Thứ 7, 23/11/2024, 21:09[GMT+7]

Ngành ngân hàng Thái Bình: Phát huy vai trò huyết mạch, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Thứ 6, 30/12/2022 | 17:21:09
9,135 lượt xem
Năm 2022 là một năm hoạt động đầy khó khăn, thử thách đối với hệ thống ngân hàng cả nước trong đó có ngân hàng Thái Bình nói riêng bởi những tác động phức tạp của kinh tế thế giới đến nước ta. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 trong suốt hơn 2 năm qua đã tạo ra những khó khăn, thách thức lớn đến nền kinh tế nói chung và lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng nói riêng.

Ký kết quy chế phối hợp công tác giữa Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng Thái Bình đã chủ động triển khai kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và của tỉnh, tham gia thực hiện tốt đồng thời 2 nhiệm vụ: vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa cung cấp vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng để hỗ trợ phục hồi và phát triển nền kinh tế, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh, ngoài NHNN Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng còn có 27 chi nhánh ngân hàng và 85 quỹ tín dụng nhân dân và 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thành lập 8 chi nhánh cấp huyện, thành phố, 90 phòng giao dịch, 44 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 62 xã liền kề và 260 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội trải rộng khắp các xã, phường, thị trấn.

Năm 2022, dự báo nhu cầu vay vốn tăng cao, nên ngay từ đầu năm, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp với nhiều sản phẩm tiền gửi đa dạng nhằm huy động tối đa lượng tiền nhàn rỗi trong dân cư và các tổ chức kinh tế. Đến hết tháng 12/2022, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt 105.550 tỷ đồng, tăng 12% so với 31/12/2021; trong đó tiền gửi dân cư chiếm 91,1% và tiền gửi tổ chức kinh tế chiếm 8,9%.

Ngành ngân hàng Thái Bình đã tích cực triển khai các giải pháp khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; tổng dư nợ cho vay đến 31/12/2022 đạt trên 87.600 tỷ đồng, tăng 16,5% so với 31/12/2021. Các TCTD trên địa bàn tập trung vốn cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, cho vay các chương trình, chính sách tín dụng, hộ nghèo và các đối tượng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và của tỉnh; cụ thể: cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 32.650 tỷ đồng, với gần 109.000 khách hàng còn dư nợ, tăng 15% so với 31/12/2021, chiếm 37,3% tổng dư nợ cho vay; cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên đạt 1.410 tỷ đồng, chiếm 1,6% tổng dư nợ cho vay; cho vay hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất, giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt 6 tỷ đồng; cho vay 24 dự án nước sạch nông thôn của tỉnh, số tiền đã giải ngân 389 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 140 tỷ đồng; cho vay phát triển thủy sản, số tiền đã giải ngân đạt trên 110 tỷ đồng, dư nợ cho vay gần 94 tỷ đồng; cho vay tín dụng chính sách đạt trên 3.750 tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng dư nợ cho vay toàn địa bàn... Bên cạnh đó, các NHTM vẫn tiếp tục rà soát danh mục khách hàng đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất để đẩy mạnh công tác hướng dẫn khách hàng hoàn thiện thủ tục hỗ trợ lãi suất trên cơ sở đề nghị của khách hàng. Đến nay, đã có 10 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 và Thông tư số 03, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt 270 tỷ đồng, dư nợ cho vay được hỗ trợ lãi suất trên 118 tỷ đồng, số tiền được hỗ trợ lãi suất 918 triệu đồng.

Năm 2022, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã có những bước phát triển mạnh nhằm phục vụ tốt hơn các nhu cầu của khách hàng. Các TCTD trên địa bàn tỉnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hiện đại hóa công nghệ, các ngân hàng đã đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện lợi, mang lại lợi ích thiết thực cho khách hàng. Với các giải pháp nêu trên, doanh số thanh toán qua ngân hàng năm 2022 đạt trên 1,67 triệu tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2021; trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 77,5% tổng doanh số thanh toán.

Hoạt động ngoại hối năm 2022 phát triển mạnh. Doanh số mua bán ngoại tệ đạt 2,4 tỷ USD, thanh toán xuất nhập khẩu qua ngân hàng đạt 2,1 tỷ USD, chi trả kiều hối đạt 94 triệu USD; NHNN Chi nhánh tỉnh xác nhận đăng ký 10 khoản vay nước ngoài, giá trị vay vốn 21,66 triệu USD, chấp thuận gia hạn đăng ký đại lý chi trả ngoại tệ nước ngoài cho 06 QTDND.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động ngân hàng được tăng cường, góp phần phòng tránh rủi ro, bảo đảm an toàn, lành mạnh hoạt động ngân hàng trên địa bàn.

Năm 2023 được dự báo là một năm tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tình hình thế giới dự báo phức tạp, khó lường hơn; đồng thời, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, ngành ngân hàng Thái Bình đã xây dựng kế hoạch hoạt động chung của ngành, trong đó đề ra mục tiêu, giải pháp phấn đấu thực hiện của ngành trong năm 2023 là nguồn vốn huy động tăng tối thiểu 12% so với 31/12/2022; dư nợ cho vay tăng tối thiểu 14% so với 31/12/2022 và căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế để điều chỉnh phù hợp; doanh số thanh toán tăng tối thiểu 15% so với năm 2022...

Để thực hiện hiệu quả kế hoạch hoạt động của ngành đã xây dựng, NHNN Chi nhánh tỉnh tiếp tục bám sát định hướng, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng tới các TCTD trên địa bàn; thường xuyên nắm bắt thông tin, tình hình kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai chính sách, nhất là tín dụng phục vụ phục hồi nền kinh tế và phát triển nông nghiệp, nông thôn; các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, chủ động phòng, chống, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật...

Các TCTD bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN Việt Nam, Hội sở chính; đẩy mạnh huy động vốn, thực hiện tăng trưởng tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng an toàn, hiệu quả, kiểm soát và xử lý nợ xấu phù hợp với mục tiêu, định hướng chung của ngành; chủ động rà soát, hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất theo quy định; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, thanh toán không dùng tiền mặt; bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán; nâng cao năng lực quản trị, điều hành; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tăng cường đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, hiện đại hóa công nghệ, phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán, trả lương qua tài khoản...; tăng cường quản lý, đào tạo cán bộ, nhân viên; nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong, lề lối làm việc, góp phần hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2023 của từng đơn vị, cũng như của toàn ngành ngân hàng.

Phan Thị Tuyết Trinh
(Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình)