Thứ 5, 14/11/2024, 23:35[GMT+7]

“Nợ xấu đã chiếm 17% GDP cả nước”

Thứ 2, 08/04/2013 | 10:23:59
728 lượt xem
Đến 31/12/2012, nếu các tổ chức tín dụng chỉ báo cáo nợ xấu ở mức 120.000 tỷ đồng thì cộng cả nợ xấu tiềm tàng - trong đó có tính nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines, con số này sẽ vọt lên tầm nửa triệu tỷ đồng.

Xác định đúng quy mô nợ xấu sẽ giúp chính sách giải quyết đúng đắn hơn.

Quy mô nợ xấu - một vấn đề vốn gây nhiều tranh cãi và được coi là “ẩn số” của nền kinh tế Việt Nam nay lại được đưa ra “mổ xẻ” tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013 do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức.

 

Dẫn số liệu từ các tổ chức tín dụng, TS Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam cho biết, đến 31/12/2012, nợ xấu toàn hệ thống ở mức 120.000 tỉ đồng, chiếm 4,1% so tổng dư nợ tín dụng.  

 

Tuy là con số không nhỏ song vẫn thấp xa, chỉ bằng khoảng nửa so với con số mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố.

 

Thế nhưng, nếu cộng cả những khoản nợ xấu tiềm tàng, gồm nợ khoanh, nợ được cơ cấu lại theo Quyết định 780/QĐ-NHNN và nợ được cơ cấu lại của Vinashin, Vinalines thì tổng nợ xấu được ước tính sẽ vọt tới tầm nửa triệu tỉ đồng, tương đương 18% tổng dư nợ tín dụng, gần 10% tổng tài sản toàn hệ thống hay khoảng 17% GDP danh nghĩa 2012!

 

 

Xác định đúng quy mô nợ xấu sẽ giúp chính sách giải quyết đúng đắn hơn.

 

Ông Trịnh Quang Anh coi đây là “một con số đáng sợ, một minh chứng mạnh mẽ để giải thích tại sao tín dụng cho nền kinh tế rơi vào đình trệ, thanh khoản hệ thống ngân hàng bất ổn và nền kinh tế chìm sâu hơn trong suy thoái”. 

 

Tiếp đến, với một loạt các luận điểm của mình, ông cảnh báo, con số này có thể sẽ không dừng lại ở đó và ngày càng trở nên trầm trọng hơn.

 

Ông Anh cho rằng, với triển vọng kinh tế tiếp tục xấu đi sẽ làm các khoản nợ hiện đang được coi là đủ tiêu chuẩn hay chưa xấu nhanh chóng chuyển thành xấu. Hơn nữa, việc NHNN xiết chặt hơn các chuẩn mực về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, nợ xấu được đánh giá lại sẽ tăng lên.

 

Ngoài ra, các khoản nợ xấu được các tổ chức tín dụng che giấu trước đây, sẽ “bục” dần theo thời gian và sự tiến triển của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng – ông Quang Anh nhận định.

 

Con số nợ xấu chính xác thường gây ra nhiều bàn cãi không chỉ do số liệu bất nhất giữa báo cáo các ngân hàng và số liệu thanh tra của Ngân hàng Nhà nước mà còn do cơ sở tính nợ xấu theo quy chuẩn Việt Nam và quốc tế khác nhau.

 

Hồi tháng 10 năm ngoái, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings từng đánh giá, tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam đã vượt quá 10% tổng dư nợ và có thể tệ hơn. Đó cũng là yếu tố mang lại rủi ro hạ bậc xếp hạng đối với các ngân hàng.

 

Trong khi đó, nhà kinh tế Vishnu Varathan của ngân hàng Mizuho thì nhìn nhận, mặc dù NHNN đã thấy được tầm quan trọng của vấn đề và tính lây lan của nợ xấu song thị trường vẫn chưa nhận được một con số cụ thể và thống nhất nào về nợ xấu hiện nay. Và nếu như không nắm được con số thì các bước giải quyết vẫn rất mông lung.

 

Cũng tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân vừa rồi, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc không biết được chính xác số nợ xấu bao nhiêu còn xấu hơn cả nợ xấu.

 

Việc có được một số liệu thống nhất và đáng tin cậy sẽ là cơ sở để có những hướng đi đúng đắn, gỡ “nút thắt” tín dụng hiện nay.

 Nguồn Dantri.com.vn

  • Từ khóa