu kháng chiến, góp phần đáng kể vào sự nghiệp giải phóng hoàn toàn Thái Bình vào tháng 6/1954.

Bước sang giai đoạn 1954 - 1960, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình đã kiện toàn một bước về tổ chức thu thuế công thương nghiệp, tăng cường số lượng cán bộ thuế từ bộ đội và cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Một số nguồn thu quan trọng đã được quản lý thu hiệu quả. Vì vậy, chỉ trong 5 năm (1956 - 1959), Thái Bình đã đóng góp cho ngân sách trung ương 44,5 triệu đồng, chiếm 57,6% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh. Cuối năm 1960, Chi sở Thuế vụ sáp nhập và trở thành một phòng của Ty Tài chính. Đến tháng 10/1990, Cục Thuế tỉnh Thái Bình được thành lập theo Quyết định số 314/TC/QĐ-TCCB, ngày 21/8/1990 của Bộ trưởng Bộ Tài chính trên cơ sở hợp nhất ba tổ chức thu (thu quốc doanh, thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp), với cơ cấu tổ chức bộ máy gồm 8 chi cục thuế huyện, thị xã và 10 phòng chức năng thuộc Văn phòng Cục Thuế tỉnh. Thời gian đầu, toàn ngành có hơn 400 cán bộ, công chức nhưng chỉ có 8% trình độ đại học, 40% trình độ trung cấp, còn lại là sơ cấp và nhân viên thuế khác. Sau nhiều lần điều chỉnh cơ cấu tổ chức, đến nay tổ chức bộ máy của Cục Thuế tỉnh từng bước được kiện toàn theo mô hình chức năng gồm 12 phòng chuyên môn và 5 chi cục thuế các huyện, khu vực trực thuộc với tổng số 441 công chức và người lao động, trong đó 96,4% công chức và người lao động có trình độ đại học và trên đại học.

Minh bạch - chuyên nghiệp - liêm chính - đổi mới

Với phương châm hoạt động của toàn ngành đó là “Minh bạch - chuyên nghiệp - liêm chính - đổi mới”, từ khi thành lập đến nay, ngành Thuế Thái Bình đã nỗ lực không ngừng, bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để có những giải pháp thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước, từ đó tạo động lực hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, đưa tỉnh ngày càng phát triển vững chắc. Xác định công tác tuyên truyền, hỗ trợ có vai trò quan trọng đối với công tác quản lý thuế nên từ Văn phòng Cục đến chi cục thuế các huyện và khu vực đều hình thành mạng lưới tuyên truyền, hỗ trợ tích cực các chính sách thuế cho người nộp thuế bằng nhiều phương thức như: điện tử, hội nghị đối thoại doanh nghiệp được tổ chức định kỳ hàng quý, tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế... Ngoài ra, hàng năm ngành Thuế Thái Bình còn tổ chức hội nghị tuyên dương người nộp thuế, qua đó động viên và khen thưởng kịp thời các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thành tích tiêu biểu trong thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được ngành Thuế Thái Bình tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Trung bình hàng năm, toàn ngành thực hiện kiểm tra và thanh tra tại trụ sở người nộp thuế từ 10 - 15% tổng số các đơn vị đang hoạt động, qua đó đã phát hiện tăng thu cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành Thuế Thái Bình còn quan tâm chỉ đạo công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; thực hiện nghiêm túc quy trình quản lý và cưỡng chế nợ thuế, kiên quyết thực hiện các biện pháp thu nợ đối với các doanh nghiệp nợ đọng tiền thuế như: tăng cường biện pháp cưỡng chế qua tài khoản ngân hàng, kho bạc; đình chỉ sử dụng hóa đơn; thu qua bên thứ 3; thu bù trừ thông qua hoàn thuế; phối hợp với cơ quan Công an để thu nợ thuế... Công tác kê khai và kế toán thuế cũng từng bước được đổi mới, tạo sự phát triển đột phá của ngành Thuế Thái Bình trong việc quản lý cơ sở dữ liệu về người nộp thuế. Thay bằng việc tính thuế và thông báo nộp thuế như trước đây, giờ đây bộ phận kê khai và kế toán thuế quản lý, xử lý toàn bộ dữ liệu của ngành về người nộp thuế và kết nối trao đổi thông tin với các ngành Kho bạc, Ngân hàng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính...; đồng thời, tích cực hỗ trợ người nộp thuế khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 99,1% người nộp thuế thực hiện kê khai thuế điện tử; 99,4% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử với cơ quan thuế và với ngân hàng thương mại. Công tác cải cách thủ tục hành chính thuế và hiện đại hóa công tác quản lý đã rút ngắn số giờ nộp thuế của doanh nghiệp từ 537 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm.

Với nỗ lực, quyết tâm của các thế hệ cán bộ, công chức, ngành Thuế Thái Bình đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Giai đoạn 1990 - 2020, ngành Thuế Thái Bình luôn hoàn thành xuất sắc dự toán thu ngân sách nhà nước với số thu năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 1991 số thu chỉ đạt 68,2 tỷ đồng, đạt 120,3% dự toán thì đến năm 2002 số thu đạt 199,3 tỷ đồng, đạt 159,4% dự toán, tăng gấp 3 lần so với năm 1991. Giai đoạn 2011 - 2015, tổng thu đạt 16.164,9 tỷ đồng, đạt bình quân 139,1%/năm dự toán Bộ Tài chính; đặc biệt, năm 2013 đã vượt ngưỡng 3.000 tỷ đồng, về đích trước thời hạn 2 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra và năm 2014 là một trong những tỉnh đứng tốp đầu của cả nước về tỷ lệ vượt cao so với dự toán. Đến giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu ước thực hiện đạt 37.442,7 tỷ đồng; trong đó năm 2016, tổng thu đạt trên 8.000 tỷ đồng, đạt mục tiêu phấn đấu cuối nhiệm kỳ ngay từ năm thứ nhất theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra; năm 2019 số thu từ nội bộ nền kinh tế đạt trên 8.500 tỷ đồng, vượt 35% dự toán với tất cả các đơn vị, địa phương đều vượt dự toán được giao.

Nhìn lại chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thuế Thái Bình luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, liên tục đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc, được Bộ Tài chính, UBND tỉnh tặng cờ thi đua; nhiều tập thể, cá nhân trong ngành được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND tỉnh tặng Huân chương Lao động, bằng khen, giấy khen về thành tích xuất sắc trong công tác thu ngân sách. Những thành tích đó đã góp phần không nhỏ vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương và tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành Thuế Việt Nam.

CỤC THUẾ THÁI BÌNH