Chủ nhật, 24/11/2024, 10:45[GMT+7]

Người dân ưa gửi tiền ngân hàng, doanh nghiệp tăng rút ra

Chủ nhật, 09/07/2023 | 21:21:49
1,245 lượt xem
Lãi suất cao, số gửi ngân hàng của người dân lên kỷ lục nhưng của doanh nghiệp giảm mạnh, do họ cần tiền để xoay vòng vì không vay được vốn.

Ảnh minh họa.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4, tiền gửi của dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 6,33 triệu tỷ đồng, mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

So với cuối năm 2022, tiền gửi của dân cư tính tới cuối tháng 4 tăng gần 8%, tương ứng gần 470.000 tỷ đồng. Khoản mục này đã tăng liên tục từ tháng 10 năm trước.

Trong khi đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại ở chiều hướng ngược lại khi giảm dần đều. Đến cuối tháng 4, các tổ chức kinh tế gửi tại ngân hàng hơn 5,6 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với cuối tháng 10 năm trước và giảm khoảng 300.000 tỷ so với mức đỉnh vào tháng 12.

Tiền gửi của dân cư bắt đầu chảy mạnh vào hệ thống từ cuối năm ngoái do sức hấp dẫn của lãi suất tiết kiệm. Lãi suất bắt đầu tăng nhanh từ giữa năm 2022 khi lạm phát trở thành vấn đề được chú ý, các nền kinh tế lớn trên thế giới liên tục tăng lãi suất. Lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng có lúc được đẩy lên 11-12% khiến người dân tăng gửi tiền để hưởng ưu đãi.

Ngược lại, tiền gửi của các tổ chức kinh tế có xu hướng đi ngang trong một năm gần đây trong khi các năm trước vẫn tăng trưởng đều đặn.

Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán tại TP HCM giải thích, thông thường các doanh nghiệp gửi tiền vào ngân hàng và vay tiền ngược lại để kinh doanh. Khi đó, mức lãi suất phải chịu chỉ bằng chênh lệch giữa lãi suất vay và huy động, đồng thời doanh nghiệp vẫn còn khoản tiền gửi để xử lý những tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, nửa cuối năm trước, "room" tín dụng hạn chế, lãi suất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp không thể vay được từ ngân hàng, phải dùng tới khoản tiền gửi để xoay vòng vốn. Điều này khiến số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế liên tục giảm.

Xu hướng trái chiều giữa tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp khiến tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng chưa tới 2%, tương ứng hơn 240.000 tỷ đồng.

Những tháng gần đây, sau khi Ngân hàng Nhà nước nhiều lần điều chỉnh lãi suất điều hành, diễn biến lãi suất có phần dễ thở hơn.

Tính tới cuối tháng 6, hệ thống chỉ còn hai ngân hàng yết lãi suất tiết kiệm cao nhất 8% một năm, trong khi cách đây một tháng có hơn 10 đơn vị sẵn sàng trả vượt mức này. Mặt bằng lãi suất huy động đã giảm về dưới 8% một năm. Chục nhà băng niêm yết lãi suất cao nhất (thường áp dụng với kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng) dưới 7% một năm.

Lãi suất đầu vào giảm, lãi suất cho vay cũng được điều chỉnh. Tuy nhiên, việc mở rộng tín dụng của hệ thống ngân hàng gặp trở ngại khác là sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, một trong những nguyên nhân lớn nhất là bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, cầu đầu tư - tiêu dùng giảm nên cầu tín dụng cũng giảm tương ứng. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tồn kho, sản xuất bị ngưng trệ dẫn tới nhu cầu vay vốn giảm.

Theo vnexpress.net