Thứ 7, 16/11/2024, 03:51[GMT+7]

Lãi suất vay mua nhà tăng cao

Thứ 7, 16/07/2022 | 21:57:50
1,031 lượt xem
Một số ngân hàng thương mại thời gian gần đây đã nâng lãi suất cho vay mua nhà từ 0,2% đến 1% mỗi năm.

Giao dịch tại một ngân hàng thương mại. Ảnh: Giang Huy.

Giữa tháng 6, chị Nguyễn Hạnh (TP HCM) tìm đến các ngân hàng trong nước vay vốn do có nhu cầu mua thêm nhà đất. Vietcombank - một trong các nhà băng có gói lãi suất tốt và thủ tục giải ngân nhanh - đưa ra gói vay lãi suất ưu đãi 9,2% cố định cho 3 năm đầu. Nhưng chỉ sang ngày hôm sau, nhân viên tín dụng thông báo lãi suất tăng lên 9,8% một năm.

Không chỉ tại Vietcombank, ít nhất ba ngân hàng khác gần đây cũng tăng lãi suất cho vay mua nhà.

Shinhan Bank - ngân hàng nước ngoài có mức lãi suất hấp dẫn trên thị trường - mới đây đã nâng lãi suất cho vay mua nhà bình quân lên tối thiểu 8% một năm. Cụ thể, lãi suất ưu đãi 8,2% cho năm đầu, 8,9% ưu đãi cho 3 năm. Trong khi đó, cuối năm ngoái, mức lãi suất ưu đãi tại Shinhan Bank chỉ gần 5,5% một năm cho năm đầu tiên và 7,8% cho năm thứ 2 đến năm thứ 5.

Tại UOB, lãi suất cho vay mua nhà tăng từ 6,49% mỗi năm trong tháng trước lên 7,69%. VIB áp dụng lãi suất ưu đãi thấp nhất từ 8,7% mỗi năm, tăng 0,2 điểm % so với tháng trước.

Diễn biến này được các nhà băng lý giải do áp lực lãi suất đầu vào tăng và chính sách kiểm soát room tín dụng. Ông Trịnh Bằng Vũ - Giám đốc Khối cho vay khách hàng cá nhân Shinhan Bank chia sẻ, lãi suất tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh trong thời gian gần đây đã khiến lãi suất cho vay tăng lên. Bên cạnh đó, áp lực lợi nhuận từ cổ đông và cơ chế quản lý bằng hạn mức tăng trưởng tín dụng khiến lãi suất cho vay cá nhân đi lên.

"Trong bối cảnh room tín dụng còn lại hạn hẹp và Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có thông báo mới, các nhà băng phải chọn lọc khách hàng khi giải ngân", ông Vũ nói.

Tuy vậy, hiện trên thị trường vẫn còn một số ngân hàng bán lẻ chưa có động thái tăng lãi suất cho vay mua nhà. Ví dụ tại OCB, ba gói sản phẩm cho vay mua nhà đều đang được giữ nguyên mức lãi suất ưu đãi trong thời gian đầu. Vì theo lãnh đạo nhà băng này, đây là sản phẩm mũi nhọn của ngân hàng. Còn với những sản phẩm cho vay giá trị lớn có tính đầu cơ cao, OCB đã dừng giải ngân vài tháng qua theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.

Định hướng hạn chế tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng với phân khúc xây dựng resort nghỉ dưỡng hay những dự án có tính chất đầu cơ. Còn với mảng cho cá nhân vay mua nhà để ở không bị hạn chế, thậm chí được cơ quan quản lý khuyến khích cho vay dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Dự báo diễn biến lãi suất những tháng cuối năm, các lãnh đạo ngân hàng cho rằng phụ thuộc vào nhiều ẩn số liên quan đến tình hình kinh tế vĩ mô và lạm phát. Tuy nhiên trong vài tháng tới, lãnh đạo OCB cho rằng lãi suất cho vay có thể tăng nhẹ 0,1-0,2% một năm do chịu áp lực mạnh hơn từ lãi suất đầu vào.

Công ty chứng khoán SSI cũng đánh giá, thời gian tới lãi suất huy động sẽ còn tăng khi hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được cấp. Bên cạnh đó, từ 1/10, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn sẽ phải giảm từ 37% xuống 34% kéo theo việc các ngân hàng phải gia tăng nguồn vốn huy động dài hạn. Hai yếu tố này đẩy chi phí vốn bình quân của các ngân hàng cao hơn, kéo theo áp lực tăng lãi suất đầu ra.

Công ty chứng khoán KB (KBSV) cũng nhìn nhận lãi suất huy động sẽ nhích lên nửa cuối năm trước áp lực lạm phát và nhu cầu tín dụng hồi phục. Với kịch bản lạm phát tăng 3,%, KBSV dự báo lãi suất huy động nhiều khả năng tăng 0,5-1%, đẩy lãi suất cho vay tăng khoảng 0,4 - 0,7% một năm.

Theo vnexpress.net