Hệ thống giao dịch chứng khoán mới có thể tải 3-5 triệu lệnh/ngày
Đây là khẳng định của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), HOSE và lãnh đạo FPT tại tọa đàm trực tuyến “Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và giải pháp” do CLB Nhà báo chứng khoán tổ chức ngày 24/6 tại Hà Nội.
Ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HOSE cho biết, HOSE đang tích cực phối hợp với đối tác FPT, cũng như lãnh đạo Bộ Tài chính để phấn đấu sớm triển khai hệ thống mới của FPT.
Về tình trạng nghẽn lệnh, ông Lê Hải Trà lý giải, số lượng lệnh hệ thống có thể xử lý trong một ngày giao dịch tối đa 900.000, nhưng thời gian qua, nhiều lúc do số lượng lệnh tham gia giao dịch vượt quá giới hạn trên, nên xảy ra tình trạng nghẽn lệnh.
Dưới góc nhìn công nghệ, ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) cho biết, FPT đã cử 50 cán bộ, chuyên gia phối hợp với 30 cán bộ, chuyên gia của HOSE. Các đội đang làm việc ngày đêm để thử nghiệm duy trì cho đến khi hệ thống mới sẵn sàng bàn giao và đưa vào vận hành.
FPT đang kiểm tra về an ninh bảo mật và ngưỡng hệ thống, song song với đó, xây dựng quy trình vận hành, nhất là khi xảy ra sự cố.
Hệ thống đặt mục tiêu năng lực 3-5 triệu lệnh/ngày và bỏ cơ chế phân bổ lệnh. Các công ty chứng khoán đẩy lệnh theo đúng năng lực, cùng với đó là làm chủ năng lực công nghệ, chủ động nâng cấp…
“Về số lượng lệnh gửi vào mỗi giây, hệ thống mới đang được kiểm tra và ngưỡng đáp ứng cao hơn rất nhiều so với hệ thống cũ đang dùng”, ông Dương Dũng Triều cho hay.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng cho biết, khi tình trạng nghẽn lệnh xảy ra, Bộ Tài chính đã coi sự cố này là tình trạng khẩn cấp quốc gia, tập trung mọi nguồn lực để xử lý dứt điểm. Một trong những mục tiêu lớn nhất là không để thị trường ngừng nghỉ, dù chỉ là một ngày. Việc nghẽn lệnh do nhiều nguyên nhân. Ngoài nguyên nhân khách quan, còn do nhà quản lý đã có lúc bị sao nhãng, không lường trước hết tình hình thị trường có thể tăng tốc nhanh như hiện nay.
"Để nghẽn lệnh là điều đáng tiếc, nhưng cũng cho thấy thị trường đã tăng trưởng vượt bậc, hệ thống mới chưa được chuẩn bị một cách kịp thời”, ông Trần Văn Dũng nói.
Thừa nhận việc triển khai bị chậm, ông Trần Văn Dũng cho hay, có nguyên nhân chủ quan từ phía cơ quan quản lý Nhà nước lẫn HOSE. Trong quá trình thực hiện dự án không lường hết tình hình, chưa thực sự quyết liệt.
Quá trình cải tiến hệ thống cũng tốn thời gian, bao gồm 2 lần thuê tư vấn nước ngoài để xây dựng mô hình thị trường chứng khoán Việt Nam và lập hồ sơ về thầu cho hệ thống.
Ban đầu, tính toán triển khai hệ thống mới của nhà thầu là Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX) dành cho HOSE, nhưng thực tế lại vừa có HOSE, vừa có Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nên phạm vi từ thị trường cổ phiếu đã mở rộng ra đáp ứng nhu cầu cho cổ phiếu, phái sinh…
Bên cạnh đó, sau khi lắp đặt xong phần cứng, phần mềm, chuẩn bị đưa vào kiểm thử... thì do bùng phát COVID-19, hệ thống KRX lại bị trễ hẹn.
Lãnh đạo UBCKNN cho rằng, khi hiện tượng nghẽn lệnh xảy ra là điều đáng tiếc, nhất là trong thời điểm thị trường phát triển rất mạnh.
“Gần 1/4 thế kỷ tham gia cùng với các thế hệ xây dựng thị trường, chúng tôi chỉ mong muốn thị trường phát triển về quy mô và thanh khoản, nhưng sự cố nghẽn lệnh gây ra nhiều phiền toái", ông Trần Văn Dũng nói.
Về hệ thống công nghệ thông tin mới của Hàn Quốc cho toàn thị trường chứng khoán, Chủ tịch UBCKNN cho biết, quá trình chạy thử nghiệm hệ thống của KRX sẽ diễn ra trong khoảng 6 tháng và đến cuối năm 2021 có thể hoạt động chính thức.
Trước đó, trao đổi với báo chí về tình trạng nghẽn lệnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thời gian qua mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán rất cao. Nếu như trước đây, 1 phiên giao dịch giá trị chỉ khoảng 10.000 tỷ đồng, thì đến nay, có lúc giao dịch lên tới gần 30.000 tỷ đồng/phiên. Hoặc trong thị trường chứng khoán phái sinh, có lúc lên đến 50.000 hợp đồng, tăng nhiều lần ngoài dự báo, gây nên tình trạng nghẽn mạng.
Bộ Tài chính đang quyết liệt chỉ đạo UBCKNN khắc phục nhanh lỗi kỹ thuật, phục vụ tốt nhất nhà đầu tư và thực hiện 2 giải pháp đồng thời. Trước tiên là cùng FPT cải tiến, khắc phục hệ thống kỹ thuật cùng HOSE, dự kiến sẽ khắc phục nghẽn lệnh vào đầu tháng 7. Thứ hai, về dài hạn Bộ Tài chính sẽ triển khai nhanh dự án đổi mới công nghệ có nguồn vốn hỗ trợ từ Hàn Quốc (nhà thầu là KRX).
Theo baochinhphu.vn
Tin cùng chuyên mục
- Vũ Thư: Tổng thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt 184% dự toán 11.11.2024 | 17:15 PM
- Cục Thuế tỉnh: Khen thưởng 26 doanh nghiệp có thành tích nộp thuế tiêu biểu 23.10.2024 | 14:58 PM
- Thông báo tuyển dụng 13.09.2024 | 10:36 AM
- Thành phố: Dư nợ cho vay ưu đãi tăng 6,35% 11.07.2024 | 17:11 PM
- Sacombank Thái Bình: Góp sức phát triển kinh tế - xã hội 28.04.2024 | 16:45 PM
- Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện Đông Hưng đánh giá kết quả hoạt động năm 2023 12.01.2024 | 17:06 PM
- Năm 2024 phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1.700 nghìn tỷ đồng 27.12.2023 | 19:58 PM
- Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân tỉnh Thái Bình: 30 năm xây dựng, đổi mới, phát triển, hiệu quả 23.08.2023 | 08:17 AM
- Cảnh báo việc mạo danh cán bộ thuế để lừa đảo 10.08.2023 | 14:30 PM
- Triển khai hoạt động của quỹ TYM tại xã Hồng Tiến 10.07.2023 | 17:42 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để giải quyết công việc phát sinh đột xuất
- Họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai