Chủ nhật, 17/11/2024, 06:39[GMT+7]

Ngành Ngân hàng Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Thứ 6, 01/01/2021 | 14:01:23
4,369 lượt xem

Hoạt động giao dịch ở Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Bình.

Năm 2020 có thể nói là một năm hoạt động đầy khó khăn, thử thách đối với hệ thống ngân hàng cả nước nói chung, ngân hàng Thái Bình nói riêng bởi những tác động nặng nề của dịch Covid-19. Trước khó khăn đó, ngành Ngân hàng Thái Bình đã chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các giải pháp bảo đảm vừa chống dịch hiệu quả vừa cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngân hàng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và của tỉnh, đặc biệt là dịch vụ tín dụng, thanh toán, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần duy trì, khôi phục, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân, hộ sản xuất trên địa bàn, tạo cơ sở phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trên địa bàn tỉnh, ngoài NHNN Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng còn có 26 chi nhánh ngân hàng và 85 quỹ tín dụng nhân dân. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thành lập 8 chi nhánh cấp huyện, thành phố, 93 phòng giao dịch, 45 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 64 xã liền kề và 260 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội trải rộng khắp các xã, phường, thị trấn. Về cơ bản đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngay từ đầu năm, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm huy động tối đa lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức kinh tế để đầu tư nền kinh tế. Đến hết tháng 12/2020, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt 86.770 tỷ đồng, tăng 18% so với 31/12/2019; trong đó tiền gửi dân cư chiếm 92,7% và tiền gửi tổ chức kinh tế chiếm 7,3%. Các TCTD trên địa bàn tập trung vốn cho vay các chương trình trọng điểm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, người nghèo và các đối tượng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và của tỉnh. Cụ thể, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 24.240 tỷ đồng, với gần 114.000 khách hàng còn dư nợ, tăng 9% so với 31/12/2019, chiếm 37,6% tổng dư nợ cho vay; cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 5.835 tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng dư nợ cho vay, với gần 42.000 khách hàng đang vay vốn; cho vay thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đạt 650 tỷ đồng, tăng 11,9% so với 31/12/2019; cho vay hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất, giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 23 tỷ đồng, với 115 khách hàng còn dư nợ; cho vay 24 dự án nước sạch nông thôn của tỉnh, số tiền đã giải ngân 427 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 189 tỷ đồng; cho vay tín dụng chính sách đạt 3.200 tỷ đồng... Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 song ngành Ngân hàng Thái Bình vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng tương đối ổn định, tổng dư nợ cho vay đến 31/12/2020 đạt trên 64.400 tỷ đồng, tăng 9% so với thời điểm 31/12/2019, tương đương mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn quốc.

Không chỉ tập trung nguồn vốn cho vay khách hàng, các TCTD trên địa bàn còn triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của NHNN Việt Nam. Đến nay đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 413 khách hàng, dư nợ được cơ cấu 545 tỷ đồng; miễn, giảm lãi tiền vay cho 1.748 khách hàng, số tiền lãi hỗ trợ gần 400 triệu đồng; cho vay mới hơn 4.700 khách hàng, doanh số cho vay đạt gần 16.200 tỷ đồng, lãi suất cho vay giảm mạnh so với trước khi có dịch Covid-19 từ 0,5 - 1,5%/năm, đã giúp khách hàng tiết kiệm chi phí lãi vay khoảng 80 tỷ đồng. Sự hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả của ngành Ngân hàng đã giúp các doanh nghiệp, khách hàng vay vốn vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

Năm 2020 đánh dấu sự phát triển mạnh của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm phục vụ tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, hạn chế tiếp xúc đông người, các TCTD trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa công nghệ, đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt: thanh toán qua mạng internet, qua phần mềm điện thoại, qua thiết bị chấp nhận thẻ, phát hành các loại thẻ đa năng phục vụ thanh toán như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, thẻ nội địa, thẻ quốc tế... đồng thời giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử khoảng 30% đối với tất cả các giao dịch thanh toán qua ngân hàng. Với các giải pháp nêu trên, doanh số thanh toán qua ngân hàng năm 2020 đạt trên 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2019; trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm khoảng 75% tổng doanh số thanh toán.

Năm 2020 diễn ra đại hội đảng bộ các cấp; để triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, ngành Ngân hàng Thái Bình đã xây dựng chương trình hành động chung của ngành, trong đó đề ra mục tiêu, giải pháp phấn đấu thực hiện của ngành trong giai đoạn 2020 - 2025 đó là tốc độ tăng trưởng huy động vốn bình quân năm 14 - 16%, dư nợ tín dụng bình quân 12 - 14%, doanh số thanh toán qua hệ thống ngân hàng bình quân 20 - 22%/năm. Năm 2021 dự báo là một năm tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19; để thực hiện hiệu quả chương trình hành động của ngành Ngân hàng góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục bám sát định hướng, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tới các TCTD trên địa bàn, góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; định hướng, chỉ đạo các TCTD tăng cường đầu tư cho vay nền kinh tế; tập trung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, của tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng, tiếp tục thực hiện cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 của Quốc hội, chủ động phòng, chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; chấn chỉnh, củng cố hoạt động hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, xử lý quỹ tín dụng nhân dân yếu kém và tăng cường quản lý, giám sát tổ chức tài chính vi mô. Các TCTD đẩy mạnh huy động vốn từ nội bộ nền kinh tế thông qua việc phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đa dạng hóa các loại hình huy động và cho vay, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng có hiệu quả đi đôi với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu, định hướng chung của ngành; thực hiện hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; phát triển mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai có hiệu quả đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hóa công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chất lượng theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực quy định, đáp ứng yêu cầu quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của ngành Ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.

Một số chỉ tiêu chính hoạt động ngân hàng Thái Bình đạt được đến 31/12/2020:

  • Tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt 86.770 tỷ đồng, tăng 18%;
  • Tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt 64.445 tỷ đồng, tăng 9%;
  • Doanh số mua bán ngoại tệ đạt 1.930 triệu USD, tăng 3,4%;
  • Doanh số thanh toán xuất nhập khẩu qua ngân hàng đạt 1.290 triệu USD, giảm 2,9%;
  • Giá trị kiều hối chuyển về tỉnh qua hệ thống ngân hàng đạt 78 triệu USD, giảm 9%;
  • Các TCTD trên địa bàn đã lắp đặt 185 máy ATM, 715 thiết bị chấp nhận thẻ POS, tăng 13 máy ATM và 70 máy POS;
  • Toàn ngành cung ứng kịp thời, cơ cấu hợp lý tiền mặt ra lưu thông với tổng thu tiền mặt đạt 406.000 tỷ đồng, tăng 17,3%; tổng chi tiền mặt đạt 405.400 tỷ đồng, tăng 18,1%;
  • Thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn với tổng kinh phí tài trợ 44,5 tỷ đồng cho các hoạt động tài trợ giáo dục, xây dựng công trình giao thông, ủng hộ các gia đình chính sách, đồng bào lũ lụt miền Trung, ủng hộ các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn...
(Thời điểm so sánh với 31/12/2019)


Phan Thị Tuyết Trinh
(Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh)