Thứ 7, 23/11/2024, 21:40[GMT+7]

Đồng hành cùng người nghèo

Thứ 2, 19/09/2022 | 12:09:39
6,042 lượt xem
Với quyết tâm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, những năm qua, huyện Quỳnh Phụ tích cực triển khai tín dụng chính sách ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, qua đó góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ gia đình tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Gia đình anh Nghiêm Xuân Tùng, thôn An Lộng 2, xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) là hộ nghèo của xã. Vài năm trước được Hội Nông dân xã giới thiệu về chương trình tín dụng chính sách ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Quỳnh Phụ, anh đã vay vốn để phát triển sản xuất. Đến nay, qua 2 chu kỳ vay với tổng số tiền 120 triệu đồng, anh đã sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả, đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, thả cá và trồng cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. 

Anh Tùng chia sẻ: Trong quá trình vay vốn phát triển sản xuất, tôi cũng tìm hiểu nguồn vay từ các ngân hàng. Với nhiều chính sách ưu đãi tôi đã quyết định vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, việc chăn nuôi thuận lợi tôi sẽ mở rộng quy mô và tiếp tục vay vốn từ chương trình tín dụng chính sách ưu đãi và sử dụng đúng mục đích.

Chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thực hiện theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ. Trong quá trình triển khai thực hiện, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện luôn có sự đồng hành, vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị - xã hội huyện để sớm đưa nguồn vốn đến với người nghèo. 

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Phụ cho biết, nguồn vốn hoạt động Phòng giao dịch của huyện chủ yếu là vốn cân đối từ trung ương chuyển về; quá trình hoạt động được sự quan tâm, tạo điều kiện ủy thác từ nguồn ngân sách của địa phương, của tổ chức, cá nhân, đến nay cơ cấu nguồn vốn hoạt động khá đa dạng, ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đặc biệt, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã thiết lập được mô hình tổ chức, phương thức quản lý vốn chính sách đặc thù, hiệu quả thông qua các đoàn thể: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, nhờ đó đến nay Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã mở được 37 điểm giao dịch tại 37 xã, thị trấn với 363 tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động trên địa bàn. Các điểm giao dịch, tổ tiết kiệm và vay vốn đã phát huy vai trò trong triển khai thực hiện tín dụng CSXH, chuyển tải kịp thời nguồn vốn ưu đãi đến với các đối tượng thụ hưởng. 

Chị Nguyễn Thị May, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn An Lộng 2, xã Quỳnh Hoàng chia sẻ: Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn đang quản lý trên 50 thành viên vay vốn. Để quản lý tốt các khách hàng trong việc trả lãi hàng tháng đúng quy định, các tổ vay vốn của xã luôn bám sát khách hàng; hàng tháng, hàng quý họp lựa chọn khách hàng có đủ các điều kiện theo yêu cầu; tùy vào thu nhập của gia đình các tổ vận động khách hàng tiết kiệm để trả lãi hàng tháng và trả nợ đúng hạn.

Qua 20 năm triển khai, tính đến 30/6/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 501.264 triệu đồng với trên 12.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác còn dư nợ, gấp hơn 14,9 lần so với thời điểm thành lập. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Trong 20 năm qua, đã có trên 156.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với số tiền 1.820 tỷ đồng, trong đó đã cho vay được 42.941 lượt hộ nghèo, 6.451 lượt hộ cận nghèo và 12.285 lượt hộ mới thoát nghèo có cơ hội tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất, kinh doanh với mục đích không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu. Giúp 3.315 lao động có việc làm ổn định thuộc chương trình cho vay giải quyết việc làm; 39 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động có nguồn thu nhập ngoại tệ gửi về trả nợ ngân hàng và giúp đỡ gia đình; 477 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở; trên 62.110 lượt hộ có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; 51.500 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã góp phần cải thiện môi trường xanh, sạch, không bị ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn...

Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, có sự kết hợp chặt chẽ giữa Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao đời sống người dân, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển.

Khách hàng thực hiện thủ tục vay vốn tại điểm giao dịch các xã, thị trấn trong huyện. 

Nguyễn Cường