Thứ 7, 23/11/2024, 14:09[GMT+7]

Ngành cà phê xin gia hạn thời gian vay vốn

Thứ 6, 28/06/2013 | 10:43:20
695 lượt xem
Dư nợ cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê là 696 tỷ đồng, trong đó, 100% là nợ quá hạn.

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà vừa ký văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về việc giãn nợ cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê.

 

Theo đề nghị của Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung mặt hàng cà phê thuộc đối tượng gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu theo như qui định tại Nghị quyết số 02 của Chính phủ.

 

Về vấn đề này, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, các mặt hàng nông sản thuộc đối tượng vay vốn tín dụng xuất khẩu bao gồm: Chè, hạt tiêu, hạt điều đã qua chế biến, rau quả (hộp, tươi, khô, sơ chế, nước quả), đường, thịt gia súc gia cầm, cà phê, thủy sản. Thời hạn cho vay tối đa, kể cả thời gian gia hạn nợ là 12 tháng.

 

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Việt Namon>, dư nợ cho vay tín dụng xuất khẩu (TDXK) đối với mặt hàng cà phê đến 31/5/2013 là 696 tỷ đồng (chiếm 6% tổng dư nợ TDXK). Trong đó, 100% là nợ quá hạn, chủ yếu tập trung ở 2 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước là Công ty cổ phần đầu tư và xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa. Dư nợ TDXK của 2 DN này là 392 tỷ đồng, chiếm 56% tổng dự nợ TDXK cho vay để xuất khẩu cà phê. Thời hạn cho vay đối với mặt hàng cà phê thông thường từ 4-6 tháng tùy thuộc và hợp đồng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo chu kỳ kinh doanh có giai đoạn giá xuất khẩu cà phê xuống thấp nên các doanh nghiệp có xu hướng găm hàng đợ giá lên hoặc bán trong nước để giảm lỗ. Theo đó, các doanh nghiệp có nhu cầu kéo dài thời hạn cho vay tín dụng xuất khẩu.

 

Cũng theo nguồn tin từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam, trong các doanh nghiệp vay vốn tín dụng xuất khẩu có doanh nghiệp đáp ứng được hợp đồng xuất khẩu, có bộ hồ sơ chứng từ gửi lại Ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp khi vay vốn tín dụng xuất khẩu nhưng không xuất khẩu được hàng (vì những lý do khác nhau). “Do vậy, chính sách đối với các doanh nghiệp có bộ hồ sơ xuất khẩu cần có sự khác biệt đối với các doanh nghiệp có hàng xuất khẩu và doanh nghiệp không có hàng xuất khẩu” – phía Ngân hàng Phát triển Việt Namon> đề nghị.

 

Theo rà soát của Bộ Tài chính, các Nghị quyết, Nghị định trước đó về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu các dự án vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chỉ bao gồm các mặt hàng thủy sản, rau quả, không bao gồm mặt hàng cà phê. Trường hợp Chính phủ cho phép mặt hàng cà phê được áp dụng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP thì cần bổ sung sửa đổi Nghị định số 54/2013 để có cơ sở pháp lý thực hiện.

 

Từ tình hình trên, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc cho phép mặt hàng cà phê được áp dụng chính sách kéo dài thời gian vay vốn tín dụng xuất khẩu tối đa trên 36 tháng theo Nghị quyết số 02 của Chính phủ. Đối tượng áp dụng đối với doanh nghiệp thực sự có hàng xuất khẩu có khó khăn về tài chính.

 

Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên qua trình Chính phủ Nghị định bổ sung Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ theo trình tự rút gọn.

 

Về thực trạng ngành cà phê hiện nay, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cho biết: Do thiếu vốn nên 2 năm qua các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, trung bình 17%/năm. Các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu cà phê trong nước gặp nhiều khó khăn, khó cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.  Tuy nhiên, ngoài các nguyên nhân nói trên, Bộ Tài chính cho rằng, khó khăn của ngành cà phê còn có các nguyên nhân khác như vấn đề qui hoạch và đầu tư đối với cây cà phê như: chậm tái canh trong khi cà phê già cỗi khiến cho năng suất thấp, chất lượng kém; người trồng cà phê tiềm lực tài chính yếu, không có khả năng đầu tư giống, chăm sóc… Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho ngành cà phê, bên cạnh các giải pháp về tín dụng cần có các giải pháp căn cơ để giải quyết các tồn tại, yếu kém liên quan đến các nguyên nhân nêu trên.

 

Còn theo thông tin từ Hiệp hội cà phê, dư nợ xấu vay ngân hàng thương mại và Ngân hàng Phát triển Việt Nam của các doanh nghiệp cà phê hiện nay vào khoảng 6.330 tỷ đồng (chưa bao gồm khoản nợ vay ngân hàng thương mại của các đại lý thu mua cà phê, các hộ kinh doanh cá thể, các công ty thu mua và một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê khác). Như vậy, nợ quá hạn TDXK đối với mặt hàng cà phê tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chỉ chiếm khoảng 11% tổng dư nợ xấu vay của các tổ chức tín dụng của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê, Do đó, nếu chỉ xử lý gia hạn nợ vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam thì cũng không giải quyết được triệt để khó khăn về vốn đối với ngành hàng này. “Vì vậy, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh cà phê” – Bộ Tài chính khẳng định.

Nguồn vov.vn

  • Từ khóa