Thứ 7, 16/11/2024, 03:41[GMT+7]

Lạm phát Việt Nam đang trong tầm kiểm soát

Thứ 4, 20/07/2022 | 08:16:24
761 lượt xem
Các trang báo quốc tế nhận định lạm phát Việt Nam đang trong tầm kiểm soát, tốc độ tạo việc làm tăng nhanh, khu vực sản xuất phục hồi mạnh.

Người dân mua sắm tại một siêu thị. (Ảnh: NLĐ)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố dự báo lạm phát của Việt Nam năm nay vào khoảng 3,9%, dưới mức mục tiêu kiểm soát, còn tăng trưởng 6%. Ngân hàng HSBC cũng đánh giá tích cực khi dự báo lạm phát Việt Nam năm nay sẽ ở mức trung bình 3,5%, tăng trưởng 6,9%.

Theo trang tin Asie News Network, trong nhóm 6 nước ASEAN là Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines, chỉ có đồng Việt Nam tăng giá hơn 8% so với đồng USD. Đồng tiền của các nước khác đều bị mất giá.

"Việt Nam đang ở một vị thế tốt vì Việt Nam đang sản xuất ra mặt hàng mà người dân và các công ty ở các nước khác cần. Vì vậy nó không quá bị ràng buộc bởi biến động về tiền tệ như các nước khác. Ví dụ như các sản phẩm điện tử, thực sự rất cần thiết trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, mọi người sẽ tiếp tục đặt hàng những sản phẩm đó từ Việt Nam", ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đánh giá.

Nỗ lực đảm bảo ổn định sản xuất của Việt Nam tiếp tục được ghi nhận. Công bố trong tuần qua của công ty nghiên cứu thị trường S&P Global (Mỹ), Việt Nam đứng thứ 2 trong ASEAN, chỉ sau Singapore về Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI). Đây là chỉ số đo lường "sức khỏe" kinh tế của ngành sản xuất. Đặc biệt, số lượng việc làm mới đã tăng nhanh nhất trong hơn 3 năm.

"Mặc dù vẫn tồn tại khó khăn thách thức như thiếu nguyên liệu đầu vào, chi phí vận tải và giá nhiên liệu tăng cao, các chuỗi cung ứng quốc tế vẫn chưa thực sự trở lại như mong muốn, tuy nhiên khảo sát của chúng tôi về sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới tại các công ty Việt Nam đều rất khả quan", ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho biết.

Ngân hàng Standard Chartered dự báo "Sự phục hồi của kinh tế Việt Nam có thể còn mạnh mẽ hơn nữa trong nửa cuối năm", tuy nhiên cần tiếp tục cảnh giác với các rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính. Chính sách cần linh hoạt để vừa kiểm soát dòng tiền, nhưng vẫn đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo vtv.vn